Rà soát và tích hợp quy hoạch
Kế hoạch yêu cầu rà soát, bãi bỏ các quy hoạch về phát triển hàng hóa, dịch vụ, và sản phẩm cụ thể, đồng thời tích hợp vào Quy hoạch tỉnh những nội dung cần thiết. Các quy hoạch không còn phù hợp sẽ được công khai danh mục và hết hiệu lực theo Điều 59 của Luật Quy hoạch.
Đến năm 2025, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành. Tất cả sẽ đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Ưu tiên các dự án đầu tư có tính chiến lược
Kế hoạch cũng nhấn mạnh đến việc triển khai các dự án đầu tư công và thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách, tập trung vào:
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn đầu tư công nhằm kích hoạt các nguồn lực xã hội.
Ưu tiên các dự án hạ tầng có sức lan tỏa lớn, như giao thông liên vùng, phát triển công nghiệp, khoa học công nghệ, y tế, và giáo dục.
Phát triển dịch vụ và du lịch, đặc biệt tại Khu du lịch Măng Đen, với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và tâm linh.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh hướng đến phát triển các vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất và giá trị kinh tế. Hạ tầng lâm nghiệp sẽ được đầu tư đồng bộ, gắn với bảo vệ rừng và ứng phó biến đổi khí hậu.
Tỉnh Kon Tum khuyến khích thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đặc biệt trong các dự án trọng điểm về hạ tầng kinh tế và xã hội. Các lĩnh vực ưu tiên gồm công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và dịch vụ đô thị.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch 2030 không chỉ tập trung loại bỏ các quy hoạch lỗi thời mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bền vững, đồng bộ của tỉnh Kon Tum trong tương lai.
Ba vùng động lực, bốn cực tăng trưởng và sáu hành lang kinh tế
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng cho biết định hướng tổ chức cấu trúc tổng thể không gian phát triển kinh tế - xã hội với ba vùng động lực, bốn cực tăng trưởng và sáu hành lang kinh tế.
Cụ thể, ba vùng động lực gồm: Vùng phía Nam của tỉnh (thành phố Kon Tum và vùng phụ cận gồm các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô); Vùng Đông của tỉnh (huyện Kon Plong và huyện Kon Rẫy); Vùng phía Bắc của tỉnh (các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Ngọc Hồi).
Bốn cực tăng trưởng gồm: Thành phố Kon Tum - Đăk Hà; Thị trấn Măng Đen - Đăk Rve; Thị trấn Plei Kần - Pờ Y; Thị trấn Đăk Glei.
Sáu hành lang kinh tế gồm: Hàng lang dọc theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc Nam; Hàng lang dọc theo QL.24 và cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum; Hàng lang dọc theo QL.14C; Hàng lang dọc theo QL.40 và QL.40B; Hàng lang dọc theo QL.24D và ĐT.674; Hàng lang dọc theo ĐT.672-676.
Về quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2025, toàn tỉnh Kon Tum có 11 đô thị gồm 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. Tỉnh sẽ tập trung nguồn lực phát triển 3 vùng đô thị gồm, thành phố Kon Tum - Đăk Hà - Đăk Tô; Thị trấn Măng Đen - Đăk Rve; Plei Kần - Pờ Y - Đăk Glei.
Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Kon Tum có 12 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 52,3%.
Trong giai đoạn này, Kon Tum tập trung nguồn lực phát triển 3 vùng đô thị gồm: Vùng thành phố Kon Tum - Đăk Hà - Đăk Tô - Sa Thầy - Ia H’Drai; Thị trấn Măng Đen - Đăk Rve - Thị trấn huyện lỵ Kon Rẫy; Vùng Plei Kần - Pờ Y - Đăk Glei - Tu Mơ Rông.
N.Đăng