Hình minh họa
Hai dự án gần 5.000 tỷ tại Hải Phòng sẽ vận hành trong năm nay
Trung tâm chính trị - hành chính được xây dựng tại khu đô thị Bắc sông Cấm, TP.Thủy Nguyên, có tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng với diện tích hơn 29.000m2 và tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 89.500m2.
Quy mô dự án bao gồm 14 khối nhà được thiết kế đối xứng theo hai trục Bắc - Nam và Đông - Tây, nổi bật với hai khối nhà 15 tầng cao tối đa 74,4m. Dự kiến, đến tháng 5/2025 khi hoàn thành, các cơ quan đầu não của thành phố, bao gồm Thành ủy, HĐND và UBND Hải Phòng, sẽ chính thức chuyển về Trung tâm chính trị - hành chính này để làm việc.
Ngay cạnh Trung tâm chính trị - hành chính là Trung tâm hội nghị - biểu diễn với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng. Công trình được xây dựng trên diện tích gần 50.000m2, bao gồm 3 tầng nổi và 1 tầng hầm, đáp ứng quy mô 1.500 chỗ ngồi.
Công trình được thiết kế với các tiện ích đồng bộ, gồm hệ thống giao thông nội bộ và bãi đỗ xe; sân vườn, cây xanh, cảnh quan và mặt nước; các lối lên xuống tầng hầm, thang thoát hiểm, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện ngoài nhà và chiếu sáng; hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, đáp ứng các yêu cầu tổ chức sự kiện lớn và hội nghị quốc tế.
Khu công nghiệp 7.850 tỷ vừa được phê duyệt đầu tư tại Thành phố Trực thuộc Trung ương ở khu vực ĐBSCL
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1707/QĐ-TTg chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2), thành phố Cần Thơ.
Theo đó, Phó Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2), thành phố Cần Thơ; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ.
Quy mô diện tích của dự án là 540,58 ha. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Vĩnh Trinh và xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Vốn đầu tư của dự án là 7.850 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 1.177,5 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan. Các Bộ có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ và các cơ quan có liên quan theo dõi, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án, đảm bảo phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Việt Nam chính thức có “thành phố trong thành phố” thứ hai trên cả nước
Từ ngày 1/1/2025, huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng) chính thức trở thành TP. Thủy Nguyên. Đây là "thành phố trong thành phố" thứ hai trên cả nước, sau TP Thủ Đức thuộc TP. HCM, đồng thời là mô hình đầu tiên của miền Bắc.
Tại Nghị quyết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị lập TP. Thuỷ Nguyên với 17 phường và 4 xã. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên là 7,27 km2 của phường Đông Hải 1, quận Hải An để nhập vào xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên.
Sau khi điều chỉnh Quận Hải An có diện tích tự nhiên là 97,64 km2 và quy mô dân số là 144.256 người; có 08 phường, gồm: Cát Bi, Đằng Hải, Đằng Lâm, Đông Hải 1, Đông Hải 2, Nam Hải, Thành Tô và Tràng Cát. Phường Đông Hải 1, quận Hải An có diện tích tự nhiên là 2,62 km2 và quy mô dân số là 25.503 người.
Phường Đông Hải 1 giáp các phường Đằng Hải, Đằng Lâm, Đông Hải 2; quận Ngô Quyền và thành phố Thủy Nguyên; Huyện Thủy Nguyên có diện tích tự nhiên là 269,10 km2 và quy mô dân số là 397.570 người; xã Thủy Triều có diện tích tự nhiên là 18,99 km2 và quy mô dân số là 13.901 người.
Thành lập thành phố Thủy Nguyên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 269,10 km2 và quy mô dân số là 397.570 người của huyện Thủy Nguyên sau khi điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Việt Nam có khả năng vượt Singapore về sản lượng hàng hóa qua cảng biển, “siêu cảng” 5,5 tỷ USD là đòn bẩy?
Tại hội nghị tổng kết của Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã đưa ra những chiến lược và giải pháp trong giai đoạn sắp tới để đưa ngành hàng hải Việt Nam ra biển lớn.
Theo ông, sự gia tăng không ngừng về kích thước tàu biển và sản lượng hàng hóa đã tạo áp lực lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng hàng hải của Việt Nam. Hiện nay, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển Việt Nam đã đạt 30 triệu TEU, vượt xa dự báo cách đây 10 năm. Trong khi đó, Singapore – cảng trung chuyển lớn nhất khu vực – đang xử lý khoảng 37 triệu TEU.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, lãnh đạo VIMC tin rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng vượt qua Singapore trong tương lai gần. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay nằm ở vấn đề nạo vét luồng lạch. Theo thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, các dự án nạo vét cần phải được triển khai nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu của các tàu lớn. Tuy nhiên, ngân sách dành cho hoạt động này vẫn còn đang hạn chế và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Đồng thời, các cảng cũng cần áp dụng mô hình “cảng mở”, tích hợp hệ thống hải quan nhằm giảm thời gian thông quan, giúp vận chuyển hàng liên cảng và tăng tính cạnh tranh. Để giải quyết những điểm nghẽn này, VIMC đã tập trung nguồn lực lớn nhất vào các dự án cảng nước sâu mang tính chiến lược.
Hoàng An