Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại: “Cuối năm 1972, dân Hà Nội đi sơ tán hết. Gia đình tôi cũng được lệnh rời Hà Nội, nhưng tôi tình nguyện xin ở lại để chứng kiến cuộc chiến đấu của Nhân dân Thủ đô”. Ngày 22/12/1972, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt Hà Nội. Căn hộ của gia đình ông tại khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam (phố Đại La) bị bom đạn giặc phá hủy. Chiếc đàn pi-a-nô bao năm gắn bó với hoạt động âm nhạc của nhạc sĩ bị vỡ tan, sách vở chẳng còn gì. Ông xách ba lô lên trụ sở cơ quan ở tạm. Đêm 23/12, đêm đầu tiên dưới căn hầm trú ẩn tại 58 phố Quán Sứ, trong tiếng gào thét của đạn bom, nhạc sĩ đã cho ra đời ca khúc “Hà Nội những đêm không ngủ” hào hùng, nhưng không kém phần sâu lắng. Trong ca khúc có đoạn Ơi các chị, các em đang giờ đây tạm xa Hà Nội/ Trông thấy chăng ráng đỏ rực hào quang trên thành phố của chúng ta? đỏ rực hào quang trên thành phố của chúng ta/ Hà Nội đêm nay thức cùng miền Nam/ Hà Nội anh hùng…
Bài hát “Hà Nội – Điện Biên Phủ” cũng gắn với nhiều kỷ niệm thú vị. Sau khi viết xong, nhạc sĩ hát cho các đồng nghiệp nghe: B52 tan xác cháy sáng bầu trời/ Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời/ Rồng ta lao vút tới vây bắt lũ hung thần khát máu/ Ý chí chúng ta đây mạnh hơn ngàn lần bom súng quân thù/ Một trận Điện Biên Phủ nay sẽ vùi mộng xâm lăng… Các đồng nghiệp của ông đã đề nghị thu thanh và phát sóng ngay ca khúc này trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, để khơi dậy ý chí chiến đấu của quân dân ta. Nhưng lúc đó Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam đã đi sơ tán hết. Vậy là chính nhạc sĩ Phạm Tuyên và các ca sĩ Trần Thụ, Văn Đạt cùng nhau thể hiện ca khúc này. Ca khúc được phát trong chương trình “Tiếng hát người Việt Nam” qua sóng phát thanh đến với đồng chí, đồng bào trong những ngày diễn ra trận chiến ác liệt giữa quân dân ta và không lực Hoa Kỳ.
Sau khi phát sóng, Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam đề xuất nên đăng nhạc và lời trên Báo Nhân dân để chuyển tải rộng rãi hơn tới công chúng. Khi đạp xe từ Đài Tiếng nói Việt Nam sang trụ sở Báo Nhân dân, nhạc sĩ Phạm Tuyên gặp nhà báo Thép Mới và nhà báo Hữu Thọ, được đề nghị hát cho hai nhà báo nghe. Đó cũng là một kỷ niệm mà sau này nhà báo Hữu Thọ đã nhắc tới trong tác phẩm “Hà Nội 12 ngày ấy”. Khi miền Nam giải phóng, nhạc sĩ vào miền Nam công tác, các văn nghệ sĩ trong đó đã nói với ông: “Khi bài Hà Nội – Điện Biên Phủ phát trên sóng phát thanh, chúng tôi đã nói với nhau, quân và dân miền Bắc vừa đánh giặc vừa hát thì chắc chắn sẽ giành được chiến thắng”. Quả đúng thế, sau 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường, đến cuối tháng 12/1972, quân dân Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Năm 1974, dư âm về chiến thắng thần kỳ Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không tiếp tục là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác tổ khúc hợp xướng “Vầng trăng Hà Nội” dài bốn chương. Tác phẩm đoạt giải A Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1975 và được giới thiệu trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam.