Đây là một trong những hoạt động của chương trình củng cố lý luận và thực tiễn về đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với các chính sách quốc phòng, an ninh; chiến lược bảo vệ Tổ quốc gắn với phát triển kinh tế xã hội.
Chủ đề tọa đàm xoay quanh giải pháp kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Viettel. Các học viên được trực tiếp tham quan, trải nghiệm loạt khí tài hiện đại của Viettel, do Viettel nghiên cứu và làm chủ công nghệ. Viettel cũng giới thiệu về các giải pháp chuyển đổi số, các sản phẩm công nghệ dân dụng do Tập đoàn sản xuất.
Ngoài các ý kiến trao đổi, các học viên được xem thêm bộ phim về các khí tài công nghệ cao của Viettel trong môi trường tác chiến thực. Nhiều đồng chí chia sẻ đến Viettel mới biết rõ hơn, đầy đủ hơn về tiềm lực, con người Việt Nam có thể làm được những điều phi thường.
Quan sát tận mắt khí tài hoạt động, các học viên khẳng định niềm tin vững chắc về tình hình an ninh chính trị, quốc phòng của đất nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Huấn luyện - Đào tạo, Học viện Quốc phòng nhận định: “Viettel đã đầu tư công sức, vật lực và trí lực để đồng thời cung cấp khí tài, phát triển quân đội và tổ chức sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước. Chúng tôi đã tổ chức nhiều lớp, đưa học viên đi tham quan đào tạo ở nhiều đơn vị, tỉnh, thành khắp cả nước. Khi nhắc đến Viettel, các học viên đều nhất trí với quan điểm: Đâu khó có Viettel”.
Đáp lại sự quan tâm của các học viên, Phó TGĐ Tập đoàn Đào Xuân Vũ bày tỏ mong muốn: “Hy vọng sau buổi tham quan và tọa đàm, các đồng chí hiểu hơn về những đóng góp của Viettel không chỉ dừng lại ở viễn thông, CNTT. Viettel sẽ tiếp tục phấn đấu trở thành một tập đoàn công nghiệp công nghệ cao và kinh doanh toàn cầu. Mong các đồng chí luôn dõi theo, ủng hộ Viettel qua đó góp phần giúp Viettel tự tin nghiên cứu và làm chủ nhiều sản phẩm mới trong thời gian tới”.