Trung tâm TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Báo Quân khu 7 xin trọng giới thiệu đến bạn đọc 10 sự kiện nổi bật này.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 08, HĐND TP ban hành Nghị quyết 25, UBND TP ban hành Kế hoạch 8127 triển khai thực hiện với 21 nội dung, đề án cụ thể. Thời gian xây dựng các chương trình, đề án ngắn, nội dung nhiều và một số nội dung phức tạp nhưng thành phố vẫn thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục theo quy định.
Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua 1 nội dung triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đến nay, HĐND TP đã thông qua 16 nội dung cụ thể. Việc triển khai các nội dung, đề án theo tinh thần Nghị quyết 54 của Quốc hội bước đầu đạt một số kết quả tích cực, các cơ chế, chính sách ban hành đã góp phần sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức; khuyến khích, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt.
Cùng đó, tiến độ thực hiện các dự án nhóm A và các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10 ha (35 dự án, diện tích trên 3.870 ha) được đẩy nhanh hơn. Việc thực hiện ủy quyền cho sở - ngành, quận - huyện thực hiện các thủ tục hành chính sẽ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, thủ tục, phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân, doanh nghiệp.
Những kết quả quan trọng, tích cực của triển khai Nghị quyết 54 trong năm 2018 sẽ phát huy hiệu quả rộng rãi hơn trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Đây là tiền đề quan trọng để TPHCM tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
2. Kinh tế TPHCM đạt và vượt 17 chỉ tiêu quan trọng
Năm 2018 được xác định là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, TPHCM thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có thuận lợi cùng rất nhiều khó khăn. Song, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, sự năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, thành phố đã đạt và vượt 17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 1,33 triệu tỷ đồng (tăng 8,3%) đạt chỉ tiêu đề ra; cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh, tỷ trọng 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu chiếm tỷ trọng cao nhất 57,1% trong tổng GRDP. TPHCM thu hút đầu tư nước ngoài đạt 7,07 tỷ USD (tăng 7% so với cùng kỳ). Hoạt động thu ngân sách Nhà nước dù giao chỉ tiêu cao nhưng cũng có nhiều nỗ lực, đạt 98,1% dự toán (tăng 7,14% so cùng kỳ).
Năm 2018, ngành nông nghiệp của TPHCM đạt giá trị sản xuất hơn 20.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của TPHCM năm qua. Ảnh: VIỆT DŨNG
Những kết quả đạt được của năm 2018 sẽ là cơ sở để thành phố bước vào năm 2019, đây là thời cơ tăng tốc thực hiện quyết liệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X nhằm đạt kết quả tốt nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI.
3. Diễn đàn kinh tế TPHCM 2018
Năm 2018 lần đầu tiên TPHCM tổ chức diễn đàn kinh tế TPHCM 2018 (vào ngày 23-11) với chủ đề “Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp”. Diễn đàn thu hút hơn 800 học giả, chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, doanh nhân trong nước và quốc tế tham gia.
Từ đó, TPHCM thu hoạch được nhiều bài học quan trọng, đặc biệt từ việc quản lý phát triển các thành phố sáng tạo, khu đô thị sáng tạo tại 6 quốc gia (Nhật Bản, Phần Lan, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và Israel).
Diễn đàn thực sự là tiếng nói góp phần cho chính quyền thành phố cùng cộng đồng doanh nghiệp nhằm biến ý tưởng thành những kết quả thiết thực và cụ thể, phát huy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, xây dựng thành công đô thị thông minh, đô thị sáng tạo…giúp TPHCM nhanh chóng bắt kịp và hòa mình vào nhịp điệu phát triển chung của khu vực và thế giới.
4. TPHCM đón 7,5 triệu lượt khách quốc tế
Năm 2018, TPHCM tiếp tục tập trung đầu tư phát triển ngành du lịch theo đúng định hướng bằng nhiều giải pháp hiệu quả. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Các sản phẩm du lịch của thành phố ngày càng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa loại hình (du lịch MICE, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch mua sắm, du lịch ẩm thực, du lịch sinh thái - nông nghiệp, du lịch y tế...).
