![](/fileman/Uploads/wvtbNews_DanhSachTinChuaDuyet_PV/28814/thumb/h8_20220620200348654.jpg)
Thiếu tướng Du Trường Giang, Phó Tư lệnh Quân khu tặng bằng khen cho các nhà báo lão thành, cộng tác viên, phóng viên xuất sắc nhân gặp mặt kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022). Ảnh: Tuấn Anh
1. Trung tướng Lưu Phước Lượng: “Dấu ấn cuộc đời” từ sự chân thực và giản dị
Tôi được nghe kể nhiều về Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 9, nguyên Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ với cái tên gọi gần gũi bác Năm Lượng. Nhưng để hiểu rõ hơn về vị tướng này, tôi đã dành thời gian tìm đọc Hồi ức “Dấu ấn cuộc đời” của ông.
![](/fileman/Uploads/tbNews/28814/thumb/h1.jpg)
Trung tướng Lưu Phước Lượng.
Trung tướng Lưu Phước Lượng từng chia sẻ về việc viết sách rằng: “Hơn 70 tuổi đời, 57 tuổi quân và 55 tuổi Đảng, tôi nghĩ đây là thời điểm chín muồi để ghi lại những câu chuyện ấy, cả trong chiến đấu của thời chiến tranh ác liệt, gian khổ và hy sinh cũng như cuộc sống hòa bình trong môi trường xã hội nhiều biến động như hiện nay”.
Bước ra từ trong lòng cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt, trực tiếp chiến đấu ở những chiến trường nóng bỏng nhất, điều đầu tiên cảm nhận thật rõ ở bác Năm Lượng là tính cách quyết liệt, một cái đầu rộng mở, biết lắng nghe, thấu hiểu và đặc biệt là một trái tim biết yêu tha thiết không chỉ đất nước quê hương, bạn bè, đồng đội mà còn cảm nhận đủ đầy các cung bậc cảm xúc, biết ơn đối với đồng đội đã hy sinh, những bà má, người chị nơi ông từng chiến đấu, họ không chỉ nuôi ông bằng cơm áo, mà còn cưu mang ông bằng tấm lòng ấm áp, bao dung.
“Dấu ấn cuộc đời” của ông không chỉ lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong cuộc đời người lính “Bộ đội Cụ Hồ” mà còn gắn liền với từng giai đoạn, thời khắc quan trọng của đất nước, Quân đội. Bức tranh về cuộc đời riêng của tác giả được đặt trong bức tranh tổng thể của dân tộc - một giai đoạn thăng trầm lịch sử. Và đẹp hơn cả là dấu ấn về tình yêu đôi lứa, mối tình đầu thuở hoa niên với người con gái Cần Thơ - Mạc Phương Minh người vợ hiền của ông bây giờ.
Càng phấn đấu rèn luyện, ông càng trưởng thành. Sau mỗi trường đoạn đều có những nhận định, đánh giá với cảm xúc của tác giả. Điều đáng chú ý cảm xúc ấy được ông chủ động chế ngự, điều chỉnh. Đó là điều rất cần cho một vị tướng cầm quân, một phẩm chất cốt lõi của người làm công tác Đảng, công tác chính trị. “Bác Năm Lượng” còn là tác giả của các bài báo chính luận thời sự, mang tính chiến đấu cao để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.
2. Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Những dòng hồi ký được viết bằng “chất liệu” chiến tranh
Ở tuổi 73, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vẫn miệt mài viết sách và tỉ mỉ ghi từng dòng chữ tặng bạn bè của mình.
![](/fileman/Uploads/tbNews/28814/thumb/h2.jpg)
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ.
Trở về từ chiến trường với 11 vết thương, 61% thương tật cùng các mảnh đạn còn sót lại trên cơ thể. Người lính già ấy đã viết nên những cuốn hồi ký, tập sách bằng “chất liệu” ký ức của một thời chiến tranh ác liệt.
Cũng từ đó, trang hồi ký “Cuộc đời và binh nghiệp” của ông đã đi qua nhiều mảnh đất, tái hiện lại nhiều thời điểm của đất nước, phản chiếu một cách chân thành, trung thực nhất các trận đánh mà ông tham gia, sự hy sinh dũng cảm của bộ đội ta trong những đêm hành quân qua địa hình trống trải, vượt qua sông ngòi, kênh rạch chằng chịt dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù hay niềm vui chiến thắng và cả giọt nước mắt nghẹn ngào, ruột gan đau thắt khi đồng đội ngã xuống... Tài năng, sự trải nghiệm thực tế đem lại cho ông một cái nhìn rất riêng, đầy tính hiện thực về chiến tranh, về đồng đội nhưng cũng đầy sự khát khao hòa bình mãnh liệt, những xúc cảm rung động riêng tư.
