Tại cuộc họp, ông Võ Văn Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai dự án này để thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế vùng. Ông chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cần thiết, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng và huy động nguồn vốn đầu tư. Ông đề nghị sử dụng nguồn vốn từ đấu giá quỹ đất công trên địa bàn, kết hợp với ngân sách tỉnh và sự tham gia của các doanh nghiệp để đảm bảo nguồn lực cho dự án.
Việc hoàn thành tuyến đường ven sông Sài Gòn không chỉ cải thiện hạ tầng giao thông mà còn góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch và khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế ven sông. Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho Bình Dương, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển đến TP.Hồ Chí Minh và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Đề án, tổng chiều dài toàn tuyến đường ven sông Sài Gòn khoảng 98,2km, sẽ định hướng kết nối với đường song hành Vành đai 3, Vành đai 4, ĐT744 và một số dự án đang triển khai trong hành lang đường ven sông: Cụm cảng An Sơn, An Tây, Phú Cường Thịnh,…
Trong đó, đoạn qua TP. Thuận An dài 13,6km với quy mô lộ giới 32m, có 6 làn xe, hướng tuyến bám theo đường đê bao sông Sài Gòn hiện hữu (cách bờ sông từ 20-40m). Đoạn qua TP. Thủ Dầu Một dài 16,7km với quy mô lộ giới từ 14 - 32m. Đoạn qua TP. Bến Cát dài 27,9km với quy mô lộ giới từ 28 - 36,5m. Đoạn qua huyện Dầu Tiếng dài 39,79km với quy mô lộ giới 32m.
Trước đó, vào ngày 04-12-2024, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã đi kiểm tra, khảo sát các tuyến đường giao thông trọng điểm kết nối vùng, trong đó có tuyến đường ven sông Sài Gòn. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án trong việc kết nối giao thông và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời yêu cầu các sở, ngành và địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Bất động sản Bình Dương hưởng lợi gì từ tuyến đường ven sông Sài Gòn?
Tuyến đường ven sông Sài Gòn không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hạ tầng giao thông, mà còn được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn cho thị trường bất động sản tại Bình Dương.
Việc hình thành tuyến đường này sẽ giúp mở rộng không gian đô thị, đặc biệt là tại TP. Thuận An, TP. Thủ Dầu Một và TP. Bến Cát – những khu vực đang phát triển mạnh về dân cư và thương mại. Các chuyên gia dự báo, những dự án ven sông Sài Gòn sẽ có giá trị gia tăng đáng kể nhờ kết nối thuận lợi với các trục giao thông quan trọng như Vành đai 3, Vành đai 4 và các cụm cảng lớn.
Trong thời gian qua, mặt bằng giá bất động sản tại Bình Dương đã tăng mạnh nhờ lợi thế hạ tầng. Đặc biệt, các dự án nhà ở, khu đô thị ven sông đang thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư do quỹ đất TP.HCM ngày càng hạn chế. Theo giới chuyên gia, tuyến đường ven sông không chỉ nâng cao giá trị bất động sản mà còn giúp hình thành chuỗi đô thị sinh thái ven sông, tương tự như các khu vực phát triển ven sông tại TP.HCM hay Đồng Nai.
Bên cạnh đó, tuyến đường 98,2km này cũng sẽ giúp giảm áp lực dân cư tại TP.HCM, khi nhiều chuyên gia và người lao động có xu hướng dịch chuyển về Bình Dương để sinh sống và làm việc. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu nhà ở, đặc biệt là phân khúc căn hộ trung cấp và cao cấp tại các khu vực dọc tuyến đường.
Với những lợi thế về hạ tầng và quỹ đất, Bình Dương tiếp tục khẳng định vị thế là điểm nóng bất động sản khu vực phía Nam, với sức hút lớn từ cả nhà đầu tư cá nhân và các tập đoàn phát triển bất động sản.
N.Đăng