Tại dự thảo mới nhất (dự thảo 12) Nghị quyết về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam, nhiều chính sách được đưa ra, trong đó đáng chú ý là những quy định về chính sách đất đai.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất người nước ngoài được mua bán nhà trong trung tâm tài chính.
Tại Dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc, hoạt động đầu tư kinh doanh tại trung tâm tài chính được phép nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng, mua bán nhà ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong trung tâm tài chính.
Việc sở hữu có thể thực hiện thông qua các hình thức mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế từ chủ đầu tư dự án hoặc tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sở hữu bất động sản trong dự án đầu tư xây dựng bất động sản.
Quyền, nghĩa vụ về đất đai của nhà đầu tư và người sở hữu được xác định tương ứng với hình thức giao đất, cho thuê đất của dự án đầu tư xây dựng bất động sản theo quy định của pháp luật về đất đai.
Góp ý dự thảo nghị quyết, Bộ Công Thương cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách này.
Theo quy định hiện hành, ngay cả người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam cũng có thể chuyển nhượng, mua bán bất động sản trong các trung tâm tài chính. Theo Bộ Công Thương, điều này mở ra cơ hội cho người nước ngoài mua bất động sản với mục đích đầu cơ và đẩy giá lên cao.
Hệ lụy là người lao động làm việc tại trung tâm tài chính sẽ gặp khó khăn khi thuê hoặc mua nhà, từ đó giảm tính cạnh tranh về chi phí và khả năng thu hút nhân lực.
Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị rà soát chính sách đất đai trong trung tâm tài chính như thời hạn sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất cho phù hợp với pháp luật.
Phản hồi đề nghị trên, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, Việt Nam cần có một số chính sách vượt trội nhằm thu hút nhà đầu tư phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế.
Cơ quan soạn thảo dẫn ví dụ nhiều trung tâm tài chính trên thế giới có chính sách vượt trội về đất đai, gồm nới lỏng quy định về sở hữu, giao dịch của người nước ngoài như Dubai, Astana, Abu Dhabi hay Singapore.
Ngoài chính sách nhà ở cho người nước ngoài, tại Điều 18 Dự thảo Nghị quyết có nhiều nội dung quy định đối với chính sách về đất đai trong Trung tâm tài chính .
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị thời hạn sử dụng đất với lĩnh vực ưu tiên tối đa 70 năm, còn lại không quá 50 năm. Nhà đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp quyền sử dụng và tài sản gắn liền với đất để vay vốn làm dự án. Nhóm này cũng được thế chấp nhà đất tại ngân hàng nước ngoài để vay vốn. Nếu xảy ra tranh chấp, việc xử lý thực hiện theo pháp luật của Việt Nam.
Luật Nhà ở 2023 quy định người nước ngoài có thể mua, thuê mua, nhận tặng cho, thừa kế căn hộ chung cư hoặc nhà riêng lẻ trong dự án, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh. Điều kiện là họ không bị hạn chế nhập cảnh vào Việt Nam, hộ chiếu còn hiệu lực. Với dự án chung cư, luật quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của một tòa nhà và không quá 250 căn trên một khu vực có dân số tương đương một phường. Họ cũng có thể được gia hạn sở hữu một lần, với thời hạn không quá 50 năm khi có nhu cầu. Như vậy, thời hạn sở hữu của người nước ngoài tại Việt Nam tối đa là 100 năm, tăng gấp đôi so với trước đây. |
Diệu Trang