Chiều ngày 30/11/2024, vào lúc 14h45 phút, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây là một trong những thời khắc lịch sử không chỉ đối với ngành giao thông vận tải mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Một giấc mơ kéo dài gần hai thập kỷ về một tuyến đường sắt hiện đại, kết nối hai đầu đất nước giờ đây đã tiến thêm một bước gần hơn đến thực tế.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài 1.541 km, đi qua 20 tỉnh thành, có 23 ga hành khách và 3 ga hàng hóa
Thử hình dung một buổi sáng trong tương lai không xa, bạn khởi hành từ Hà Nội sau bữa sáng với tô phở thơm lừng, và chỉ vài giờ sau đã có mặt tại TP.HCM để thưởng thức đĩa cơm tấm nóng hổi. Hành trình từng kéo dài hơn 30 giờ trên tàu Thống Nhất giờ đây chỉ gói gọn trong một buổi sáng. Đó không chỉ là sự thay đổi về thời gian, mà là một cuộc cách mạng trong giao thông, mang đến cơ hội chưa từng có cho hàng triệu người dân Việt Nam, những người mong mỏi một hệ thống giao thông hiện đại, nhanh chóng, tiện lợi với chi phí cạnh tranh hơn.
Tầm vóc của dự án “thế kỷ”
Theo chủ trương đầu tư, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Tuyến đường sắt này đi qua địa phận 20 tỉnh, thành: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM.
Quốc hội quyết nghị đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị. Tuyến đường sắt này sẽ vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đầu tư theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư hơn 1,713 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 67 tỷ USD. Dự án này được lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc xây dựng dự án năm 2035.
Dự án được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù, trong đó Thủ tướng được phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm cho dự án trong trường hợp ngân sách không đáp ứng tiến độ. Đồng thời, Chính phủ được huy động vốn phát triển chính thức ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài mà không phải lập đề xuất; áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài.
Thủ tướng cũng được sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm và nguồn khác cho dự án; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bố trí vốn cho dự án. Dự án không phải thẩm định khả năng cân đối vốn theo Luật Đầu tư công.
Theo nghị quyết, tổ chức cá nhân chủ trì hoạt động khoa học công nghệ phục vụ dự án được quyết định việc đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, đặt hàng để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa. Quốc hội cho phép Chính phủ quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc doanh nghiệp Việt Nam khác được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ.
Thủ tướng quyết định danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Tổng thầu, nhà thầu phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể cung cấp. Với gói thầu đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu phải có cam kết về chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho đối tác Việt Nam để làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì; từng bước làm chủ công nghệ.
Như vậy, sau gần hai thập niên “nâng lên đặt xuống”, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam giờ đây đã trở lại với nền tảng kinh tế vững chắc hơn và một tầm nhìn chiến lược rõ ràng.
Doanh nghiệp thép tìm cơ hội “từ những thanh ray”
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hiện đang là tâm điểm chú ý, không chỉ bởi quy mô đầu tư khổng lồ mà còn bởi những “cơ hội tỷ đô” cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc khẳng định năng lực, làm chủ thị trường trong nước và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dự án mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, nhưng cũng có vô vàn thách thức.
Với chi phí đầu tư hơn 67 tỷ USD, thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD sẽ được tạo ra khi đầu tư đường sắt tốc độ cao. Các hạng mục khác như hệ thống điều khiển, cấp điện và phương tiện cũng đóng góp một phần đáng kể vào tổng chi phí dự án. Đây được xem là cơ hội “trăm năm có một” cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, vật liệu xây dựng…
Đầu tư đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra thị trường xây dựng 33,5 tỷ USD
Với tổng chiều dài tuyến đường lên đến 1.541km, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến sẽ tạo ra nguồn cầu ổn định và liên tục trong nhiều năm, mang đến cơ hội đột phá cho ngành thép Việt. Đồng thời, đây cũng là cơ hội lớn để các doanh nghiệp thép trong nước khẳng định vị thế và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.
Ngành thép thời gian qua đã có sự phát triển đáng kể với các dự án lớn như Formosa Hà Tĩnh, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đều sử dụng công nghệ lò cao với thiết kế và trang bị kỹ thuật hiện đại, dung tích lò lớn; quy trình sản xuất khép kín, tối ưu hóa sử dụng năng lượng; các dây chuyền cán thép được lựa chọn kỹ thuật công nghệ tiên tiến và tự động hóa cao.
Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư vào các dự án quy mô lớn, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao trước đây chưa có như thép cuộn cán nóng, thép lá cán nguội, cáp thang máy, làm lõi que hàn, lò xo, đinh ốc vít, thép dự ứng lực, tanh lốp ô tô…
Theo ước tính của các đơn vị tư vấn, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ cần tới 6 triệu tấn thép các loại. Đây là một khối lượng khổng lồ mà không phải quốc gia nào cũng có khả năng đáp ứng, nhất là với yêu cầu chất lượng khắt khe và tiến độ thời gian chặt chẽ.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, đánh giá cao chủ trương phải sử dụng hàng hóa của doanh nghiệp trong nước sản xuất được vào các gói thầu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ông cho biết trong 3 năm qua, tập đoàn đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển dòng thép ray, tập trung vào các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ hệ thống đường sắt cao tốc.
“Nếu trở thành nhà cung cấp thép cho dự án này, Hòa Phát cam kết đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao”, ông Trần Đình Long nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Long còn cam kết tất cả chủng loại sắt thép đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu; đồng thời đảm bảo thời hạn giao hàng theo đúng tiến độ dự án với mức giá cạnh tranh, thấp hơn so với thép nhập khẩu.
