Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Lào trước hội đàm - Ảnh Báo Chính phủ.
Đặc biệt, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 đạt 2,25 tỷ USD, tăng gần 34% so với năm trước. Để sớm đạt mục tiêu 5 tỷ USD trong những năm tới, Việt Nam và Lào thống nhất thúc đẩy các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước phát triển.
Một trong những giải pháp quan trọng mà hai bên đang triển khai là tăng cường kết nối hạ tầng giao thông và thương mại biên giới. Các dự án trọng điểm như đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn và tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn đang được thúc đẩy nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lưu thông hàng hóa và dịch vụ.
Chính phủ hai nước cũng cam kết nâng cấp hệ thống cửa khẩu, kho bãi và hạ tầng logistics để hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiệu quả hơn.
Việt Nam hiện là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Lào với 267 dự án, tổng vốn đăng ký 5,7 tỷ USD. Các lĩnh vực hợp tác chủ chốt bao gồm năng lượng tái tạo, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất hàng tiêu dùng. Hai nước cũng thống nhất tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm để tạo đà phát triển kinh tế song phương.
Ngoài thương mại và đầu tư, hai bên cũng nhấn mạnh việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác giáo dục và đào tạo. Việt Nam cam kết hỗ trợ 1.160 suất học bổng cho sinh viên Lào sang học tập, đồng thời mở rộng các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ. Hai bên cũng đề cập đến việc hỗ trợ người Việt Nam tại Lào ổn định sinh sống, bao gồm cấp giấy phép lao động và thẻ cư trú dài hạn.
Bên cạnh hợp tác song phương, Việt Nam và Lào cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong. Hai bên cũng thống nhất ủng hộ lập trường chung của ASEAN về các vấn đề chiến lược trong khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Bảo Minh