Lúc đó, Nguyễn Xuân Hòa (bút danh Xuân Hòa) là Trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn Gia Định. Ít lâu sau, anh cùng Trần Thế Tuyển (Trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn 174 (Đoàn Cao Bắc Lạng) được bổ sung cho Tờ tin Quân khu 7.
Có mặt tại Sài Gòn - Gia Định - miền Đông Nam Bộ (SG- GĐ - MĐNB) ngay khi chiến trường này khốc liệt nhất, Xuân Hòa vừa trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa viết báo, làm thơ.
Các bài viết của anh xuất hiện thường xuyên trên Báo Quân giải phóng miền Nam (QGPMN), Đài Phát thanh QGPMN, QĐND...
Năm 1977, cuộc chiến biên giới Tây Nam xảy ra, Xuân Hòa là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt trên biên giới. Những phóng sự, ghi chép, thơ của anh xuất hiện đều đặn trên Báo Quân khu 7 và các báo, đài khác đã góp phần động viên, khích lệ quân và dân ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới thân yêu.
Cuộc chiến giúp bạn ở Campuchia diễn ra phức tạp, Xuân Hòa cùng nhà báo Đức Toàn (cựu phóng viên Báo Quân giải phóng) được cử xuống Sư đoàn 310 giúp bạn ở tỉnh Ko Kông. Nhiều bài viết của anh mang hơi thở hừng hực cuộc sống của người lính tình nguyện xuất hiện trên các báo, đài.
Ngoài viết báo, Xuân Hòa còn làm thơ, viết văn. Cùng với các nhà văn, nhà thơ thuộc Quân khu 7: Minh Khoa, Thanh Giang, Võ Trần Nhã, Mai Bá Thiện, Văn Lê, Trần Văn Tuấn, Lam Giang, Phạm Khắc Vinh, Trần Thế Tuyển..., Xuân Hòa là hội viên sáng lập Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.
Những năm gần đây, Xuân Hòa liên tục cho ra đời những đứa con tinh thần. Dù cuộc sống luôn thay đổi, đôi khi phức tạp, nghiệt ngã, nhưng Xuân Hòa vẫn giữ được phong cách riêng. Nguồn cảm hứng về đồng đội, những ký ức về chiến tranh như dòng sông cuộn chảy.
Từ năm 1995 đến nay Xuân Hòa đã xuất bản 5 tập sách, trong đó có 3 tập thơ (Nửa vầng trăng- 1995; Gửi sông Đuống - 2001; Trăng nước sông Cầu - 2015) và 2 tập truyện ngắn và ký (Sóng gió viễn dương - 1998; Chuyện của hai người đàn bà - 2002).
Dự kiến, tháng 12 năm 2018, Xuân Hòa cho ra mắt tập truyện ký “Những chiến công thầm lặng” (NXB Hội Nhà văn - 2018).
Tập sách dày trên 100 trang kể về cuộc đời của 11 cô gái Biệt động thành phố SG - GĐ trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, mà anh may mắn cùng đơn vị chiến đấu với họ.
Bấy lâu nay, viết truyện về các nhân vật lịch sử, người thật việc thật là một trong những việc khó mà các nhà văn, nhà báo cân nhắc, lựa chọn. Người thật, việc thật đòi hỏi viết phải rất thật. Thật nhưng không trần trụi, thô thiển mà phải hay mới hấp dẫn và thuyết phục được người đọc, đặc biệt người đọc khó tính thời 4.0 này.
Với “Những chiến công thầm lặng”, Xuân Hòa không sử dụng bút pháp văn chương mà đi sâu vào sở trường báo chí vốn có. Những người phụ nữ bình thường, dung dị, dưới ngòi bút của Xuân Hòa, khi dấn thân làm cách mạng bỗng trở nên khác thường, đôi khi phi thường và anh hùng nữa.
Điều đặc biệt, cả 11 nhân vật trong các câu chuyện “người thật, việc thật” này của Xuân Hòa - dù cuộc chiến đã đi qua hơn 40 năm, nhưng họ vẫn đang sống và tiếp tục cống hiến.
Đó là người nữ giao liên trung kiên bất khuất Nguyễn Thị Tư; đó là Bông hoa Việt kiều yêu nước Nguyễn Thị Phương. Đó còn là cuộc đời trong sáng như pha lê của những cô gái còn rất trẻ đã tình nguyện vào làm lính I4 (Phân khu SG-GĐ) Nguyễn Thị Linh Trang, Huỳnh Thị Liên, Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Dợt, Bùi Thị Hậu, Trần Thị Lệ Thu, Nguyễn Thị Tâm và cả cô em út Nguyễn Thị Ngọc Sương trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất.
Điều đáng ghi nhận, Xuân Hòa có cách kể chuyện khá dí dỏm, chân thật, gần gũi. Những nhân vật trong mỗi câu chuyện của anh và cuộc đời, chiến công của họ được mô tả chân chất và gần gũi. Nối gót cha anh, các chị đều tham gia cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ. Và, đúng như nhà thơ Tố Hữu viết: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu. Dấn thân vô là phải chịu tù đày...” Nhiều nhân vật trong “Những chiến công thầm lặng” của Xuân Hòa đã bị địch bắt, tù đày, tra khảo với nhiều cực hình dã man.
Nhưng họ vẫn một mực trung kiên, thủy chung với cách mạng.
Những con người bình thường với những chiến công phi thường ấy, sau khi kết thúc chiến tranh, đất nước thống nhất lại lẫn vào cộng đồng, vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức, lo kế sinh nhai và tiếp tục thầm lặng cống hiến. Nhiều chị không may mắn trong cuộc sống, nhưng vẫn giữ vững phẩm chất cao quý của người lính.
Và, có lẽ thế, thông điệp mà nhà báo, nhà thơ Xuân Hòa - cựu phóng viên Báo Quân khu 7 gửi đến chúng ta, nhân dịp cho ra mắt tập sách thứ 6 này của anh rằng, năm tháng sẽ đi qua, những chiến công thầm lặng sẽ tiếp tục thầm lặng và đi qua. Nhưng phẩm chất cách mạng của những người lính Bộ đội Cụ Hồ, đã một thời hy sinh cống hiến cho đất nước còn mãi sáng ngời như pha lê.
Đó là những tấm gương sáng để các thế hệ nối tiếp noi theo, nhất là lúc này khi các giá trị đạo đức đang bị thách thức đổi thay theo thời cuộc. Song, một điều chắc chắn rằng, thời cuộc nào cũng vậy, rất cần, rất trân trọng những tấm gương, tấm lòng, sự hy sinh vì người khác của những con người bình dị mà cao quý.
Cuộc đời và chiến công thầm lặng của 11 cô gái Biệt động Thành năm xưa - cựu chiến binh hôm nay là những tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, thương dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn. Đó cũng chính là những bông hoa ngát hương giữa cuộc đời lắm gian truân, nhưng đầy ý nghĩa nhân văn này.