“Chúng ta có quyền tự hào về chiến thắng, về sự hy sinh vẻ vang, nhưng cũng cần nhìn thấy trong đó sự mất mát to lớn của cả dân tộc. Có những mất mát, đau thương không thể nào bù đắp được do hậu quả chiến tranh để lại. Ngày nào còn sống, còn sức thì tôi vẫn tiếp tục vững lòng trong trận chiến mới là đi tìm công lý cho nạn nhân bị chất độc màu da cam/dioxin”. Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ cho biết.
Giờ đây, ngoài viết báo, viết sách, vị tướng già dành gần như toàn bộ thời gian, tâm huyết để chăm lo những nạn nhân chất độc da cam. Bởi với ông, đâu đó trong mỗi gia đình bất hạnh, vết thương chiến tranh vẫn còn đè nặng trên cơ thể con cháu, làm cho chúng ta day dứt không nguôi.
3. Đại tá Trần Thế Tuyển: Tôi như người nông dân cần mẫn cày trên cánh đồng chữ nghĩa
Là một trong những phóng viên đầu tiên của Báo Quân khu 7, Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển là cái tên thân quen, gần gũi với độc giả từ gần nửa thế kỷ nay. Khi đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn là cây bút sung sức trong nhiều chuyên mục và trên các diễn đàn với ngòi bút chân thực, thẳng thắn, mang dấu ấn đặc sắc của riêng ông.
![](/fileman/Uploads/tbNews/28814/thumb/h7.jpg)
Đại tá Trần Thế Tuyển.
Những kỷ niệm một thời làm báo chiến trường còn y nguyên trong ký ức của ông. Cuộc sống, chiến đấu, tác nghiệp của phóng viên chiến trường với biết bao kỷ niệm vui buồn. Những trải nghiệm thực tiễn không chỉ đổi bằng mồ hôi mà đôi khi còn bằng xương máu giúp ông ngày càng nhận thức đầy đủ về công việc gần như sứ mệnh mà mình tự nguyện dấn thân.
Với ông, nghề báo là một nghề cao quý và đặc biệt. Cao quý bởi sứ mệnh của báo chí, nó không chỉ là một kênh thông tin mà còn là một mặt trận, có chức năng phản ánh đúng sự thật và có tính định hướng. Do vậy, người làm báo rất cần một điểm tựa nghề nghiệp đặc thù “phải có mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, dũng cảm vượt qua khó khăn và cả sự cám dỗ để làm tròn sứ mệnh ấy.
Suốt hành trình làm nghề của mình, ông vẫn trung thành với đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, trong đó Bộ đội Cụ Hồ là hình ảnh chủ đạo. “Gần nửa thế kỷ cầm súng và cầm viết, những năm tháng chiến tranh cứ ám ảnh tôi mãi. Khi cầm bút viết về đồng đội, tôi như người nông dân cần mẫn cày trên “cánh đồng” chữ nghĩa của mình. Tôi “cày” như trả nợ. Có lẽ thế, lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng luôn là đề tài xuyên suốt, đó vừa là nguồn cảm hứng vô tận trong cả làm báo và sáng tác văn chương của tôi, vừa là món nợ không bao giờ trả hết”. Đại tá Trần Thế Tuyển bộc bạch.
4. Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sơn Đài: Nỗ lực phục dựng lịch sử quân sự Nam Bộ
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sơn Đài sinh năm 1955 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống nho học yêu nước. Ông từng giữ nhiều chức vụ như: Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7; Trưởng Ban biên tập Thông tin Khoa học Quân sự Quân khu 7, Thư ký giúp việc Đại tướng Lê Đức Anh; Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM…
![](/fileman/Uploads/tbNews/28814/thumb/h4.jpg)
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sơn Đài trao đổi công việc với Đại tướng Lê Đức Anh năm 2012.
Hơn 40 năm nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự, ông đã xuất bản gần 80 cuốn sách lịch sử. Tiêu biểu như, viết riêng: Chiến khu ở miền Đông Nam Bộ, Cuộc kháng chiến nhìn từ Nam Bộ, Chiến tranh Nhân dân chống thực dân Pháp ở miền Đông Nam Bộ; Chủ biên: Lịch sử Chiến khu Đ, Lịch sử miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ kháng chiến, Lịch sử lực lượng vũ trang Quân khu 7; Viết chung: Lịch sử Đồng Tháp Mười, Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến, Lịch sử Quân giải phóng miền Nam Việt Nam,… Và hàng trăm bài nghiên cứu đăng ở các tạp chí khoa học chuyên ngành.
