Trong khí thế hừng hực của những ngày miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Minh Xuân, nguyên Chính ủy Trung đoàn 6. Bên tách trà nóng, ông bắt đầu câu chuyện của mình. Đó là vào tháng 4-1972, sau 4 tháng hành quân trên con đường Trường Sơn huyền thoại, ông được đưa về Tiểu đoàn 7 thuộc Trung đoàn 3 (nay là Trung đoàn bộ binh 6), Sư đoàn 5. Lúc đó ông tròn 19 tuổi. Và ông gắn bó với Trung đoàn bộ binh 6 gần 20 năm.
Theo lời kể của ông Lê Minh Xuân, ngày 1/5/1970, BB6 được thành lập tại căn cứ “Ba nhà lá” vùng biên giới huyện Bù Đốp (nay thuộc xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), trên cơ sở tập hợp một số đơn vị từng nhỏ lẻ hoạt động chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam bộ trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ.
Trong 50 năm qua, Trung đoàn bộ binh 6 đã lập nên nhiều chiến công hiển hách. Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn bộ binh 6 đã tham gia giải phóng TX. Mondulkiri (tỉnh Mondulkiri, Campuchia). Với quyết tâm đánh thắng trận mở màn, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 6 đã hành quân trên 50 km tiến vào trận địa, đánh chiếm mục tiêu, làm chủ TX. Mondulkiri. Trận này, Trung đoàn bộ binh 6 tiêu diệt 300 tên địch, bắt sống 200 tên và nhiều vũ khí.
Chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 6 tuyên thệ.
Từ đó đến ngày giải phóng, Trung đoàn bộ binh 6 đã tham gia nhiều trận đánh lớn. Điển hình, Trung đoàn bộ binh 6 là 1 trong 5 mũi tiến công vào chi khu quân sự Lộc Ninh và sân bay Lộc Ninh trong Chiến dịch Nguyễn Huệ; hành quân trên 200 km tham gia chiến dịch tổng hợp đồng bằng Sông Cửu Long, liên tục đánh địch ở Cai Lậy Bắc, Cai Lậy Nam...
Vì biên giới và tình hữu nghị
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 6 nhiệm vụ tổ chức lực lượng vận động Nhân dân truy quét, kêu gọi binh lính địch ra trình diện, vận động Nhân dân khu vực đóng quân, xây dựng đời sống, ổn định sinh hoạt, giúp đỡ chính quyền xây dựng cơ sở chính trị, đồng thời tập trung xây dựng Trung đoàn nề nếp chính quy.
Cuối năm 1975, Trung đoàn được lệnh hành quân về huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh nhận nhiệm vụ huấn luyện hơn 1.000 tân binh, sau khóa huấn luyện hành quân về Cầu Vịnh Tây Ninh làm nhiệm vụ xây dưng kinh tế, Tiểu đoàn 8 được điều về Biên Hòa làm nhiệm vụ quản giáo cải tạo sĩ quan ngụy. Các đơn vị còn lại của Trung đoàn, tiếp tục huấn luyện, củng cố xây dựng đơn vị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao.
Năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam, Trung đoàn tiếp tục được lệnh lên đường, đảm nhiệm chiến đấu trên một hướng biên giới Tây Nam kéo dài từ Phước Tân đến Bến Sỏi huyện Lộc Ninh, Bù Đốp đến Sa Mát, Thiện Ngôn, một phần tỉnh Sông Bé và tỉnh Long An, với ý thức trách nhiệm cao, tinh thần chiến đấu ngoan cường dũng cảm Trung đoàn đã tham gia đánh 198 trận trong đó có 10 trận cấp Trung đoàn, 34 trận cấp Tiểu đoàn, 40 trận cấp đại đội, đã tiêu diệt 1587 tên địch bắt và gọi hàng 42 tên thu 79 súng các loại.
Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, Trung đoàn tiếp tục được giao nhiệm vụ làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Dù nằm trong đội hình chiến đấu của cấp trên và khi chiến đấu độc lập cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 6 luôn đoàn kết một lòng, chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, không sợ hy sinh, dũng cảm, mưu trí giải phóng hàng vạn dân, phá vỡ hàng trăm căn cứ địch. Giúp bạn xây dựng, củng cố chính quyền và tuyên truyền kêu gọi con em lầm đường theo địch trở về với chính quyền cách mạng, giúp nhân dân nước bạn hàng vạn ngày công làm nhà cửa, đường đi, trường học, bệnh xá được chính quyền và nhân dân bạn tin tưởng và quý trọng.
Phát huy truyền thống thực hiện nhiệm vụ thời bình
Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả mà Đảng, Nhân dân và Quân đội giao, ngày 21 đến 26/9/1989, Trung đoàn bộ binh 6 được lệnh rút quân về nước và được biên chế trực thuộc Bộ CHQS tỉnh Sông Bé. Đầu năm 1991 đơn vị giải thể, đến năm 1997 theo yêu cầu nhiệm vụ Trung đoàn được tái lập với chức năng, nhiệm vụ là khung thường trực quản lý xây dựng lực lượng dự bị động viên thuộc Bộ CHQS tỉnh Bình Dương. Năm 2008, Trung đoàn tiếp tục được Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh giao nhiệm vụ đăng cai, huấn luyện các đơn vị dự bị của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Năm 2013 được giao thêm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới cho tỉnh và Quân khu.
Huấn luyện chiến sĩ mới năm 2020.
Với thành tích đạt được trong 50 năm qua, Trung đoàn bộ binh 6 đã có 218 lượt tập thể và 2359 lượt cá nhân được các cấp khen thưởng. Trong đó, Trung đoàn 3 lần được tặng cờ Trung đoàn đánh giỏi và Huy chương Quân công hạng Ba. Có 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân. Đó là anh hùng Bùi Văn Nè, Tiểu đoàn 7 và Anh hùng Nguyễn Thế Cư, Đại đội 20.
Qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 6 đã kiên trung, anh dũng chiến đấu và lập nhiều chiến công vang dội, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Giải phóng không lâu, Trung đoàn Trung đoàn bộ binh 6 tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và cùng với LLVT Bình Dương làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia. Thời bình, phát huy truyền thống hào hùng trong chiến đấu, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn không ngừng học tập, rèn luyện khả năng sẵn sàng chiến đấu, quản lý huấn luyện lực lượng dự hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống, xứng đáng với 16 chữ vàng truyền thống “Đoàn kết, anh dũng, cơ động, linh hoạt, tự lực, tự cường, đánh thắng, diệt gọn”.