Năm nay, chúng ta kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 trong hoàn cảnh thật đặc biệt. Nhớ về những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc 76 năm trước, cũng là dịp để soi rọi vào cuộc chiến đấu cam go hôm nay, của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng, chống lại dịch Covid-19. Trong đó, bài học về đoàn kết toàn dân vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa.
Nhân dân Sài Gòn biểu tình giành chính quyền ngày 25-8-1945. Ảnh: Tư liệu
Bài học máu xương
Những ngày này, đất nước ta, nhất là TPHCM, đang đối mặt với những khó khăn chưa từng thấy vì dịch bệnh. Ngược dòng lịch sử, dễ thấy rằng dân tộc ta đã trải qua rất nhiều tình cảnh đau thương, mất mát, nhưng điều kỳ diệu là chúng ta đều vượt qua được. Bước ra từ đói khổ, lầm than, cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không phân biệt giàu nghèo, nam nữ, già trẻ, dân tộc, tôn giáo, đã triệu người như một, nhất tề vùng lên tổng khởi nghĩa thắng lợi trong cả nước, cởi bỏ xích xiềng nô lệ, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do.
Ở miền Nam, tại thành phố Sài Gòn năm ấy, tổ chức Thanh niên Tiền phong do cơ sở Đảng xây dựng và lãnh đạo, đã phát động đông đảo quần chúng Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ nổi dậy với gậy gộc, giáo mác trong tay, khí thế ngút trời, để rồi ngày 25-8 giành toàn bộ chính quyền từ tay thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Sức mạnh nào đã giúp dân tộc ta làm nên điều tưởng chừng không thể ấy? Trước hết, đó chính là sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Chủ trương đại đoàn kết đã xuất hiện từ rất sớm, và sự ra đời của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh năm 1941 (gọi tắt là Việt Minh) chính là hiện thực hóa chủ trương này. Khẩu hiệu chính của Việt Minh là đoàn kết toàn dân, chống Nhật, chống Pháp, giành lại độc lập. Thành công của Cách mạng tháng 8-1945 chính là minh chứng đỉnh cao của bài học dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân. Bao nhiêu triệu người, xuất phát từ những vị thế, giai tầng xã hội khác nhau, nhưng đều được khơi lên tấm lòng yêu nước và đứng chung dưới một ngọn cờ độc lập, tự do cho dân tộc.
Sau này, bài học đại đoàn kết toàn dân tộc trở thành đường lối chiến lược, bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Giờ đây, trước cơn đại dịch, chúng ta cần phát huy nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sớm đưa đất nước trở lại cuộc sống bình thường mới.
Bà con khu phong tỏa cách ly phường 5, quận Gò Vấp với kệ hàng 0 đồng, phục vụ hàng hóa cần thiết trong ngày. Ảnh: Hoàng Hùng
Phát huy sức mạnh đoàn kết
Suốt nhiều tháng cao điểm chống dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta đã ấm lòng biết bao khi chứng kiến tấm lòng của cả nước hướng về miền Nam, hướng về TPHCM. Từ những y bác sĩ, những sinh viên y khoa tình nguyện lên đường vào tâm dịch; những cụ già, em nhỏ, chắt chiu từng đồng tiền ủng hộ; các doanh nghiệp, kiều bào vận dụng những mối quan hệ quý giá để Việt Nam có được trang thiết bị y tế, vaccine. Những chuyến xe chở hàng hóa, lương thực từ các tỉnh thành nối đuôi nhau tiếp sức cho người nghèo.
Tại thành phố mang tên Bác, những đội nhóm tình nguyện cũng không quản ngày đêm, đến với những mảnh đời khó khăn cần hỗ trợ. Khi hoạn nạn, người Việt luôn đoàn kết, thương yêu nhau, dù ở tầng lớp nào, vùng miền nào, trong nước hay ở nước ngoài… đều là một đại gia đình.
Trong bối cảnh này, có thể thấy vai trò tập hợp lực lượng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) càng phải được nâng cao hơn nữa. Vừa qua, hệ thống mặt trận đã vào cuộc thật tích cực. Các tổ chức, cá nhân đã tìm đến MTTQ gửi gắm sự ủng hộ. Trung tâm an sinh các cấp cũng được lập ra làm đầu mối tiếp nhận, phân phối hàng hóa cứu trợ. Những thùng quà, món tiền được trao đi. Nhưng cả hệ thống chính trị chứ không riêng MTTQ phải làm nhiệm vụ an sinh, củng cố khối đoàn kết, đồng tâm của hàng triệu người dân thành phố. An sinh xã hội cũng là bài học về an dân, để tất cả cùng đồng lòng chống dịch.
Cách mạng tháng 8-1945, nhờ có Đảng mà nhân dân ta phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vùng lên phá xích xiềng nô lệ ngót trăm năm. Ngày nay ta có Đảng, có Nhà nước nữa nên sức mạnh đại đoàn kết càng được nâng cao. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, chúng ta có chủ trương quyết sách phù hợp của Đảng, có Nhà nước thống nhất chỉ đạo điều hành, có hệ thống chính trị mạnh mẽ xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương cơ sở cho nên chắc chắn sẽ giành được thắng lợi cuối cùng.
Thành công ấy sớm hay muộn, là do tổ chức thực hiện ở từng cơ sở và do ý thức chấp hành triệt để đến mức nào của mỗi người dân. Đó chính là thử thách, là trải nghiệm, là trưởng thành và bản lĩnh của nhân dân ta. Đại dịch rồi sẽ qua, nhưng năng lực, bản lĩnh và ý thức đoàn kết toàn dân tộc sẽ được nâng tầm cao mới, để nhân dân Việt Nam tiếp tục tiến lên.
PHẠM CHÁNH TRỰC
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM
Nguồn: sggp.org.vn