Một là, chủ động, tích cực đấu tranh trên mặt trận lý luận tư tưởng, bảo vệ phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ đường lối kinh tế của Đảng. Đây là giải pháp cơ bản lâu dài cần phải được quán triệt và tổ chức thực hiện trong suốt quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Muốn làm được điều đó, trước hết phải đầu tư nghiên cứu để nắm chắc, hiểu sâu và hiểu một cách hệ thống các quan điểm kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên cơ sở nghiên cứu một cách đầy đủ và có hệ thống các quan điểm kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta phải biết vận dụng một cách sáng tạo các tư tưởng kinh tế sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và tình hình quốc tế. Thường xuyên tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận nhằm làm rõ tính khoa học trong đường lối kinh tế của Đảng, kịp thời tổng kết thực tiễn, đúc kết thành lý luận không tạo ra khoảng trống về lý luận, tư tưởng để kẻ thù chống phá. Chủ động, nhạy bén kiên quyết đấu tranh, vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù, bảo vệ tính cách mạng, khoa học của học thuyết kinh tế Mác - Lênin.
Hai là, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam. Thực hiện tốt giải pháp này cũng chính là phòng, chống chiến lược “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế một cách có hiệu quả, nhằm kiên định với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, từng bước thực hiện được mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, trước hết cần hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho kinh tế phát triển. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế quốc dân.
Ba là, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng vào sự yếu kém của nền kinh tế của nước ta để thực hiện các hành động chống phá. Vì vậy, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, gắn tăng trưởng kinh tế cao với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là giải pháp hữu hiệu nhất để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Để làm được vấn đề này, cần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, xây dựng các chủ trương, chính sách đúng đắn, sát thực tế nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn.
Bốn là, thực hiện tốt cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác, kết hợp chống “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với chống “Tự diễn biến” của ta. Tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội khác là mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành “Diễn biến hòa bình”; đây cũng là vấn đề “Tự diễn biến” của ta mà các thế lực thù địch đang mong đợi. Bởi vì, tham ô, lãng phí, quan liêu diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên biến chất làm cho nhân dân bất bình, mất lòng tin vào Đảng, vào chế độ; các thế lực thù địch lợi dụng thổi phồng, bóp méo, kích động nhân dân chống lại Đảng, Nhà nước. Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch với nước ta trên lĩnh vực kinh tế, cùng với việc thực hiện tốt các giải pháp trên cần phải tiến hành tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tệ nạn xã hội khác và đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.