Ông chia sẻ: “Mảnh đất miền Đông Nam Bộ nói riêng, Nam Bộ và Việt Nam nói chung từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh rất tàn khốc, sự hy sinh của Nhân dân và lực lượng vũ trang là vô cùng to lớn. Tôi muốn góp một phần nhỏ sức lực của mình vào nỗ lực phục dựng lịch sử quân sự Việt Nam”.
Theo Đại tá Hồ Sơn Đài, hiện nay, việc nghiên cứu lịch sử quân sự cũng như viết sử gặp nhiều khó khăn do nguồn sử liệu chiến tranh rất hạn chế, vì sự khốc liệt của cuộc chiến, công tác lưu trữ bất cập, quy định tiếp cận và giải mật tư liệu; bên cạnh đó là đội ngũ cán bộ nghiên cứu lịch sử quân sự mỏng, thiếu các lớp kế nối. Mặt khác, sử học là quá trình đối thoại không ngừng với quá khứ, là hành trình tiệm cận đến sự đúng, do vậy người viết sử càng phải có niềm đam mê, quyết tâm học tập, tiếp cận và sở hữu nguồn tư liệu mới; cập nhật hệ thống phương pháp, kỹ thuật nghiên cứu hiện đại trong xu thế canh tân nền sử học là những phẩm chất cần thiết đối với đội ngũ cán bộ nghiên cứu sử học quân sự hiện nay.
Suốt bốn thập kỷ miệt mài, cần mẫn đi tìm và khỏa lấp những khoảng trống trong lịch sử quân sự Việt Nam thời hiện đại, giờ đây, niềm đam mê ấy vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng Đại tá Hồ Sơn Đài trong trách nhiệm mới: Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ - TDMU.
5. Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Tiến Nên: Tôi gửi tình yêu qua những áng văn chương
Tôi biết nhà văn, nhà thơ Nguyễn Tiến Nên qua tập thơ “Bến” mà tôi được một người bạn gửi tặng. Những ngôn từ thơ ca mà ông sử dụng là thứ ngôn ngữ giàu hình tượng và biểu cảm, tạo nên tính họa, tính nhạc trong thơ. Đó còn là tiếng lòng của người con quê biển được ông thể hiện một cách tự nhiên, giản dị. Trong cái mộc mạc, chân phương, mặn mòi ấy lại ngân lên khúc tình ca về tình yêu quê hương da diết – Về Cảnh Dương, nơi ông từng ngày sống và cầm bút.
![](/fileman/Uploads/tbNews/28814/thumb/h5.jpg)
Tác giả Nguyễn Tiến Nên (áo trắng) tặng sách cho Ban Biên tập Báo Quân khu 7.
Có lẽ cùng là đồng hương Quảng Bình nên phải chăng tôi cảm nhận được rõ nét hơn một nỗi niềm, một tình yêu quê hương khắc khoải chảy suốt một đời thơ không ngừng nghỉ của ông. Nó hiện lên trong kỷ niệm, trong xa cách, trong xao động lung linh thương nhớ.
Con người Cảnh Dương, mảnh đất Quảng Bình trong các thể loại bút ký, thơ, truyện ngắn mà ông sáng tác là hiện thân của phẩm chất anh hùng cách mạng trong thời kỳ chống thực dân Pháp, chống Mỹ cứu nước, đậm chất văn hóa, lịch sử, nhưng cũng nóng bỏng tính thời sự và nhân ái, nhân văn qua từng câu chữ, cốt truyện. Tại nơi đó, ông gửi tất cả nỗi niềm với bao thăng trầm, được mất, bao chìm nổi phận người, phận đời, những niềm vui, nét đẹp làng quê miền biển. Tất cả in đậm dấu ấn, tạo nên chất riêng trong giọng văn, giọng thơ của Nguyễn Tiến Nên.
Không phải tự nhiên mà những tác phẩm của ông lại hấp dẫn người đọc. Ông viết bằng cả tấm lòng chân thành, trái tim giàu cảm xúc. “Nguyên tắc của tôi khi đặt bút viết và sáng tác là tôn trọng sự thật. Hơn 20 năm làm nghề, tôi luôn trung thành với nguyên tắc ấy, trong thâm tâm, tôi nghĩ mình chỉ là người ngư dân cầm bút chép lại sự thật”. Ông Nguyễn Tiến Nên chia sẻ.