Xa gia đình nhỏ vì sự đoàn tụ lớn
Nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ, chị Thanh kể, trước đêm nhận quyết định tăng cường, hỗ trợ lực lượng y tế tỉnh Đồng Nai, hai vợ chồng khẩn trương sắp xếp công việc gia đình, gửi hai con về ông bà ngoại ở Củ Chi để lên đường làm nhiệm vụ với tinh thần sẵn sàng và quyết tâm cao nhất.
![](/fileman/Uploads/tbNews/27275/thumb/h1_20220227010010211.jpg)
Vợ chồng anh Vũ, chị Thanh.
Chị Thanh tâm sự: “Khi mình xa con đi làm nhiệm vụ sẽ giúp người khác sớm được gặp con cái, bố mẹ họ bởi lúc “cuộc chiến” này kết thúc, hàng nghìn gia đình sẽ không phải cách ly vì phong tỏa, được đoàn tụ. Do vậy, mọi cảm xúc cá nhân đều được kìm nén để phục vụ sứ mệnh chung”.
Đồng hành để chiến thắng Covid-19
Với nhiệm vụ phủ rộng vaccine cho người dân và khám sàng lọc Covid-19, quá trình thực hiện nhiệm vụ tổ công tác do anh Vũ phụ trách chưa có một ngày nghỉ ngơi. Có ngày chỉ có 20 người nhưng phải tiêm hơn 2.200 mũi. Hơn 3 tháng ở tuyến đầu tiếp sức cho tỉnh Đồng Nai, tổ công tác đã hoàn thành trên 52.000 mũi tiêm. Đó là sự nỗ lực rất lớn cũng như tinh thần, ý chí bền bỉ của các chiến binh áo trắng trong cuộc chiến ác liệt này. Bởi ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở thiếu thốn, làm việc trong thời tiết nắng nóng, bộ đồ bảo hộ kín mít thì tinh thần vững vàng là yếu tố quan trọng để họ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày 17-11, anh Vũ nhận nhiệm vụ tại Trạm Y tế lưu động số 2 xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, còn chị Thanh tiếp tục tham gia tổ tiêm vaccine tại bệnh viện. Với nhiệm vụ quản lý, điều trị F0 tại nhà, tổ công tác liên tục bận rộn với các cuộc gọi từ sáng sớm đến giữa đêm để tư vấn, hướng dẫn cách điều trị, cấp cứu tại nhà cho các trường hợp khẩn cấp. Mặc dù được bệnh viện trang bị đầy đủ phương tiện để cấp cứu, ứng phó cho tình huống phản vệ cấp độ 3 nhưng khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, tổ công tác không tránh khỏi những lo lắng, trăn trở.
Anh Vũ cho biết: “Tôi gắn bó với nghề y đến nay đã 30 năm nhưng đây thực sự là khoảng thời gian đặc biệt mà tôi vô cùng trân quý và thấy nghề y rất thiêng liêng. Tôi hiểu được cảm giác của bệnh nhân, khi đến nhà khám bệnh mới thấy sự cô đơn, lo lắng của họ. Không vào từng con hẻm, lên chỗ họ nằm thì không biết người ta cần mình thế nào. Có trường hợp chỉ cần bác sĩ tới động viên thôi thì người bệnh đã an tâm, lạc quan hơn chứ chưa phải làm gì”.
Theo anh, bác sĩ tư vấn qua điện thoại và tới tận nhà khám bệnh rất quan trọng vì giúp người bệnh an tâm điều trị, làm giảm tải áp lực cho các bệnh viện, giảm ca tử vong. Cao điểm, có ngày anh quản lý hơn 700 ca F0 tại nhà, điện thoại reo liên tục, không dám rời điện thoại dù chỉ 1 phút. Lúc đấy cả tổ công tác không có khái niệm về thời gian nữa, chỉ biết sẵn sàng nhận và làm bất kể ngày đêm. Dù 2, 3 giờ sáng hay mới cầm vội bát cơm bệnh nhân gọi là đi liền vì lúc đấy họ là người cần mình nhất.
Khi nhận quyết định tăng cường, hành trang của hai vợ chồng chị Thanh, anh Vũ là niềm tin về một ngày chiến thắng dịch bệnh. Ngày trở về sau hơn 5 tháng chống dịch, hành trang của anh chị còn là sự yêu thương, biết ơn của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân dành cho đội ngũ y, bác sĩ. Chỉ cần số ca F0 ngày càng giảm, bệnh nhân hồi phục khỏe mạnh được đoàn tụ với gia đình là điều mà anh chị mong mỏi, hạnh phúc.