(QK7 Online) - "Nếu được thủ trưởng các cấp hỗ trợ, tạo điều kiện, tôi sẽ tiếp tục tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 7 trong thời gian tới”. Đây là chia sẻ của nữ quân nhân sinh năm 1990, Trung úy QNCN Nguyễn Thị Nhung, vừa hoàn thành nhiệm vụ tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 (BVDC 2.5), gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.
Bố Trung úy QNCN Nguyễn Thị Nhung động viên đồng chí lên đường thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Ảnh: Lê Hoan
Vượt thử thách, rèn luyện ý chí, bản lĩnh
Năm 2023, Trung úy QNCN Nguyễn Thị Nhung, điều dưỡng Bệnh viện Quân y 7A tình nguyện gia nhập BVDC 2.5, khoác lên mình chiếc “mũ nồi xanh” lên đường thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Để tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, chị đã vượt qua khóa huấn luyện chặt chẽ về chuyên môn và ngoại ngữ tại Bệnh viện Quân y 175 từ các chuyên gia nước ngoài.
Vượt gần 10.000 km đến với đất nước Nam Sudan, vùng đất mà sự xung đột sắc tộc vẫn chưa chấm dứt, chị xác định rõ những khó khăn, cả hiểm nguy mà mình có thể phải đối mặt. Song là “Bộ đội Cụ Hồ” luôn yêu chuộng hòa bình, muốn mang hình ảnh người lính kiên trung, người thầy thuốc tận tụy, người phụ nữ Việt Nam kiên cường đến với bạn bè thế giới, chị không ngần ngại khó khăn, gian nguy.
Khó khăn đầu tiên mà Nguyễn Thị Nhung và lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam trải qua ở Nam Sudan là vấn đề thời tiết rất khắc nghiệt, nắng nóng, độ ẩm thấp, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao, ban ngày có lúc nhiệt độ lên tới 65⁰C; nguy cơ dịch bệnh, nhất là bệnh sốt rét; thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ngập úng, lũ lụt; điều kiện thông tin liên lạc hạn chế ... Nhưng tất cả đều là những thử thách để rèn luyện thêm ý chí, bản lĩnh.
Trung úy QNCN Nguyễn Thị Nhung (bên phải) và đồng đội hoàn thành nhiệm kỳ tham gia BVDC 2.5 gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trở về Việt Nam tối 28/9/2024. Ảnh: Lê Hoan
Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành
Đồng chí Nhung thực hiện nhiệm vụ tại khoa ngoại BVDC 2.5, đảm nhiệm vị trí điều dưỡng hồi sức cấp cứu, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân hậu phẫu và viêm phổi, cao huyết áp… Bên cạnh đó, chị hỗ trợ phòng mổ, tham gia trực cấp cứu… Với sự chăm sóc nhiệt tình, tận tâm coi bệnh nhân như người nhà, nhiều người ra viện, tới gặp chị cảm ơn và mang nông sản tặng. Trong đó, một số thực phẩm như bắp, mướp, bí, các loại rau xanh là thành quả của việc BVDC 2.5 hướng dẫn người dân canh tác. Chị chia sẻ: Người dân nơi đây rất thân thiện, mỗi lần thấy chúng tôi đi qua họ luôn vẫy tay chào. Họ học một số câu tiếng Việt như “xin chào” và gọi tên “Việt Nam ơi” rất cảm động.
Trung úy QNCN Nguyễn Thị Nhung tham gia hoạt động lễ hội với người dân Nam Sudan. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trung úy QNCN Nguyễn Thị Nhung chia sẻ, trong điều kiện thiếu thốn về vật chất, nhân sự, mỗi quân nhân Bệnh viện Dã chiến đều kiêm nhiệm nhiều việc. Cũng như các đồng nghiệp nam, chị cùng các nữ cán bộ, nhân viên y tế BVDC đều tham gia trực chuyên môn, trực tác chiến, trực gác, trực ban... bất kể ngày, đêm. Thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan và khu vực Abyei là những vùng có tình hình phức tạp, đòi hỏi mỗi nữ quân nhân phải có kỹ năng tổng hợp, kỹ năng sinh tồn, khả năng ứng phó linh hoạt với nhiều tình huống khác nhau để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, cũng như tạo dựng được hình ảnh đẹp của quân nhân Việt Nam nói chung và nữ quân nhân nói riêng trong mắt bạn bè quốc tế.
Trung úy QNCN Nguyễn Thị Nhung và đồng đội thăm đồng nghiệp các nước bạn Ghana và Pakistan. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Có lẽ vẫn còn những “duyên nợ” với vùng đất đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, thôi thúc Trung úy QNCN Nguyễn Thị Nhung tiếp tục mong muốn, một lần nữa được tình nguyện gia nhập BVDC 2.7, dự kiến sẽ tổ chức huấn luyện cuối năm 2024, lên đường thực hiện nhiệm vụ quốc tế sau khoảng một năm huấn luyện.
Lê Hoan