Trung tướng Nguyễn Hữu Xuyến.
Năm 1937, đồng chí bắt đầu tham gia cách mạng ở Sa Đéc và được giao làm liên lạc bí mật giữa Trung ương với Nam Bộ. Cuối năm 1940, đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1941, do cơ sở bị lộ, đồng chí bị thực dân Pháp bắt đem về bốt Catinat Sài Gòn. Trải qua 6 tháng bị giam cầm, đánh đập, tra tấn, nhưng đồng chí vẫn kiên quyết không khai báo. Ngày 11-9-1942, Tòa án binh Sài Gòn kết tội đồng chí: “Vận động lật đổ chính quyền. Tập hợp tổ chức chủ đích Cộng sản hay vô chính phủ” tuyên mức án 20 năm tù khổ sai. Ngày 14-10-1942, đồng chí bị đày ra Côn Đảo. Tại nhà tù Côn Đảo, mặc dù địch tra tấn ác liệt, nhưng cùng với những chiến sĩ Cộng sản kiên trung khác, đồng chí vẫn giữ vững ý chí đấu tranh, học tập, rèn luyện và giúp đỡ anh em trong tù bị tra tấn, đau ốm.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, toàn thể tù chính trị tại Côn Đảo được Ủy ban hành chính Nam Bộ đưa về đất liền. Tháng 9-1945, từ Côn Đảo trở về, nhờ kinh nghiệm tổ chức đấu tranh ở Côn Đảo, đồng chí được hai người bạn tù là ông Phạm Văn Lầu - Chủ tịch và bà Sáu Ngài - Bí thư đề nghị về Sa Đéc phụ trách công tác quân sự địa phương, kết hợp chỉ huy bộ đội chủ lực. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), đồng chí làm Chi đội trưởng Chi đội 18, Chỉ huy trưởng Liên Trung đoàn 109-111. Đến năm 1951, đồng chí làm Tham mưu trưởng Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, nhiều trận đánh vang dội tại đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra, như các trận tiến công nhà thờ Cù lao Giêng, Chi khu quân sự Gò Quao, tiêu diệt Tiểu đoàn Tidoa - Néon ở Cổ Cò - Mỹ Tho, đánh chìm tàu biển trên sông Cửu Long, các chiến dịch Cầu Kè (Trà Vinh), An Biên (U Minh Thượng)… Nếu như Cổ Cò là trận giao thông chiến đầu tiên thì Cầu Kè được xem là chiến dịch đầu tiên ở Nam Bộ. Năm 1949 là năm ta và địch ở vào thế giằng co quyết liệt nhất. Địch hòng quét sạch, đẩy ta ra khỏi từng khu vực. Ta cũng chuyển thế tiến công ở từng vùng để tiến đến giải phóng từng phần. Cuộc chiến đấu diễn ra liên tục, nổi bật là hai trận chống càn của địch đánh vào căn cứ của ta bằng đường bộ và đường sông. Cho đến cuối năm 1949, ta mở Chiến dịch Cầu Kè (7-12-1949 - 26-12-1949) thuộc tỉnh Trà Vinh với mục đích tiêu diệt, bức hàng, bức rút một số đồn bốt ở địa phương và diệt viện binh của địch; đồng thời xây dựng lại tình đoàn kết đang bị chia rẽ giữa người Việt và người Việt gốc Khơme. Lực lượng gồm hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh phối hợp với Liên Trung đoàn 109-111 cùng Tiểu đoàn 307 vừa được tăng cường. Sau mười ngày, ta bức hàng, bức rút hai mươi cứ điểm, đồn bốt và diệt hai cánh địch viện bằng đường bộ và đường sông, hơn một trăm quân Pháp và lính Lê dương bị bắt. Ta thu nhiều vũ khí, đạn dược. Chiến dịch Cầu Kè do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến chỉ huy là chiến dịch tiến công mở vùng, mở mảng đầu tiên ở Nam Bộ đã giành thắng lợi.
Trung tướng Nguyễn Hữu Xuyến, cuộc đời gắn bó với chiến trường Nam Bộ.
Từ năm 1955 đến năm 1956, đồng chí hoạt động ở miền Tây Nam Bộ cùng Tiểu đoàn 307. Tháng 12-1956, đồng chí được Xứ ủy cử về miền Đông Nam Bộ thống nhất các lực lượng vũ trang.
