(QK7 Online) - Đồng chí Trần Mân sinh ngày 1-1-1927, tại xã Tân An Hội quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay là huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh). Đồng chí Trần Mân sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than, khổ cực dưới ách thống trị của bọn tay sai, thực dân, phong kiến. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, đồng chí sớm ý thức trách nhiệm của người thanh niên đối với Tổ quốc. Ngọn lửa Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã soi sáng con đường và cũng chính ngày ấy đồng chí quyết định tham gia cách mạng.
Thiếu tướng Trần Mân
Từ năm 1945 đến năm 1946, đồng chí gia nhập Đội Thanh niên Cứu quốc, Công an quận Hóc Môn. Từ năm 1946 đến năm 1950, đồng chí nhập ngũ, là chiến sĩ, rồi Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 2750, Tiểu đoàn 917 và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (1948). Từ năm 1950 đến năm 1951, đồng chí là học viên Trường Đào tạo cán bộ Phân khu miền Đông. Những năm từ 1951 đến 1954, đồng chí lần lượt giữ các chức vụ từ Trung đội phó đến Đại đội phó bộ đội địa phương Thủ Đức.
Kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, thi hành Hiệp định Giơnevơ, đồng chí cùng nhiều con em miền Nam tập kết ra miền Bắc. Từ năm 1954 đến năm 1957, đồng chí là Đại đội phó Đại đội 11, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 3, Sư đoàn 330. Từ năm 1957 đến năm 1960, đồng chí giữ các nhiệm vụ: Trợ lý Pháo binh, Đại đội trưởng Đại đội pháo binh, Sư đoàn 330.
Đến năm 1961, đồng chí hành quân vào chiến trường miền Nam chiến đấu, đảm nhiệm chức vụ Tiểu đoàn phó, rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 35 pháo binh Miền. Năm 1965, đồng chí là Tiểu đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Ban Pháo binh Sư đoàn bộ binh 5. Từ năm 1966, đồng chí nhận nhiệm vụ Tham mưu phó Đoàn 10 Rừng Sác. Từ năm 1967 đến năm 1968, đồng chí là Tham mưu phó Phân khu 4. Từ năm 1968 đến năm 1969, đồng chí giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, Phân khu 4. Năm 1969, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh phó Phân khu 4. Năm 1970, đồng chí là Tham mưu trưởng Phân khu 1. Những năm từ 1971 đến 1974, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Tham mưu phó Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Từ năm 1974 đến năm 1975, đồng chí nhận nhiệm vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh thành phố Sài Gòn - Gia Định.
Tháng 8-1975, đồng chí giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh thành phố Sài Gòn - Gia Định (từ tháng 7-1976 đổi là Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh). Từ năm 1978 đến năm 1979, đồng chí được cử đi học tại Học viện Quân sự Cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng). Sau khi học xong (3-1979), đồng chí nhận nhiệm vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn 317 làm nhiệm vụ quốc tế cao cả tại Campuchia. Từ năm 1982, đồng chí giữ trách nhiệm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Thành phố Hồ Chí Minh. Với những nỗ lực không ngừng phấn đấu trong Quân đội, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước thăng quân hàm Thiếu tướng vào tháng 12-1985. Đến tháng 1-1992, đồng chí được tổ chức cho nghỉ công tác để điều trị căn bệnh hiểm nghèo.
Qua gần 70 năm hoạt động cách mạng và trên các cương vị lãnh đạo chỉ huy, đồng chí đã đóng góp rất lớn cho sự trưởng thành của Quân đội nói chung và lực lượng vũ trang Quân khu 7, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) nói riêng. Cuộc đời của đồng chí luôn gắn liền với những trận đánh lớn, các chiến dịch của miền Đông Nam Bộ và Phân khu 4 lúc bấy giờ, từ những năm 1967 cho đến kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975.
Dù trải qua thực tế chiến đấu trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược hay trên các cương vị chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Thiếu tướng Trần Mân luôn luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng vì mục tiêu lý tưởng, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Quân đội. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn giữ được lòng trung thành của người Cộng sản liêm chính, người cán bộ đảng viên mẫu mực, người quân nhân cách mạng, một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Trong công tác, đồng chí luôn thể hiện tinh thần cần mẫn, tận tụy, sâu sát với công việc, trong cuộc sống đồng chí là tấm gương mẫu mực về phẩm chất, đạo đức, lối sống của người cán bộ cách mạng, khiêm tốn, giản dị, gần gũi mọi người, được đồng chí, đồng đội, anh em, bạn bè tin cậy, quý mến. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: 2 Huân chương Độc lập hạng Nhì, Ba; Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng; 3 Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Ăngco do Nhà nước Campuchia trao tặng; Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Hà Vi