Góp nhặt từng thông tin
Vượt 1.700km từ Bắc vào Nam để tìm thông tin về bố, người từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Với thông tin: “Tên liệt sĩ Nguyễn Đăng Khoa, quê Nam Định, sinh năm 1942, hy sinh ngày 1/12/1974 tại Mặt trận phía Nam” là manh mối duy nhất mà ông Nguyễn Đăng Khôi có được. Để có một chuyến đi dài ngày, ông phải vay mượn hàng xóm, vất vả lắm mới đủ kinh phí trang trải. Ông nói trong tiếng nấc: “Hơn 40 năm qua, chưa phút giây nào tôi ngừng tìm kiếm phần mộ của cha mình để thắp cho ông nén nhang, làm tròn bổn phận người con. Nếu có thể, chỉ cần biết bố tôi đang an nghỉ ở tỉnh nào thôi là tôi cũng vui lắm rồi”. Nhưng từng ấy thông tin, còn chưa kể do điều kiện chiến tranh nên việc quản lý hồ sơ liệt sĩ còn nhiều hạn chế; việc ghi chép sổ sách vẫn còn trường hợp không trùng khớp giữa giấy báo tử và hồ sơ liệt sĩ. Nhiều liệt sĩ khi được quy tập lại không có thông tin nên việc tìm kiếm vị trí mộ thực sự khó khăn. Điều bất ngờ qua trao đổi thông tin và quá trình tìm kiếm mộ liệt sĩ, ông và cán bộ Phòng Chính sách đã tìm thấy thông tin mộ liệt sĩ là thân nhân của một người quen cùng quê hiện đang ở Nghĩa trang tỉnh Tây Ninh.
Cán bộ tiếp dân luôn cầu thị, lắng nghe để thấu hiểu người dân.
Với tâm niệm, tất cả liệt sĩ đều là anh hùng, người thân của mình, để ấm lòng anh linh các liệt sĩ, vẹn nghĩa tình với thân nhân, Thượng tá Đào Minh Tâm chia sẻ thêm: “Để tìm phần mộ liệt sĩ cho thân nhân phải bắt đầu từ những chi tiết, manh mối nhỏ nhất từ nhiều hướng; đối chiếu, xác minh ở địa phương chứ không phải khi hệ thống báo “không tìm thấy kết quả” là mình bỏ cuộc. Bên cạnh đó, người cán bộ tiếp dân phải nhạy bén, tranh thủ khai thác thông tin từ những người dân đến làm việc; đặc biệt là các đồng chí cựu chiến binh từng chiến đấu ở các chiến trường làm cơ sở dữ liệu khi cần xác định thông tin về liệt sĩ hay mộ liệt sĩ. Chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí của thân nhân để chia sẻ, cảm thông và tạo mọi điều kiện tốt nhất hỗ trợ thân nhân”.
Cầu thị, lắng nghe để thấu hiểu
Tiếp dân là công việc thường xuyên, hàng ngày, không thể làm theo kiểu chiếu lệ. Cán bộ tiếp dân phải thực sự cầu thị, biết tôn trọng công dân và biết lắng nghe để thấu hiểu, giải quyết những vấn đề của người dân. Tiếp dân không chỉ giải quyết khiếu nại, tố cáo, mà còn tiếp nhận phản ánh, kiến nghị từ Nhân dân để phát huy và củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tổng hợp trí tuệ của Nhân dân phục vụ công tác xây dựng, bảo vệ đất nước.
Thời gian qua, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thanh tra Quốc phòng Quân khu luôn đảm bảo đúng pháp luật, kịp thời, có tình, có lý ngay từ đầu, không để dân bức xúc khiếu kiện tập thể vượt cấp. Việc giải quyết các vấn đề trong công tác tuyển quân, chế độ chính sách, hay tranh chấp giữa người dân với cơ quan Nhà nước luôn được tiếp nhận, giải quyết, trả lời thấu đáo và đúng trình tự, kỷ cương, hiệu quả, giảm đáng kể những vụ việc khiếu kiện phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
Để việc tiếp dân có hiệu quả, Thanh tra Quốc phòng các cấp xây dựng đội ngũ cán bộ tiếp công dân có tâm, đạo đức; bản lĩnh, chuẩn mực; giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và được trang bị các kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, vận động, thuyết phục, xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình tiếp dân. Qua đó, đem lại cho công dân cảm giác được tôn trọng, phục vụ, có như vậy người dân mới không dè chừng hay bức xúc, thoải mái trình bày sự việc của mình.
Thượng tá Trần Văn Nẻo, Thanh tra viên chính, Thanh tra Quốc phòng Quân khu chia sẻ: “Kỹ năng giao tiếp có vị trí rất quan trọng trong hoạt động tiếp dân, có tính chất quyết định kết quả của buổi tiếp dân. Khi giao tiếp với công dân, cán bộ tiếp dân phải sử dụng lời nói đúng chuẩn mực, nói chính xác, rõ ràng, dễ hiểu, không mập mờ, sát với nội dung dân nêu ra. Đồng thời, chân thành lắng nghe người dân, để họ nói hết những bức xúc trong lòng, khéo léo hướng người dân vào việc cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc, đưa ra chứng cứ quan trọng”.
Cán bộ tiếp công dân phải chịu rất nhiều áp lực, có công dân đến để “trút” những bức xúc của mình nên có lời nói, hành động không chuẩn mực hay bị các phần tử xấu lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo nhằm xúi giục, kích động gây rối. Chính vì vậy, cán bộ tiếp công dân cần phải trang bị những kỹ năng giao tiếp khéo léo, kịp thời xử lý khi có tình huống bất thường xảy ra, tránh làm tăng xung đột, căng thẳng thêm tình hình.
“Chúng tôi luôn phát huy quyền công dân, vì dân phục vụ; coi quyền lợi người dân như quyền lợi của mình để hoạt động tiếp công dân thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội với Nhân dân, được dân tin tưởng gửi gắm trình bày những băn khoăn, thắc mắc và cả những bức xúc”. Thượng tá Trần Văn Nẻo nói thêm.