Các sự kiện thường niên được tập trung nâng chất với mong muốn thu hút thêm nhiều du khách đến với thành phố. TPHCM cũng tiếp tục thực hiện tốt công tác xã hội hóa các sự kiện như Liên hoan Ẩm thực Đất Phương Nam, Lễ hội Trái cây Nam Bộ, Giải Marathon quốc tế…
2018 là một năm thành công của ngành du lịch TPHCM, khi đón 7,5 triệu du khách quốc tế, chiếm 50% tổng lượng khách quốc tế của cả nước. Ảnh: VIỆT DŨNG
Hoạt động xúc tiến du lịch ngoài nước được kết hợp với nhiều nội dung, hoạt động gắn với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và các buổi thăm, làm việc giữa lãnh đạo TPHCM với các địa phương của các nước...
Những hoạt động tích cực đã đem lại hiệu quả thiết thực, TPHCM đã đón 7,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng hơn 18% so với cùng kỳ), chiếm khoảng 50% tổng lượng khách quốc tế của cả nước.
TPHCM cũng thuộc “Top 10 điểm đến châu Á tuyệt vời” theo Tạp chí Lonely Planet bình chọn, “Top 25 điểm đến hấp dẫn châu Á” theo trang du lịch nổi tiếng Trip Advisor bình chọn.
5. TPHCM - Hành trình hướng đến đô thị thông minh
Hòa chung với cuộc cách mạnh 4.0, TPHCM triển khai đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2025”, xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông trên nền tảng phát triển kinh tế số và kinh tế tri thức, xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử TPHCM…
Các nội dung kế hoạch được triển khai khẩn trương, đảm bảo tiến độ. Trong đó, TPHCM cũng hoàn thành đề án thành lập Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin thành phố (trong việc xây dựng Trung tâm an toàn thông tin TPHCM); hoàn thành dự thảo đề án thành lập Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế xã hội của TPHCM...
Trung tâm điều hành giao thông thông minh, một sản phẩm cụ thể của đề án xây dựng đô thị thông minh mà TPHCM đang tập trung thực hiện. Ảnh: VIỆT DŨNG
TPHCM công bố kiến trúc Chính quyền điện tử TPHCM được xây dựng dựa trên 4 kiến trúc thành phần cơ bản là nghiệp vụ, dữ liệu, ứng dụng và công nghệ theo nguyên tắc linh động, có khả năng mở rộng và thực tiễn.
Với những nội dung triển khai thực hiện trong năm 2018, thành phố thực sự đã có những bước khởi đầu mạnh mẽ trong hành trình hướng đến đô thị thông minh.
6. Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Từ tháng 12-2017, TPHCM đã tổ chức nhiều chương trình quy mô lớn kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968 - 2018). Cùng với đó là các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; tuyên truyền cổ động và triển lãm hình ảnh, hiện vật tại các bảo tàng, nhà triển lãm trên địa bàn thành phố; biểu diễn văn nghệ tại trung tâm văn hóa 24 quận huyện của thành phố.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thắp hương các Anh hùng Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Di tích Lịch sử Quốc gia “Cơ sở giấu vũ khí của Biệt động thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968”, nhân Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nửa thế kỷ đã đi qua nhưng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của ý chí quyết tâm sắt đá, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta để giành độc lập, tự do.
7. Hoàn thành trước thời hạn 2 năm mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo giai đoạn 2016-2020
Cuối năm 2015, UBND TP ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo của thành phố áp dụng giai đoạn 2016-2020 với tiêu chí thu nhập cao gấp 1,95 lần chuẩn nghèo quốc gia và tiêu chí đa chiều phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và đặc điểm dân cư thành phố.
Cả hệ thống chính trị của thành phố cùng chung tay thực hiện giảm nghèo; huy động hiệu quả nguồn lực của các tầng lớp xã hội, của các thành phần kinh tế trên địa bàn, nguồn vốn ưu đãi tập trung hỗ trợ cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vừa vượt chuẩn cận nghèo đạt trên 3.000 tỷ đồng. Trong 3 năm, gần 100.000 lượt hộ/dự án được hỗ trợ vay vốn để có điều kiện sản xuất làm ăn, nâng cao thu nhập, vượt nghèo...
Kết thúc năm 2018, công tác giảm nghèo đã đạt mốc quan trọng khi trong giai đoạn năm 2016-2018 có hơn 59.600 hộ nghèo vượt chuẩn nghèo và hơn 58.300 hộ cận nghèo vượt chuẩn cận nghèo. TPHCM hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016-2020 trước thời hạn 2 năm.
Từ kết quả trên, TPHCM điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo thành phố giai đoạn 2019-2020. Theo đó tiêu chí thu nhập hộ nghèo bình quân 28 triệu đồng/người/năm trở xuống và mức chuẩn hộ cận nghèo có thu nhập trên 28 triệu đồng đến 36 triệu đồng/người/năm.
