Tối 8-6, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội) diễn ra Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 8 và Chương trình giao lưu-nghệ thuật “Ngời sáng những người con trung hiếu”.
Cùng với vinh danh các tác giả đoạt giải, các tác phẩm xuất sắc, Ban tổ chức còn giới thiệu, tôn vinh nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến (ĐHTT), những tấm gương bình dị mà cao quý được Báo Quân đội nhân dân phát hiện, phản ánh trong suốt hơn một năm qua. Cũng tại địa điểm này, ngày 10-6, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương tổ chức Lễ tuyên dương ĐHTT toàn quốc năm 2017, tôn vinh 377 ĐHTT tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội…

Đó là hai trong số nhiều hoạt động vinh danh, tôn vinh ĐHTT được các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức, nhất là trong dịp kỷ niệm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6), nhằm mục đích cao nhất để vườn hoa “người tốt, việc tốt” thêm đua nở, tỏa hương, để “đẹp dẹp xấu, chính trừ tà, thiện thắng ác”, nhân lên giá trị truyền thống và xây dựng chuẩn mực nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Bản thân “người tốt, việc tốt” luôn có sức mạnh tự phát sáng, cảm hóa và nêu gương. Thế nhưng, nếu chỉ trông chờ vào sự vận động tự phát thì sự nêu gương, lan tỏa của cái tốt, cái hay, cái đẹp sẽ hạn chế, bởi đa phần các ĐHTT không màng danh lợi, không muốn được ca tụng, ngợi khen. Họ phấn đấu, công tác, cống hiến, xem đó là bổn phận của mình. Do vậy, các cơ quan, tổ chức phải quan tâm phát hiện, khen thưởng, tôn vinh để có thêm nhiều người biết đến, trân trọng, cảm phục và học tập, làm theo.
Để lựa chọn được gần 400 tập thể, cá nhân xứng đáng vinh danh tại Lễ tuyên dương ĐHTT toàn quốc năm 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương… đã dày công khảo sát, phát hiện, lựa chọn và đề xuất tôn vinh những “bông hoa” tươi đẹp, ngát hương nhất trong “rừng hoa đẹp” của dân tộc.
Để phát hiện các ĐHTT, cần nhiều hơn nữa các hình thức, phương pháp tôn vinh thường xuyên, có tác dụng giáo dục đạo đức xã hội một cách sâu rộng. Đó không chỉ là trách nhiệm của cơ quan báo chí truyền thông, các cơ quan chức năng, mà phải là công việc thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, các cơ quan trực tiếp làm công tác thi đua-khen thưởng phải vào cuộc tích cực hơn, có cơ chế để phát hiện, giới thiệu, tôn vinh ngày càng nhiều gương “người tốt, việc tốt”.
Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị có ĐHTT được ghi nhận, tôn vinh cần đề cao trách nhiệm trong tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhân rộng ĐHTT, tạo môi trường thuận lợi để các ĐHTT phấn đấu, nêu gương; đặc biệt là phổ biến, giới thiệu về ĐHTT, đẩy mạnh tuyên truyền những kinh nghiệm, phương pháp, cách làm hiệu quả của các ĐHTT. Cần sớm nghiên cứu, hoàn thiện chế độ chính sách đối với các ĐHTT, để mỗi “bông hoa đẹp” không chỉ được vinh danh mà còn nhận được sự quan tâm thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần.
Đối với các ĐHTT là cán bộ, đảng viên, cần có những chính sách ưu tiên thiết thực trong việc đánh giá, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ, giúp ĐHTT thấy rõ hơn vinh dự và trách nhiệm của mình, không thỏa mãn dừng lại, mà phải liên tục thi đua và động viên mọi người thi đua, làm cho vườn hoa “người tốt, việc tốt” thêm đua nở, để “cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.
Nguồn: qdnd.vn