Đến dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên...
Về các định hướng, ưu tiên phát triển của TPHCM theo Quy hoạch, đến năm 2050, TPHCM trở thành đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TPHCM và vùng Đông Nam Bộ; cực tăng trưởng của cả nước. Quy hoạch xác định 2 hành lang; 3 tiểu vùng; 9 trục không gian chủ đạo và 1 trục không gian ven biển; cấu trúc không gian đa trung tâm. Trong đó, 2 hành lang gồm: Hành lang quốc giai đoạn đi qua TPHCM và hành lang vùng sông Đồng Nai - Sài Gòn - Thị Vải - Soài Rạp; 3 tiểu vùng gồm: Tiểu vùng khu vực đô thị trung tâm; tiểu vùng thành phố Thủ Đức; tiểu vùng khu vực ngoại thành; 9 trục không gian chủ đạo gồm 4 trục Đông - Tây và 5 trục Bắc - Nam; 1 trục không gian ven biển phía Nam từ Tiền Giang qua Cần Giờ, TPHCM đến Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai.
Theo Quy hoạch, TPHCM hình thành và phát triển cấu trúc không gian đa trung tâm, trong đó khu vực đô thị trung tâm (16 quận nội thành) giữ vai trò là hạt nhân, đầu não và động lực tăng trưởng của toàn Thành phố; thành phố Thủ Đức trực thuộc TPHCM, giữ vai trò là cực tăng trưởng mới; sắp xếp khu vực ngoại thành (5 huyện) trên cơ sở hình thành 5 đô thị vệ tinh đến năm 2030 và 4 đô thị vệ tinh tầm nhìn đến năm 2050, là những đô thị trực thuộc Thành phố.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện Quy hoạch TPHCM là nhiệm vụ không chỉ của TPHCM, mà là nhiệm vụ chung của cả Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong vùng. Ảnh: Trung tâm báo chí TPHCM
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội mới, giá trị mới, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng.
Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu của TPHCM trong phòng chống và khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục niềm tin của người dân và doanh nghiệp với Thành phố; tăng trưởng GRDP năm 2024 cao hơn trung bình cả nước, thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% thu ngân sách cả nước.
Theo Thủ tướng, quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho sự phát triển, giúp phát triển đúng hướng nhanh, bền vững, toàn diện; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả các không gian: Mặt đất, mặt nước - biển, không gian ngầm và bảo vệ môi trường; quy hoạch phải có tư duy đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể, bao trùm, toàn diện; quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời phải đảm bảo tính lớp lang, hệ thống, khoa học, từng bước thực hiện hiệu quả; có nhà tư vấn tốt mới có quy hoạch tốt, có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới thực hiện đầu tư tốt...
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung tâm báo chí TPHCM
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hội nghị đánh dấu một bước quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ, chiến lược, giải pháp đột phá; tạo ra một động lực mới thúc đẩy phát triển và khẳng định vai trò đầu tàu của TP.HCM, góp phần quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng để TP.HCM cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chủ tịch UBND TPHCM nêu khái quát các mục tiêu, định hướng của TP theo Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó đến năm 2050, TP.HCM sẽ là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng Đông Nam Bộ; cực tăng trưởng của cả nước.
Về mục tiêu cụ thể đến năm 2030, TP phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5 - 9,0%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385 - 405 triệu đồng, tương đương 14.800 - 15.400 USD; tỷ trọng bình quân trong GRDP của khu vực dịch vụ trên 60%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 27%…
Về xã hội, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là 7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 89%. Về quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Về nguồn lực thực hiện, TPHCM dự kiến nhu cầu vốn đầu tư phát triển năm 2025 khoảng hơn 620.000 tỷ đồng. Trong đó vốn từ ngân sách khoảng 120.000 tỷ, huy động các nguồn vốn xã hội khoảng 500.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 – 2030, dự ước huy động là trên 4,4 triệu tỷ, trong đó vốn từ ngân sách là 1,1 triệu tỷ, cần huy động các nguồn vốn xã hội trên 3,3 triệu tỷ đồng.
Trong đó, các dự án trọng tâm trong kỳ Quy hoạch như: Xây dựng đường cao tốc TP.HCM-Mộc Bài; Đường vành đai đô thị: vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4; các cầu lớn gồm cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Đồng Nai 2, Phú Mỹ 2; Đường sắt: Thủ Thiêm-Long Thành, TP.HCM - Cần Thơ; Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; khu đô thị Thủ Thiêm, Bình Quới - Thanh Đa, Trường Thọ, Hiệp Phước, đô thị lấn biển Cần Giờ…