Như vậy, công tác giảm nghèo của thành phố bước sang chặng đường mới với mục tiêu cao hơn, khó khăn hơn nhưng để ngày càng nâng cao chất lượng đời sống người dân thành phố.
8. Giải thưởng sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh
Trong những năm qua, TPHCM đã phát động và triển khai các phong trào sáng tạo và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, tiềm năng nghiên cứu sáng tạo, đổi mới của thành phố còn rất lớn.
Nhằm phát huy tiềm năng ấy, TPHCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo”.
TPHCM đã chính thức phát động Giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2018 (lần thứ nhất), nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo từ mọi tầng lớp nhân dân của TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đây là giải thưởng được tổ chức 2 năm 1 lần nhằm để tôn vinh các tập thể, cá nhân ở 7 nhóm lĩnh vực: kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; tác phẩm, sáng tác của văn nghệ sĩ; cải cách hành chính; các sản phẩm truyền thông sáng tạo; các giải pháp, mô hình triển khai thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các mô hình khởi nghiệp sáng tạo có hiệu quả cao; các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản mới, trình độ quốc gia.
Giải thưởng cũng nhằm thu hút sự tham gia của nhiều tập thể, cá nhân ưu tú trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, qua đó, đem lại những kết quả, giải pháp tối ưu, có tính khả thi cao để ứng dụng vào thực tế, góp phần tạo ra những thành quả mới cho sự tăng trưởng bền vững của thành phố, sớm đưa thành phố trở thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh - hiện đại - nghĩa tình.
9. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên toàn địa bàn
Trong năm 2018, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp. Tại TPHCM, các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá, kích động kêu gọi tuần hành biểu tình, bạo loạn (lợi dụng việc Quốc hội thảo luận các dự thảo Luật như Luật an ninh mạng, Luật Đặc khu...); các tổ chức phản động lưu vong, gây rối kết hợp khủng bố, phá hoại…
Lãnh đạo TPHCM đã nhạy bén nắm bắt những vấn đề trọng yếu, chủ động chỉ đạo giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề có liên quan đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; huy động cả hệ thống chính trị thành phố tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.
Lãnh đạo thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm. Từ đó, phạm pháp hình sự tiếp tục được kéo giảm và là năm thứ tư liên tiếp kéo giảm tội phạm, nhiều chuyên án ma túy đã thực hiện thành công, thu giữ khối lượng lớn ma túy tổng hợp…
CSGT TPHCM tham gia giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Ảnh: VIỆT DŨNG
10. Chương trình giao lưu văn hóa - thương mại các nước ASEAN
Từ ngày 18 đến ngày 22-4-2018, UBND TP tổ chức Chương trình giao lưu văn hóa - thương mại các nước ASEAN 2018 với chủ đề “Vì một Cộng đồng kinh tế ASEAN phát triển và thịnh vượng”.
Đây là sự kiện tiếp nối thành công chuỗi các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm 50 năm thành lập khối ASEAN, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước ASEAN và các đối tác quốc tế, đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các quốc gia khác.
Chương trình đã diễn ra thành công với sự tham gia của hơn 150 gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam và các nước thành viên ASEAN hoạt động trên các lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện tử, thủ công mỹ nghệ, du lịch, hóa mỹ phẩm, trang sức, thực phẩm, nông sản...
Ngoài ra, chương trình còn có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, biểu diễn các loại hình nghệ thuật, môn thể thao và võ thuật truyền thống của các quốc gia ASEAN, biểu diễn ẩm thực dân gian các nước, góc giao lưu sách và giới thiệu nền văn học ASEAN...
Sau thành công của chương trình, TPHCM chấp thuận chủ trương đổi tên gọi thành “Chương trình giao lưu văn hóa - thương mại Quốc tế năm 2018”, mở rộng đối tượng tham gia. Qua đó, góp phần thúc đẩy vai trò chủ động, tích cực của TPHCM trong hội nhập kinh tế quốc tế, là hạt nhân gắn kết bạn bè thế giới đến du lịch, sinh sống và làm việc, xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: KIỀU PHONG
Mục tiêu của việc công bố 10 sự kiện này nhằm có sự động viên để có động lực, cống hiến cho TPHCM phát triển.
Nguồn: sggp.org.vn