Ngày 8-3, những liều vaccine Covid-19 AstraZeneca bắt đầu được tiêm tại Việt Nam. Có được vaccine là niềm mơ ước của nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta may mắn và tự hào là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 sớm nhất. Chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 là nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, góp sức trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 ở nước ta.
Những mũi tiêm vaccine đầu tiên
Từ 8 giờ sáng, đồng loạt tại 3 điểm tiêm vaccine ở Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19. Các cán bộ y tế, những người trực tiếp tham gia công tác tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là đối tượng được tiêm đợt này. Đây là đợt tiêm vaccine khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc. Nguồn lực rất lớn của cả nước được triển khai để hướng đến mục tiêu phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.
Với tinh thần của Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), tại các điểm tiêm vaccine đều ưu tiên tiêm trước đối với nhân viên y tế là nữ. Người đầu tiên tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 ở Hải Dương là chị Phạm Thị Tuyết Nhung, 40 tuổi, nhân viên y tế Trung tâm Y tế TP Hải Dương, thuộc tổ lấy mẫu Covid-19 tại cộng đồng. "Trước khi đến tiêm, tôi cũng có chút lo lắng. Nhưng khi thấy công tác chuẩn bị chu đáo cho mọi phương án, trong đó có cả đội cấp cứu cơ động, kịp thời xử lý nếu xảy ra tình huống nên tôi rất yên tâm", chị Phạm Thị Tuyết Nhung chia sẻ. Là nhân viên y tế nên chị Nhung hiểu rõ, khi tiêm bất kỳ vaccine nào vào cơ thể, không loại trừ phản ứng có thể xảy ra, tuy nhiên, vaccine ngừa Covid-19 có vai trò quan trọng trong PCD. Cũng tại Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trực tiếp tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho chị Đỗ Thị Nhài, cán bộ Trạm Y tế phường Tân Hưng (TP Hải Dương).
Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm PCD và tiêm chủng vaccine (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), cho biết: "Trong đợt này, toàn bệnh viện có 420 nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Trong ngày 8-3, bệnh viện tiêm cho 100 nhân viên y tế, chia thành hai buổi. 320 nhân viên còn lại dự kiến sẽ tiêm trong ngày 9-3". “Hiện tại, tâm lý anh em nhân viên y tế rất thoải mái và thấy mình rất vinh dự khi là những người đầu tiên được tiêm vaccine ngừa Covid-19”, bác sĩ Vũ Minh Điền bày tỏ. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là nơi đã điều trị khỏi cho 414 bệnh nhân Covid-19, trong đó có những bệnh nhân rất nặng, tiên lượng xấu. Không chỉ đóng góp tích cực trong việc hoàn thiện phác đồ điều trị Covid-19, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn liên tục chi viện mọi mặt cho những điểm nóng chống dịch, như miền Trung (tháng 7, tháng 8-2020) và Hải Dương (từ ngày 27-1 đến nay).
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trực tiếp tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho chị Đỗ Thị Nhài. Ảnh: TRỌNG HẢI.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện: Dự kiến có khoảng 900 nhân viên y tế của bệnh viện được tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong đợt này. Ngày 8-3, bệnh viện triển khai tiêm vaccine cho 100 bác sĩ, nhân viên y tế là những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Sau đó tùy theo nguồn cung ứng, bệnh viện tiếp tục triển khai tiêm vaccine cho những nhân viên y tế tiếp theo, dự kiến sẽ hoàn tất trong tuần.
Trao đổi với phóng viên, TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, vaccine AstraZeneca ngừa Covid-19 sử dụng tiêm ở Việt Nam đã được cấp phép và sản xuất tại Hàn Quốc. Vaccine đã trải qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm rất khắt khe, bảo đảm an toàn để triển khai tiêm trong chiến dịch này. Vaccine được mua và đặt hàng từ các quốc gia sản xuất, được phê duyệt và đáp ứng yêu cầu của WHO, bảo đảm an toàn cho chiến dịch tiêm chủng. Tính đến nay, đã có 50 quốc gia sử dụng vaccine AstraZeneca. Theo đại diện WHO, vaccine là một công cụ an toàn, hiệu quả, ưu tiên cho đối tượng là nhân viên y tế. Chiến dịch tiêm vaccine ở Việt Nam được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Hướng tới việc chủ động vaccine
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, vaccine ngừa Covid-19 là nỗ lực vượt bậc của các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Đây là một trong những vaccine phát triển, ra đời nhanh nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, do thời gian chưa đủ dài để theo dõi thử nghiệm lâm sàng, cũng như đánh giá hiệu quả của vaccine nên mức độ bảo vệ có thể khác nhau. Vaccine ngừa Covid-19 là vaccine mới nên không thể tránh khỏi những phản ứng sau tiêm. Vì vậy, chúng ta phải triển khai thận trọng. Hiện, Bộ Y tế đã gửi vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca tới 13 tỉnh, thành phố vừa có dịch và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Bộ đã phân bổ cụ thể số lượng cho từng đơn vị và các đơn vị phải chủ động xây dựng kế hoạch, đồng thời sắp xếp theo thứ tự ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ. Bộ Y tế sẽ bảo đảm chuyển vaccine về các địa phương và các địa phương tiếp nhận theo quy trình, sau đó triển khai theo kế hoạch đã phê duyệt. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ trong trường hợp cần thiết, đánh giá, theo dõi quá trình trước, trong và sau tiêm vaccine.
Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, vaccine được coi là liều thuốc hữu hiệu trong cuộc chiến chống đại dịch. Trên thế giới, cuộc chạy đua nghiên cứu, sản xuất vaccine đang ở giai đoạn gấp rút. Tuy nhiên, hiện các nhà sản xuất vaccine trên thế giới chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân nên việc nghiên cứu vaccine trong nước vẫn là biện pháp căn cơ, nội lực. Tại Việt Nam, bên cạnh việc nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19, các công đoạn nghiên cứu, thử nghiệm vaccine trong nước đang diễn ra khẩn trương để bảo đảm an ninh y tế vaccine. "Không có vaccine nào an toàn 100% và không có vaccine nào có tác dụng phòng bệnh 100%. Do vậy, muốn bảo vệ xã hội khỏi nguy cơ nhiễm Covid-19, đồng thời với tiêm chủng chúng ta cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế). Tôi tin tưởng rằng, thực hiện tốt những điều này chúng ta nhất định sẽ chặn đứng được Covid-19", GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.
Liên quan đến thông tin hiện tại nhiều tổ chức, cá nhân có mong muốn tự mua vaccine về tiêm cho nhân viên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: "Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia PCD Covid-19 hoan nghênh sự tham gia và hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chung tay cùng Bộ Y tế trong công cuộc PCD Covid-19, trong đó có vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, nhập vaccine nào, tiêm ra sao thì nhất định phải có sự đồng ý của Bộ Y tế để xem xét những loại vaccine nào có đủ tiêu chuẩn và an toàn cho người được tiêm. Bộ Y tế có thể sẽ đưa ra khung tiêu chuẩn giao các đơn vị chuyên môn xem xét, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu nhập vaccine".
Diệp Châu
Nguồn: qdnd.vn