Báo cáo được đưa ra sau khi nền kinh tế tăng trưởng 7,09% năm ngoái, vượt xa mức dự báo chung của thị trường là 6,7% và mục tiêu chính thức 6,5%. "Chúng tôi kỳ vọng về những chuyển biến tích cực từ các động lực trong nước như sản xuất, chi tiêu của người tiêu dùng và lượng khách du lịch sẽ đóng góp vào các hoạt động, đặc biệt là trong nửa đầu năm", báo cáo nêu.
Các yếu tố này cộng hưởng với tình hình bên ngoài đang được nhìn nhận tích cực hơn. UOB kỳ vọng chính phủ Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - sẽ áp dụng chính sách thuế quan bổ sung theo cách có tính toán và linh hoạt hơn.
Về thách thức, UOB cho rằng sự không chắc chắn về triển vọng thương mại sẽ là rủi ro lớn đối với Việt Nam trong nửa cuối năm. Bởi lẽ, nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu, khi đã tăng lên mức cao kỷ lục hơn 400 tỷ USD vào 2024, gần bằng quy mô GDP danh nghĩa là 450 tỷ USD.
Dự báo về việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2025, UOB cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong thời điểm hiện tại. Với lạm phát chung và lạm phát cơ bản vẫn ở mức dưới mục tiêu chính thức là 4,5% trong năm 2024, đặc biệt là vào cuối năm, điều này mở ra khả năng cho NHNN nới lỏng lập trường chính sách của mình.
Như vậy, UOB là tổ chức tài chính nước ngoài mới nhất điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 và cũng là tổ chức đưa ra mức dự báo lạc quan nhất. Trước đó, HSBC đã dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Tháng trước, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2025 lên 6,6%, tăng 0,4 điểm % so với mức dự báo được đưa ra vào tháng 9/2024.
Được biết, năm 2025, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%. Báo cáo tại hội nghị tổng kết của Chính phủ và các địa phương ngày 8/1, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết tình hình kinh tế - xã hội 2024 tiếp tục phục hồi, tích cực trên các lĩnh vực với GDP 2024 tăng 7,09%.
Năm 2025 được coi là thời điểm "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ 2020-2025. Do đó, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, để tạo đà tăng trưởng hai chữ số cho giai đoạn tiếp theo. Địa phương có tiềm năng, thế mạnh như các thành phố lớn, đầu tàu kinh tế cần phấn đấu đạt mức tăng cao hơn bình quân chung cả nước. Mục tiêu GDP 8-10% cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao (6,5-7%).
Phương Vũ