Trước hết, nhu cầu lớn đối với senior housing được hỗ trợ bởi sự thay đổi nhân khẩu học nhanh chóng tại Việt Nam, với tỷ lệ dân số cao tuổi dự kiến sẽ tăng đáng kể trong những năm tới. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) của Việt Nam chiếm 13% dân số nhưng được dự báo sẽ đạt 17% vào năm 2030 và ở mức báo động 25% vào năm 2050. Sự dịch chuyển nhân khẩu học này thể hiện nhu cầu thị trường rất lớn cho các mô hình nhà ở phục vụ nhu cầu đặc biệt của người cao tuổi.
Thu nhập tăng và lối sống thay đổi là những yếu tố khác thúc đẩy tăng trưởng của thị trường senior housing. Việt Nam đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, dẫn đến thu nhập khả dụng tăng lên, đặc biệt là với tầng lớp trung lưu. Khi người cao tuổi trở nên độc lập hơn về tài chính và cởi mở hơn, họ tìm cách sắp xếp cuộc sống theo hướng dịch vụ. Phân khúc dân số ngày càng tăng này sẵn sàng đầu tư vào các lựa chọn nhà ở cao cấp nhằm mang lại lối sống trọn vẹn thông qua các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp, tiện nghi giải trí và các hoạt động xã hội. Hơn nữa, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng là mối quan tâm hàng đầu của cả người cao tuổi và gia đình họ. Vì vậy, đầu tư vào các khu dân cư cao cấp có cơ sở y tế tại chỗ hoặc gần bệnh viện, phòng khám là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trên thị trường.
Tuy nhiên, nguồn cung senior housing tại Việt Nam có chất lượng cao còn hạn chế. Nhà ở cho người cao tuổi ở Việt Nam chủ yếu bao gồm viện dưỡng lão và một số cơ sở hỗ trợ sinh hoạt khác. Tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, chỉ có khoảng 30 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, hầu hết hoạt động từ thiện để hỗ trợ người vô gia cư không có gia đình. Ở một thị trường đang phát triển như Việt Nam, nơi cung thường dẫn đến cầu, những nhà phát triển và đầu tư đi đầu sẽ có cơ hội lớn để giới thiệu các sản phẩm chất lượng cao vào thị trường.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã có một số dấu hiệu tích cực trên thị trường senior housing ở Việt Nam. Các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã bắt đầu nhận ra tiềm năng và tìm kiếm cơ hội phát triển các dự án senior housing. Tuy nhiên, mặc dù thị trường này có tiềm năng mạnh mẽ nhưng cũng đối mặt với nhiều trở ngại. Một trong những thách thức chính là quan niệm truyền thống về việc người già luôn được con cái chăm sóc. Việc thuyết phục người già và con cháu họ coi nhà ở dành cho người cao tuổi là một giải pháp thay thế sẽ đòi hỏi phải vượt qua các rào cản văn hóa và thay đổi tư duy.
Để khai thác toàn bộ tiềm năng của thị trường senior housing tại Việt Nam, điều cần thiết là phải thu hút đầu tư và nâng cao nhận thức về lợi ích cũng như tầm quan trọng của nhà ở chuyên biệt dành cho người cao tuổi. Để làm được điều này, các nhà phát triển có thể áp dụng các chiến lược nhằm giáo dục khách hàng tiềm năng và tạo dựng niềm tin bằng cách giới thiệu các mô hình senior housing đã thành công, cũng như tác động tích cực của chúng đối với hạnh phúc của người cao tuổi và gia đình họ. Ngoài ra, sự hợp tác giữa khu vực công và tư, cũng như sự tham gia của các nhà điều hành dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chăm sóc người cao tuổi có kinh nghiệm sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển mạnh mẽ thị trường senior housing ở Việt Nam.
Lam Vy (JLL)