Trên thực tế, Hòa Phát đang xúc tiến hoàn thiện các thủ tục cần thiết để giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên. Trong đó có dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp sản xuất gang thép. Cơ cấu sản phẩm tại đây dự kiến tập trung vào các dòng thép chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo, như thép tấm, thép kết cấu, thép hình, ray thép...
Nếu như Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Hải Dương là tiền đề để đưa Hòa Phát nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường, Dung Quất là nước cờ tiếp theo để cạnh tranh với thép giá rẻ Trung Quốc thì dự án gang thép tại Phú Yên sẽ là quân bài chiến lược để “Vua thép” tham gia “thập niên lịch sử” đường sắt cao tốc.
“Đây là cơ hội lớn với doanh nghiệp Việt Nam, tập đoàn đang cố gắng nâng cao năng lực và chuẩn bị mọi tiềm lực để đáp ứng các tiêu chí lựa chọn khi tham gia thầu đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đóng góp một phần vào cao tốc là nằm trong khả năng”, lãnh đạo Hòa Phát khẳng định.
Hiện nay, với công suất 8,5 triệu tấn thép mỗi năm, Hòa Phát đang là nhà cung cấp thép lớn nhất Đông Nam Á. Khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 hoàn thành vào năm 2025, năng lực sản xuất thép thô của doanh nghiệp này sẽ vượt mốc 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, một trong những sản phẩm có chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao như cơ khí chế tạo và xây dựng.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, vật liệu xây dựng
Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình lên Chính phủ. Nếu được thông qua, ngành thép Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế đối với dự án quan trọng của quốc gia.
Theo Bộ Công Thương, các chủng loại thép hợp kim sử dụng trong đóng tàu, cơ khí chế tạo có nhu cầu lớn, song năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên dẫn đến việc phải nhập khẩu với số lượng lớn. Cụ thể, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỷ USD. Trong đó, ngành công nghiệp ô tô và cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là hai ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Bộ Công Thương nhận định đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong sản xuất thép nội địa.
Nhà thầu xây dựng quyết “không bỏ lỡ cơ hội”
Tại tọa đàm: “Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt” diễn ra hồi tháng 11/2024, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải), cho biết quan điểm của Đảng, Chính phủ là ưu tiên tối đa cho doanh nghiệp trong nước thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao trên tất cả các lĩnh vực. Điều này đã khuyến khích các doanh nghiệp ngay từ lúc này đẩy nhanh việc tìm hiểu công nghệ, quy trình, gửi người đi đào tạo, tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước hợp tác đầu tư để tận dụng cơ hội từ đường sắt tốc độ cao.
Với 60% tuyến đường là kết cấu cầu, 30% nền đất và 10% hầm, khối lượng công việc dành cho ngành xây dựng là khổng lồ. Các hạng mục như cầu, hầm và nền móng đường ray không chỉ đòi hỏi nguồn lực lớn mà còn yêu cầu kỹ thuật cao, tạo sân chơi lớn cho các nhà thầu xây lắp hạ tầng giao thông Việt Nam. Với kinh nghiệm từ các dự án hạ tầng lớn như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các nhà thầu như Tập đoàn Đèo Cả, Cienco4, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn… đang sẵn sàng cho thử thách mới.
Tập đoàn Đèo Cả đánh giá sau một giai đoạn chuyển mình nhờ các dự án giao thông hạ tầng lớn như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc sẽ đánh dấu mốc cho sự trưởng thành không chỉ của doanh nghiệp xây dựng mà của cả đất nước. Phần xây dựng dưới đường ray không khác nhiều so với các công trình đường bộ trong khi đào hầm, xuyên núi. Khi các nhà thầu thi công xây dựng Việt Nam đảm nhận được những hạng mục này thì các doanh nghiệp cung ứng vật liệu cũng sẽ có cơ hội tham gia, như cách làm đường bộ cao tốc Bắc - Nam thời gian qua.
“Chúng ta không tính chỉ xây một tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam mà còn quá trình bảo trì, vận hành sau này. Vì thế, cơ hội tham gia tối đa trong chuỗi sản phẩm xây dựng dự án lần này sẽ là bước tiến mới cho các doanh nghiệp nói riêng cũng như ngành xây dựng Việt Nam nói chung", lãnh đạo Đèo Cả nói.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam, đánh giá đường sắt tốc độ cao là “cuộc cách mạng, thay da đổi thịt đối với các nhà thầu xây dựng”. Dự án không quá khó về mặt công nghệ xây dựng hạ tầng nhưng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng bởi tính quy mô và độ chính xác cao, đặc biệt với tốc độ 350km/h. Đây là một "trận địa công nghệ" mà các doanh nghiệp Việt cần học hỏi, tiếp cận những kiến thức tiên tiến nhất về xây dựng để ứng dụng.
“Với năng lực và trình độ hiện nay, các doanh nghiệp Việt hoàn toàn đủ khả năng đảm đương thi công. Thách thức lớn nhất chỉ nằm ở nguồn nhân lực và kinh nghiệm thực tiễn," ông Hiệp khẳng định.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ mở ra một chương mới cho ngành giao thông, mà còn là phép thử lớn cho năng lực và khát vọng vươn tầm của các doanh nghiệp Việt. Nhiều thách thức, nhưng cũng rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát huy nội lực và lợi thế.
Hữu Việt