Tháng 8-1958, Xứ ủy thành lập Ban Quân sự và Đảng ủy lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ. Đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến, Ủy viên Quân sự của Xứ ủy, được phân công kiêm Trưởng ban Quân sự miền Đông. Để hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị, đồng thời giải quyết vấn đề tài chính, lương thực cho lực lượng vũ trang đang phát triển, đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến làm Chỉ huy trưởng điều động lực lượng vũ trang thành ba mũi tập kích Chi khu quân sự Dầu Tiếng. Sau 30 phút nổ súng, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt 300 tên, bắt 200 tên giáo dục rồi thả tại chỗ; thu 650 khẩu súng các loại, 12 tấn đạn, 5 xe cùng rất nhiều quân trang, quân dụng. Chiến thắng Dầu Tiếng gây tiếng vang lớn trên toàn miền Nam. Lần đầu tiên sau năm 1954, lực lượng vũ trang miền Đông tiêu diệt một căn cứ quân sự cấp quận của địch. Chiến thắng Dầu Tiếng đã khai thông liên lạc giữa các căn cứ Đông và Tây, đồng thời tạo điều kiện cho Xứ ủy về đứng chân ở vùng Căn cứ miền Đông để chỉ đạo phong trào cách mạng.
Tháng 8-1961, đồng chí được bổ nhiệm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu miền Đông (Quân khu 7). Trước âm mưu của địch, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông tiến hành điều nghiên và đề nghị Ban Quân sự Miền và Khu ủy mở trận tiến công vào Tiểu khu quân sự và tỉnh lỵ Phước Thành nhằm phá tan ý đồ bao vây chia cắt Chiến khu Đ, đánh phủ đầu vào ý đồ bình định của địch. Mục tiêu của trận đánh là tiêu diệt toàn bộ quân địch, làm chủ tiểu khu, giải thoát tù chính trị. Sau khi phân tích tình hình chung toàn miền và tình hình cụ thể ở miền Đông, Trung ương Cục và Ban Quân sự Miền nhất trí với đề nghị của Bộ Tư lệnh miền Đông.
Sau khi điều nghiên kỹ chiến trường, ta quyết định mở trận tiến công. Qua nắm thông tin thực tế, Khu ủy, Bộ Tư lệnh Khu tổ chức bàn bạc, triển khai kế hoạch cụ thể trận đánh Phước Thành. Ban Chỉ huy trận đánh được thành lập, do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến làm Chỉ huy trưởng. Ngày 18-9-1961, trận đánh diễn ra. Trận đánh giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ nên chỉ sau hai giờ, ta đã làm chủ toàn bộ tỉnh lỵ Phước Thành, bắt tỉnh phó, giải thoát 400 tù chính trị, tiêu diệt và bắt gọn hơn một ngàn tên địch của ba tiểu đoàn bảo an, một tiểu đoàn cộng hòa, một tiểu đoàn công an, thu toàn bộ vũ khí, trong đó có cả xe thiết giáp và pháo 105mm. Quân tiếp viện của địch ở các hướng cũng bị đẩy lùi. Về sau địch dùng máy bay yểm trợ chiếm lại, nhưng vẫn phải bỏ hẳn tỉnh lỵ Phước Thành, xóa tên tỉnh này khỏi bản đồ hành chính. Trận Phước Thành có tác động rất lớn ở miền Đông, gây hoang mang, dao động dây chuyền đối với quân địch. Quân ta tiếp tục khuếch trương chiến quả, bao vây uy hiếp các đơn vị của địch ở ven rừng, đánh chiếm và bức rút hàng chục đồn bốt và chi khu, phá các ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng với hàng chục ngàn dân. Đây là chiến thắng quan trọng nhất ở miền Nam từ sau phong trào Đồng khởi năm 1960.
Từ năm 1963 đến năm 1965, đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến được cử đi học tại Học viện Quân sự Bắc Kinh (Trung Quốc). Hoàn thành khóa học, từ năm 1965 đến năm 1974, đồng chí giữ cương vị Tư lệnh phó Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1974, đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng. Từ năm 1974 đến năm 1975, đồng chí là Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo chung về quân sự miền Nam.
Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, từ năm 1975 đến năm 1977, đồng chí làm cố vấn quân sự các quân khu miền Nam. Những năm từ 1977 đến 1987, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Phó Tư lệnh Quân khu 9. Năm 1986, đồng chí được thăng quân hàm Trung tướng. Năm 1987, đồng chí nghỉ hưu. Đồng chí từ trần vào ngày 4-12-2007.
Là vị tướng bám trụ chiến đấu trên chiến trường Nam Bộ xuyên suốt hai cuộc chiến tranh vệ quốc đầy gian khổ nhưng cũng vô cùng oanh liệt, Trung tướng Nguyễn Hữu Xuyến được đánh giá là vị chỉ huy kiên cường, bản lĩnh, dạn dày trận mạc và sâu nặng nghĩa tình. Đồng chí có nhiều công lao to lớn đối với Nam Bộ, được mọi người dân tin yêu, đồng đội nể trọng. Trong quá trình chiến đấu, công tác, đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất; 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; 3 Huy chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng...