Theo Cục Phòng vệ thương mại, ngày 25/12/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3565⁄QĐ-BCT về việc rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nguội (ép nguội) dạng cuộn hoặc tấm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Việc rà soát cuối kỳ sẽ đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý và tác động kinh tế - xã hội nếu biện pháp được gia hạn; xác định liệu việc chấm dứt biện pháp này có thể tiếp tục hay tái diễn hành vi bán phá giá và gây thiệt hại của ngành sản xuất trong nước hay không.
Rà soát cuối kỳ áp dụng chống bán phá giá đối với thép cán nguội Trung Quốc
Theo quy định pháp luật, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, sau khi khởi xướng điều tra, Cơ quan điều tra sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá các nội dung cụ thể.
Đơn cử như khả năng hàng hóa nhập khẩu bị bán phá giá nếu chấm dứt biện pháp chống bán phá giá; khả năng ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể nếu chấm dứt việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá; và mối quan hệ nhân quả giữa khả năng bán phá giá với khả năng thiệt hại mà ngành sản xuất trong nước phải chịu.
Bộ Công Thương sẽ thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương khuyến nghị tất cả các tổ chức, cá nhân đang xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan và cung cấp các thông tin cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích của mình theo quy định của pháp luật.
Theo thông báo, tổ chức, cá nhân đăng ký bên liên quan theo mẫu Đơn đăng ký bên liên quan và gửi tới Cơ quan điều tra thông qua Hệ thống tiếp nhận hồ sơ phòng vệ thương mại trực tuyến trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày có hiệu lực của quyết định tiến hành rà soát.
Đồng thời, Đơn đăng ký bên liên quan có thể được gửi tới Cơ quan điều tra qua đường bưu điện hoặc thư điện tử. Hạn cuối để đăng ký bên liên quan là ngày 19/3/2025.
Trong phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết dựa theo dữ liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), năm 2024 đánh dấu sự phục hồi về sản lượng của thị trường Thép xây dựng Việt Nam.
Từ đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ ghi nhận mức tăng trưởng tương đối tốt và đạt 15,8% so với năm 2023, hỗ trợ bởi sự phục hồi của hoạt động xây dựng dân dụng và hạ tầng.
Các sản phẩm thép dẹt cho hoạt động xây dựng như tôn mạ, ống thép… duy trì tăng trưởng sản lượng, không chỉ từ nhu cầu nội địa còn ghi nhận nhu cầu từ thị trường nước ngoài, với sản lượng tôn mạ xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng ở 46,1% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, thép cuộn cán nóng HRC với 2 nhà sản xuất chính là Hòa Phát và Formosa ghi nhận sản lượng tương đương so với năm 2023. Nguyên nhân do sản lượng nội địa chiếm 62% tổng sản lượng, tuy nhiên gặp sức ép cạnh tranh từ HRC Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo VDSC, thuế chống bán phá giá thép dẹt có thể được áp dụng trong quý 1/2025, các công ty có lợi thế về quy mô và giá thành sẽ có cơ hội lấy thị phần từ các nhà nhập khẩu thép (bị áp thuế chống bán phá giá).
Cụ thể, trong 2024, trước những rủi ro liên quan đến việc Trung Quốc tăng xuất khẩu các sản phẩm thép sang các thị trường, Bộ Công Thương đã có các biện pháp điều tra chống bán phá giá để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Trong kịch bản cơ sở, VDSC cho rằng thuế bán phá giá (tạm thời) sẽ được áp cho sản phẩm thép dẹt (HRC, tôn mạ) trong quý 1/2025. Trước đó, trong năm 2016, Bộ Công Thương khởi xướng điều tra chống bán phá giá tôn mạ trong tháng 3 và có kết luận điều tra trong tháng 9/2016.
Thúy Hà