(QK7 Online) – Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả bom mìn sau chiến tranh để lại cho chúng ta vô cùng nặng nề. Bom mìn, vật nổ còn tồn đọng, sót lại đang là mối đe dọa đối với mỗi người dân và toàn xã hội. Mỗi chúng ta có trách nhiệm nâng cao nhận thức hiểu biết về những tác hại của bom, mìn, vật liệu nổ nói chung và tác hại của bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh nói riêng; cách phòng tránh trong quá trình công tác, lao động sản xuất bằng cách đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho Nhân dân.
Việt Nam là một quốc gia gánh chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau các cuộc chiến tranh. Đến hết năm 2023, Việt Nam còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ khoảng 5,6 triệu ha, tương đương 17,71% diện tích đất cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ sót lại sau chiến tranh hiện nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, tập trung nhiều ở các tỉnh miền Trung, các tỉnh biên giới phía Bắc. Trong đó, tỉnh Bình Phước có diện tích đất ô nhiễm bom mìn khoảng 208.889 ha chiếm 30,46% diện tích đất toàn tỉnh, tập trung tại huyện Bù Đốp, Phú Riềng và thị xã Chơn Thành.
Bộ đội Công binh (Bộ CHQS tỉnh Bình Phước) thực hiện rà phá bom mìn.
Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước và chiến tranh biên giới Tây Nam, tỉnh Bình Phước là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng như Lộc Ninh, Bình Long, Phước Long, Đồng Xoài, nơi hứng chịu hàng trăm tấn bom, đạn của địch.
Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (Chương trình 504). Việc ban hành Chương trình 504 có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam. Chương trình 504 đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Trong đó giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ được xác định là một nội dung quan trọng nhằm giảm thiểu tai nạn bom mìn trong cộng đồng ở những khu vực ô nhiễm bom mìn vật nổ. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ theo chức năng, nhiệm vụ, xây dựng cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Đã phối hợp quán triệt, triển khai các chỉ thị, quyết định và kế hoạch giai đoạn thực hiện Chương trình 504 đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Việc phối hợp và tổ chức thực hiện các Chương trình, dự án khắc phục hậu quả bom mìn giữa các bộ, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ, đem lại hiệu quả thiết thực về tiến độ, chất lượng, đảm bảo an ninh, an toàn, đúng quy định.
Phối hợp nâng cao nhận thức về bom mìn
Những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các chiến dịch thu gom, rà phá bom mìn trên phạm vi cả nước góp phần giải phóng đất đai, phục vụ an sinh cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân và tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị tai nạn do bom mìn. Công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã có những bước tiến vượt bậc, diện tích ô nhiễm được thu hẹp. Tuy nhiên, tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại vẫn hàng ngày, hàng giờ đe dọa tính mạng của người dân, nhất là những vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng.
Cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng triển khai các hoạt động dò tìm, tháo gỡ nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm bom, mìn trên địa bàn với tổng diện tích giai đoạn 2015 - 2020 là 815,6 ha; giai đoạn 2021 - 2024 diện tích là 1.141,26 ha. Thu gom xử lý hủy nổ 26,745 tấn bom, mìn đạn pháo. Trong đó 51 quả bom và 1.820 quả đạn pháo các loại trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn, giúp nhân dân yên tâm khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích đất sản xuất.
Tuy vậy, do địa bàn rộng, mật độ ô nhiễm bom mìn cao, phương tiện triển khai còn hạn chế nên công tác khắc phục vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trên địa bàn tỉnh vẫn còn ảnh hưởng những tai nạn thương tâm do bom, mìn còn tồn đọng gây ra, điển hình ở huyện Hớn Quản và huyện Bù Đăng năm 2015. Nguyên nhân của những tai nạn đáng tiếc nêu trên phần lớn do sự thiếu hiểu biết về cách nhận biết và những tác hại của bom, mìn, vật liệu nổ nói chung và tác hại của bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh nói riêng và phương pháp phòng tránh trong quá trình công tác, lao động sản xuất.
Bộ đội Công binh (Bộ CHQS tỉnh Bình Phước) tiến hành xử lí bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Theo Đại tá Phạm Khắc Toán, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, năm 2024 UBND tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tiêu biểu như: Cuộc thi “Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại” do Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với VNMAC tổ chức đã thu hút 23 trường trung học cơ sở tại 03 huyện, thị xã trên địa bàn với 1.365 sản phẩm của 1.365 học sinh tham gia. Chương trình chiếu phim lưu động, tuyên truyền lồng ghép tại các buổi họp, sinh hoạt về phòng tránh tai nạn bom, mìn do Bộ CHQS tỉnh phối hợp thực hiện tại 03 huyện, thị xã, đặc biệt là 12 xã ảnh hưởng ô nhiễm bom mìn nặng và các đơn vị LLVT tỉnh… thu hút 7.380 người tham gia nghe và xem phim;… Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội nhằm từng bước hạn chế những tác hại do bom, mìn sau chiến tranh gây ra.
Theo Đại tá Giang Công Báu, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc VNMAC, năm 2024 VNMAC đã chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn tại tỉnh Bình Phước. Sau khi nhận được kế hoạch UBND tỉnh Bình Phước đã ủy đã quyền cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với VNMAC, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và xã hội; Sở thông tin và truyền thông và Đài Phát thành - Truyền hình tỉnh, triển khai truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ và bước đầu rà soát hỗ trợ 10 nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn và tặng quả cho 10 cháu học sinh nghèo vượt khó tại tỉnh Bình Phước. Công tác chuẩn bị và triển khai kế hoạch được thực hiện một cách đồng bộ, khẩn trương, chặt chẽ.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Theo Đại tá Phạm Khắc Toán, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh quyết tâm trong năm 2025 hối hợp chặc chẽ với VNMAC và các cơ quan liên quan trong hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng tránh tai nạn bom, mìn vật nổ còn tồn đọng sau chiến tranh.
Đại diện VNMAC hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại tỉnh Bình Phước.
Đồng chí Tham mưu trưởng Bộ CHQS nhấn mạnh, trong năm mới sẽ đa dạng hóa nội dung, đối tượng tuyên truyền, tập trung vào những đối tượng thường xuyên có nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với bom, mìn vật nổ. Tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị biên tập các tài liệu tuyên truyền bảo đảm chất lượng, nội dung logic, dung lượng bảo đảm để quá trình tuyên truyền diễn ra liên tục, có sự lan toả cao đối với quần chúng nhân dân và cho người được tuyên truyền. Phương thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, kết hợp giữa tuyên truyền bằng hình thức chiếu phim, phát thanh truyền thông và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên; tuyên truyền, cổ động bằng trực quan tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Phát huy tối đa các trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị và cá nhân để truyền tải các nội dung tuyên truyền phòng, tránh tai nạn bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh.
Các học sinh có thành tích trong Cuộc thi “Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ do chiến tranh để lại” được VNMAC khen thưởng.
Đại tá Giang Công Báu, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc VNMAC kỳ vọng thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh; thu hút các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ rà, phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ổn định an sinh xã hội. không để xẩy ra tai nạn bom, mìn trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Lê Tiến