Hình minh họa
Muốn xây dựng chung cư mini ở TP.HCM đường giao thông phải rộng tối thiểu bao nhiêu?
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 101 quy định về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại nơi có nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (Chung cư mini) của cá nhân trên địa bàn TP.HCM
Theo đó, nếu xây dựng nhà ở từ 2 tầng trở lên với quy mô dưới 20 căn hộ và có căn hộ cho thuê ở mỗi tầng, đường giao thông cho xe chữa cháy phải rộng ít nhất 3,5 m.
Đồng thời, chiều cao thông thủy không nhỏ hơn 4,5 m và bảo đảm thông thoáng tại mọi thời điểm. Khoảng không giữa bãi đỗ xe chữa cháy và lối vào từ trên cao phải bảo đảm không bị cản trở bởi cây xanh hoặc các vật thể cố định khác.
Đường này cũng được yêu cầu phải có bán kính cong tối thiểu là 15 m (bảng 1 điểm 2.2.1.2 QCVN 07-4:2023/BXD và bảng 18 mục 11.3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13592:2022 đường đô thị - yêu cầu thiết kế).
Tại các nút giao cùng mức, bán kính rẽ xe cần đạt tối thiểu 10 m và bán kính bó vỉa phải ít nhất là 3 m.
Bên cạnh đó, đường giao thông phục vụ chữa cháy cũng phải tuân thủ các quy định tại mục 6.2 và 6.5 của QCVN 06:2022/BXD, đảm bảo chịu được tải trọng của xe cứu hỏa. Ngoài ra, kết cấu mặt đường phải bảo đảm chịu được tải trọng của chủng loại phương tiện chữa cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Các tiêu chuẩn của UBND TP.HCM nhằm đảm bảo tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về điều kiện đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tuân thủ quy định Luật Nhà ở năm 2023 và pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
TP.HCM sẽ chi 33 tỷ đồng để người dân đi metro miễn phí trong tháng đầu tiên
Trong tháng đầu tiên tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đi vào vận hành thương mại, toàn bộ người dân TP.HCM sẽ được trải nghiệm miễn phí cả metro và 17 tuyến xe buýt kết nối.
Với kế hoạch này, TP.HCM dự kiến chi 33 tỷ đồng từ ngân sách để triển khai, bao gồm 15,7 tỷ đồng cho tàu metro và 17,3 tỷ đồng cho các tuyến xe buýt kết nối. Đây là một phần trong chính sách hỗ trợ của thành phố nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm thiểu ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM, được khởi công vào năm 2012 với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 2,49 tỷ USD. Tuyến metro dài 19,7 km, trong đó 2,6 km là đường ngầm và 17,1 km là đường trên cao. Tuyến có 14 nhà ga, bao gồm 3 ga ngầm tại trung tâm thành phố và 11 ga trên cao trải dài từ khu vực trung tâm Bến Thành đến khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM và Khu Công nghệ cao tại quận 9 (cũ).
Những diễn biến mới nhất về tuyến đường sắt đô thị kết nối sân bay Nội Bài
Dự kiến tuyến đường sắt đô thị kết nối với sân bay Nội Bài sẽ được khởi động trong năm 2024 - 2025, hoàn thiện toàn bộ vào năm 2034; đoạn tuyến 2.4 Nam Thăng Long - Nội Bài đưa vào khai thác sử dụng năm 2030, báo Giao thông đưa tin.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có tuyến đường sắt đô thị số 2 kết nối sân bay Nội Bài với lộ trình: Khu đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo - Thượng Đình - Vành đai 2,5 - Bưởi - Nội Bài - Sóc Sơn.
Đây là một trong những tuyến được định hướng sớm nhất của Thủ đô, nhưng nhiều năm qua do không ít vướng mắc nên chưa triển khai được.
Dự kiến tuyến đường sắt đô thị này sẽ được khởi động trong năm 2024 - 2025, hoàn thiện toàn bộ vào năm 2034; đoạn tuyến 2.4 Nam Thăng Long - Nội Bài đưa vào khai thác sử dụng năm 2030.
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 2054. Chiều dài toàn tuyến khoảng 11,5km; đoạn trên cao dài khoảng 2,6km; đoạn ngầm dài khoảng 8,9km; khu Depot rộng 17,5ha tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.
Sửa quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai từ 10/12
Thông tư 49/2024/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ 10/12/2024. Theo đó, Thông tư 49/2024/TT-NHNN đã sửa đổi, bổ sung trình tự thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai tại Điều 13 Thông tư số 11/2022/TT-NHNN.
Cụ thể, theo Thông tư 49/2024/TT-NHNN, Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi:
- Chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại Điều 11 Thông tư này (trừ trường hợp ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng);
- Chủ đầu tư đã nhận được văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh Bất động sản cấp tỉnh trả lời cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Thông tư 49/2024/TT-NHNN cũng sửa đổi, bổ sung trình tự thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Theo đó, căn cứ đề nghị của chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, thẩm định và quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư.
Hoàng An