Theo bác Trịnh Văn Lâu và một số cựu tù chính trị Côn Đảo, có thể nói hạnh phúc lớn nhất trong đời của anh chị em tù chính trị chúng tôi ở nhà tù Côn Đảo là đã nổi dậy trong đêm 30-4-1975, giải phóng nhà tù và giải phóng Côn Sơn.
Đến trước ngày được giải phóng, nhà tù Côn Đảo đã có 8 trại giam gồm 484 xà lim giam cầm 4.334 tù chính trị và 7 trại được gọi là Chuồng cọp Mỹ. Chúng đã đưa hầu hết những người tù yêu nước mà chúng cho là nguy hiểm vào giam ở đây, trong đó khu H chúng cho là nguy hiểm nhất vì có nhiều người tù là sĩ quan tình báo của ta.
Ngay trong đêm 30-4, được sự báo tin của Linh mục Phạm Gia Thụy, cùng sự thống nhất chỉ đạo của các cấp ủy trại tù, cuộc nổi dậy bắt đầu từ khu H, sau đó lan rộng trong toàn trại 7.
Đến khoảng 12 giờ đêm, toàn thể 484 xà lim trong 8 khu của trại 7 được mở cửa, gần 1.000 tù chính trị đã được giải phóng. Khoảng 3 giờ sáng ngày 1/5, Đảng ủy lâm thời Côn Đảo được thành lập, gồm các đồng chí: Trịnh Văn Lâu tức Tư Cẩn làm Bí thư; Trần Trọng Tân tức Hai Tân làm Phó Bí thư và một số ủy viên, đại diện cho các khu (đồng chí Trần Trọng Tân sau này là UVTW Đảng - Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương- bác Tân hiện đã mất).
Đảng ủy đã quyết định:
1- Thành lập ngay lực lượng vũ trang cách mạng là tù chính trị đi chiếm các trại lính, sân bay, các kho vũ khí, chiếm giữ các vị trí quan trọng trên đảo, đề phòng địch phản kích từ ngoài biển vào.
2- Cử người đi mở cửa cho các trại, trước hết là trại 6 giam 494 tù nữ.
3- Thành lập chính quyền cách mạng trên đảo để quản lý và giải quyết các công việc trên đảo.
4- Bắt liên lạc với đất liền.
Quyết định của Đảng ủy lâm thời của đảo đã nhanh chóng được thực hiện. 8 giờ sáng ngày 1/5, thông báo số 1 công bố chính quyền cách mạng được thành lập với tên gọi là Ủy ban hòa giải hòa hợp dân tộc tỉnh Côn Sơn, gồm: linh mục Phạm Gia Thụy làm Chủ tịch, đồng chí Lê Câu làm Phó Chủ tịch đồng chí Nguyễn Văn Thành làm Tổng thư ký và một số ủy viên khác không phải là tù chính trị, có cảm tình với cách mạng.
Cũng đúng 8 giờ ngày 1/5, toàn thể 4.334 tù chính trị trong đó có 494 đồng chí là nữ, ở tất cả các trại đã được giải phóng. Đến trưa, thị trấn Côn Đảo đã hoàn toàn thuộc về chính quyền cách mạng. 10 giờ cùng ngày, Đài truyền thanh Côn Đảo phát sóng, đưa bản tin Côn Đảo hoàn toàn giải phóng...
Ngày 2/5/1975, một đài vô tuyến điện được hồi phục, và phát sóng chuyển bức điện đầu tiên từ Côn Đảo vào đất liền, cho tới 15 giờ cùng ngày thì liên lạc được với Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Khi được hỏi Côn Đảo cần gì để đất liền chi viện ngay, đồng chí đại diện cho Đảo ủy lâm thời đã nghẹn ngào trả lời: “Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ”.
Rạng sáng 4/5/1975, tàu Hải quân từ đất liền cập bến Côn Đảo, mang theo 500 tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tù nhân vừa cách đây mấy ngày còn là tù nhân chính trị, giờ trở thành tự do. Họ rước hình Bác và cờ giải phóng về từng phân trại, rất nhiều người òa khóc vì niềm vui thống nhất đất nước.
Sáng 5/5, chuyến tàu đầu tiên đưa 500 anh chị em tù chính trị ốm đau, tàn tật về đất liền. Cũng ngày 5/5, xây dựng lại nghĩa trang Côn Đảo. Ngày 6/5, thành lập Đảng ủy lâm thời Đoàn chiến sĩ chiến thắng do đồng chí Trịnh Văn Lâu làm Bí thư, đồng chí Trần Trọng Tân làm Phó Bí thư. Ngày 7/5 lễ mừng chiến thắng, Ủy ban Hòa hợp hòa giải dân tộc giải thể và ra mắt Ủy ban Quân quản tỉnh Côn Sơn tại dinh Tỉnh trưởng tỉnh Côn Sơn.
Đến đây, toàn bộ công việc trên đảo được giao lại cho Uỷ ban Quân quản tỉnh Côn Sơn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tám Hà – Bí thư Đảng uỷ Mặt trận Côn Đảo. Các anh chị em tù chính trị được mang danh hiệu là Đoàn chiến thắng, lần lượt được tàu hải quân đưa về đất liền.
Nhớ về những ngày tháng hào hùng đó, Bác Tư Cẩn bồi hồi: Nhiệm vụ của những người tù chính trị Côn Đảo chúng tôi được hoàn thành cùng với lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc của Nhân dân nhân lên niềm vui sướng trong ngày Đại thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Âu cũng là hạnh phúc xen lẫn niềm tự hào của những người tù chính trị Côn Đảo, an ủi chúng tôi những năm tháng bị tù đày và động viên chúng tôi phải tiếp tục cuộc sống tình nghĩa - thủy chung cho đến trọn đời.
Nhưng cuộc sống ở huyện đảo đã hoàn toàn thay đổi, tươi mới. Côn Đảo giờ trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu Việt Nam, hàng năm thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Côn Đảo ngày nay được những người yêu mến ví như thiên đường du lịch tràn đầy những bí ẩn chờ khám phá.