Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một cuộc gặp mặt đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam.
Ảnh: Tư liệu
Một trong những nội dung nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo đó là, Người trân trọng những giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo; khai thác điểm tương đồng giữa lý tưởng tôn giáo và chủ nghĩa xã hội nhằm phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Bằng sự uyên bác và tinh tế, Hồ Chí Minh đã nhìn nhận thấu đáo giá trị nhân bản, đạo đức và lý tưởng đẹp của các tôn giáo; đồng thời chắt lọc những giá trị cốt lõi, những điểm tương đồng của các tôn giáo, các học thuyết, trong đó có học thuyết Mác-xít cách mạng và khoa học. Người cho rằng: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo của Chúa Giê-su có ưu điểm là lòng bác ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách “Tam dân” thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê-su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Các vị ấy đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu hạnh phúc chung cho xã hội. Nếu các vị ấy còn sống trên cõi đời này, nếu các vị ấy họp lại một chỗ, tôi tin rằng các vị ấy nhất định sống chung với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiện. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”. Hồ Chí Minh đánh giá cao sự hy sinh của các vị sáng lập ra các tôn giáo vì hạnh phúc của loài người: “Đức Giê-su hy sinh vì muốn loài người được tự do, hạnh phúc”; “Nếu Đức Giê-su sinh ra vào thời đại chúng ta và phải đặt mình trước nỗi khổ đau của người đương thời, chắc Ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi tìm đường cứu khổ cho loài người”; “Đức Phật tổ đại từ, đại bi, cứu khổ cứu nạn. Muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn. Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma”.
Theo Người, giữa lý tưởng tôn giáo và chủ nghĩa xã hội có nhiều điểm tương đồng. Đấu tranh giành độc lập dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân là phù hợp với mục đích của các tôn giáo và các đấng sáng lập ra các tôn giáo. Điều đó cho thấy, Hồ Chí Minh là một nhân cách văn hóa lớn, một bậc vĩ nhân có cả tâm, tầm, trí rộng lớn. Xanh-tơ-ni, đại diện của Chính phủ Pháp ở Việt Nam (năm 1945 - 1947), đã khẳng định: “Về phần tôi, phải nói rằng, chưa bao giờ tôi có cớ để nhận thấy nơi các chương trình của Cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dù rất nhỏ, của sự công kích, đa nghi hoặc chế giễu đối với một tôn giáo bất kỳ nào”.
Có thể khẳng định rằng, giữa tư tưởng Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo có nhiều điểm nhất quán, tương đồng. Ph.Ăngghen đã viết: “Trong lịch sử đạo Cơ Đốc sơ kỳ có những điểm giống đáng lưu ý với phong trào công nhân hiện đại… Cả đạo Cơ Đốc lẫn chủ nghĩa xã hội công nhân đều tuyên truyền sự giải phóng con người trong tương lai khỏi cảnh nô lệ và nghèo khổ”.
Hồ Chí Minh luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào có đạo. Người cho rằng, nhu cầu và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chính đáng, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng nghĩa là tôn trọng nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, là cụ thể hóa quyền tự do, dân chủ về mặt văn hóa tinh thần của nhân dân. Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là một trong những vấn đề cơ bản để thực hiện đoàn kết lương - giáo trong mặt trận đoàn kết dân tộc. Ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới, trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người nói: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết”. Nội dung này trở thành nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt, nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo. Tư tưởng đó được Người tiếp tục khẳng định trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta và trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Năm 1951, trong phát biểu ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng tôi xin nói thêm hai điểm, nói rõ để tránh mọi sự có thể hiểu lầm: Một là vấn đề tôn giáo thì Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người”.
Ngày 14/6/1955, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người đã ký Sắc lệnh số 234/SL của Chính phủ về vấn đề tôn giáo. Chương I của Sắc lệnh: “Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng” và Điều 1 khẳng định: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Mỗi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Theo Hồ Chí Minh, cách mạng và chế độ mới phải quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, trong đó có bộ phận nhân dân theo tôn giáo. Người khẳng định, nếu đồng bào còn tin ở Chúa, Trời, Phật.., thì cách mạng phải có trách nhiệm lo cho đồng bào được tự do, no ấm, bởi “phần xác có no ấm thì phần hồn mới thong dong”. Hồ Chí Minh rất chú trọng đến đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết lương - giáo là một bộ phận của đại đoàn kết toàn dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đoàn kết lương - giáo trên cơ sở đề cao lợi ích dân tộc, động viên khích lệ kịp thời những giáo sĩ, tín đồ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.
Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu