
Đầu năm 1972, trước thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, đặc biệt là Quảng Trị, Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ đã làm cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” có nguy cơ bị phá sản. Để cứu vãn tình thế, các thế lực hiếu chiến Mỹ đã vội vã thực hiện chủ trương “Mỹ hóa trở lại”. Với thái độ tráo trở và lật lọng, ngày 13-12-1972, theo lệnh của Tổng thống Mỹ Ních-xơn, Kít-xinh-giơ tuyên bố ngừng đàm phán vô thời hạn với ta tại Hội nghị Pa-ri. Một ngày sau đó, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ họp và quyết định tiến hành kế hoạch tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 đánh phá hủy diệt vào Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng trên miền Bắc, nhằm biến miền Bắc Việt Nam “trở về thời kỳ đồ đá”.
Chỉ sau một ngày, Tổng thống Ních-xơn đã phê chuẩn kế hoạch Lai-nơ-bếch- cơ II. Ních-xơn còn phái tướng Hây-gơ đến Sài Gòn để thông báo cho Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống ngụy rằng: “Mỹ tập trung lực lượng quân không quân kể cả B52, lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam để oanh tạc miền Bắc từ ngày 18-12-1972 nhằm gây áp lực buộc chính phủ Bắc Việt phải trở lại bàn đàm phán Pa-ri với thế yếu, tạo thuận lợi cho chính phủ Việt Nam cộng hòa tồn tại”.
Để thực hiện kế hoạch trên, Mỹ điều động thêm 2 tàu sân bay cùng 58 tàu chiến thuộc Hạm đội 7 vào vịnh Bắc bộ, nâng tổng số tàu sân bay của Mỹ ở khu vực này lên 6 chiếc. Máy bay chiến thuật được huy động tới 1.077 chiếc và 150 máy bay chiến lược B52. Âm mưu, mục tiêu của chiến dịch đánh phá miền Bắc lần này không có gì khác so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Giôn-xơn song quy mô, mức độ quyết liệt hơn. Trong một bản báo cáo mật tháng 4-1972, Kít-xinh-giơ khẳng định bất kỳ một cuộc ném bom mới nào ra Bắc Việt Nam cũng phải ác liệt hơn, mạo hiểm hơn, gây thương vong cho dân thường nhiều hơn, phá được nhiều mục tiêu hơn… Vì vậy, ngay từ đầu, Mỹ đã tập trung đánh phá vào những vùng đông dân, các vị trí trọng điểm của hậu phương lớn - miền Bắc, đặc biệt là cơ quan đầu não lãnh đạo toàn bộ cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Mỹ dùng hàng trăm chiếc máy bay đánh vào các đường giao thông, kho tàng, các trận địa phòng không, đặc biệt là các trận địa tên lửa ở khu vực Quảng Bình, Quảng Trị; cầu Hàm Rồng và sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), Hà Nội, Hải Phòng.
Trước yêu cầu của lịch sử, với quyết tâm và ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, thấm nhuần sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, quân và dân miền Bắc, trực tiếp là quân dân Hà Nội, Hải Phòng đã kiên quyết đánh trả và trừng phạt thích đáng giặc Mỹ xâm lược bằng trận “Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích bằng máy bay B52 của chúng.

Ngày 30 tháng 12 năm 1972, Ních-xơn buộc phải ra lệnh ngừng hoàn toàn các hoạt động chống phá miền Bắc, và kí Hiệp định Pari (27-1-1973) về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Một thời gian sau Mỹ cuốn cờ, rút khỏi đất nước ta.
Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là niềm tự hào của dân tộc ta, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá: "Thắng lợi to lớn của tuộc tiến công chiến lược năm 1972 của ta đã làm thay đổi cục diện chiến trường ở miền Nam, cùng với việc đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 của Mỹ ở miền Bắc, ta đã đạt mục tiêu giành thắng lợi quyết định.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 trở thành khúc tráng ca bất tử của thời đại Hồ Chí Minh, nó kết tinh và tỏa sáng truyền thống văn hóa giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đó là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, thể hiện đặc sắc nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Đảng “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy phương tiện, vũ khí kém hiện đại thắng phương tiện, vũ khí hiện đại”, kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố lực, thế, thời, mưu. Thắng lợi đó biểu hiện sức mạnh chính trị - tinh thần của toàn dân tộc được nhân lên gấp bội, với ý chí quyết đánh, biết đánh và quyết thắng kẻ thù xâm lược trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào.
45 năm đã trôi qua, ánh sáng và vầng lửa làm nên một “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” như vẫn còn in đậm trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam cũng như nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới.