Tiếp theo và hết
(QK7 Online) - Hồ Chí Minh đã làm cuộc cách mạng trong quan niệm về đạo đức, đồng thời đã cống hiến xuất sắc vào nền đạo đức học Mác-xít. Từ quan niệm “Trung, hiếu” theo truyền thống, Hồ Chí Minh đã phát triển, nâng lên một tầm cao mới, đưa vào đó nội dung mới, phản ánh đạo đức cách mạng cao hơn, rộng hơn. Đó là “Trung thành với Đảng, với Tổ quốc, đất nước. Hiếu với ông bà, cha mẹ, với nhân dân, đồng bào mình”, hơn hẳn là trung với vua, hiếu với cha mẹ như quan niệm cũ. Hồ Chí Minh gạt bỏ cái hạn chế cốt lõi nhất trong đạo đức Nho giáo là lòng trung thành tuyệt đối với chế độ phong kiến, mà ông vua là đại diện, theo kiểu “Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung”. Người không chấp nhận lòng trung thành tuyệt đối của nhân dân đối với kẻ áp bức, thống trị mình là giai cấp phong kiến (đại diện tối cao là ông vua) đã lỗi thời, phản động. Theo Người, đó là sự “ngu trung”, cần phải thay đổi, gạt bỏ. Người dạy: “... đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân”; “... tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”; “Đạo đức cách mạng là ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng”. Như vậy, theo Hồ Chí Minh, người cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ quân đội nói riêng phải trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa, với lợi ích của đất nước. Khái niệm “Nước” ở đây đã có sự thay đổi khác trước. Nước là nước của dân chứ không phải là nước của một vị vua như trước. Trong xã hội phong kiến, đạo hiếu chỉ bó hẹp trong khuôn khổ, phạm vi gia đình, cụ thể là với cha mẹ, theo kiểu khắc kỷ, phục lễ: “Phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu”. Nghĩa là, cha bảo con chết, con không chết là bất hiếu. Hồ Chí Minh đã khắc phục, vượt qua những hạn chế đó. Người đã đưa vào đạo “Hiếu” một nội dung mới, rộng lớn hơn hơn trước, đó là “Hiếu với dân”. Khái niệm “Dân” cũng có sự thay đổi, dân là chủ nhân của đất nước, chứ không phải là thần dân, đám con dân của vua như trước. Cán bộ quân đội dù ở cấp bậc cao, hay thấp, ở cương vị nào cũng đều phải cố gắng để xứng đáng là người đầy tớ trung thành và tận tụy của nhân dân. Bởi lẽ, theo Người: “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do nhân dân đẻ ra, vì nhân dân mà chiến đấu”; “Mình đánh giặc là vì nhân dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của nhân dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân”. Người luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ quân đội phải giữ gìn truyền thống Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân. Có thể dùng phép so sánh thú vị là, Hồ Chí Minh lật ngược học thuyết Nho giáo của Khổng Tử như C.Mác lật ngược phép biện chứng duy tâm của Hê-ghen vậy. C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã đặt nền móng và xây dựng đạo đức học Mác-xít, còn gọi là đạo đức học cộng sản. Là học trò xuất sắc của Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh đã đóng góp to lớn vào xây dựng và phát triển nền đạo đức học cộng sản. Đặc biệt là đóng góp về quan niệm, nội dung, vai trò và phương pháp giáo dục đạo đức cộng sản. Đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở tầm cao hơn, phát triển và hoàn thiện hơn so với đạo đức tôn giáo, đạo đức tư sản, phong kiến. Đạo đức phong kiến, tư sản là một thứ đạo đức giả dối. Giai cấp tư sản ở các nước tư bản, đế quốc thường rêu rao về dân chủ, nhân quyền, đạo lý, bác ái, nhưng thực tế lại đi ngược lại những giá trị đó. Họ tiến hành chiến tranh xâm lược, thống trị bóc lột giai cấp và các dân tộc trên thế giới; họ tàn sát người dân vô tội; xúi giục sự ly khai, xung đột vũ trang để “đục nước, béo cò”; hậu thuẫn cho những phần tử phản động chống phá cách mạng... Xã hội tư bản luôn thực thi triết lý sống: “Trả tiền ngay không tình nghĩa”, “cá lớn nuốt cá bé”. Đạo đức tôn giáo mặc dù khuyên con người sống hướng thiện, tu nhân tích đức, từ bi hỷ xả, tránh xấu xa tội lỗi. Tuy nhiên, đạo đức tôn giáo không phải là hoàn mỹ, tuyệt đỉnh của nhân loại, bởi nó nhuốm màu bi lụy, nhẫn nhục chấp nhận thực tại khổ đau, áp bức bóc lột, bất công; chỉ hướng vào tu dưỡng cá nhân, thủ tiêu đấu tranh cách mạng để giải phóng con người, xã hội, giai cấp, dân tộc khỏi các thế lực thống trị bạo tàn; vì vậy, không thể đem lại hạnh phúc thực sự cho nhân dân lao động nơi trần thế.
Đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở tính biện chứng thống nhất giữa xây dựng đạo đức cách mạng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng đạo đức cách mạng, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là làm việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Không “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Chủ nghĩa cá nhân là một loại kẻ địch, “bạn đồng minh” của các kẻ địch khác. Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân rất xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc, nó là một loại vi trùng rất độc, đẻ ra hàng trăm thứ bệnh: tham ô, hủ hoá, lãng phí xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem thường quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, hách dịch... Tóm lại, nó làm tha hoá con người, làm biến chất cán bộ, đảng viên. Chủ nghĩa cá nhân còn là mối nguy hại lớn đối với Đảng, dân tộc. Người chỉ rõ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Từ đó phải kiên quyết quét sạch, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Tác phẩm đã chỉ rõ những biểu hiện và hậu quả nghiêm trọng của chủ nghĩa cá nhân, đồng thời xác định biện pháp đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.
Theo Hồ Chí Minh, con đường hình thành đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên là phải rèn luyện bền bỉ suốt đời, thông qua hoạt động thực tiễn cách mạng. Người viết: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Người luôn đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên lời nói và việc làm phải nhất quán với nhau, phải thực sự là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, thì quần chúng mới tin tưởng, noi theo. Hồ Chí Minh là hiện thân mẫu mực về vấn đề này. Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp rất gian khổ, Người khởi xướng thành lập “hũ gạo nuôi quân” và đã gương mẫu thực hiện nhịn ăn mỗi tuần một bữa để dành gạo nuôi quân. Người khuyên cán bộ phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thì chính Người là tấm gương sáng về đức tính đó. Người kêu gọi nhân dân chống hạn, úng, đồng thời trực tiếp tham gia cùng nhân dân tát nước chống hạn ở Hà Đông và chống lụt ở Hải Dương.
Đạo đức cách mạng là cái gốc, là nền tảng phẩm chất của cán bộ, đảng viên và là cơ sở, điều kiện quan trọng để cán bộ, đảng viên làm tròn nhiệm vụ của mình. Nghiên cứu, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng về đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là việc làm hệ trọng, thường xuyên và cấp bách hiện nay. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hiện nay là một trong những nội dung, biện pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Đại tá Nguyễn Công Sơn
Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7