Chủng vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện lưu hành gây bệnh tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong cả nước hiện nay là chủng vi rút Delta, có tốc độ lây lan rất nhanh được khẳng định là chủng vi rút siêu lây nhiễm. Vì vậy, để nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh chúng ta cần có nhiều giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành và đặc biệt là từng cơ quan, đơn vị.
Đầu tiên và cơ bản nhất là thông điệp "5K". Cần hiểu thật rõ và sâu sắc thông điệp này, bởi vì nếu chỉ nghe và biết 5 vấn đề của thông điệp này qua tờ rơi, pano, áp phích thì chưa đủ mà phải thực hành từng ngày, từng giờ, từng phút thậm chí là từng giây. Có như vậy mới có thể dự phòng một cách hiệu quả việc lây nhiễm vi rút từ người này sang người khác ở mọi lúc mọi nơi.
Sử dụng "khẩu trang" cho đúng cách, trong quá trình mang khẩu trang không được vô thức cầm nắm hoặc sờ bên ngoài, không được nắn khẩu trang kéo lên kéo xuống và đặc biệt khi tháo bỏ khẩu trang phải đúng cách, bỏ đúng nơi quy định và sát khuẩn tay nhanh, hoặc nếu các loại khẩu trang theo qui định được sử dụng lại, cần ngâm giặt và phơi dưới ánh nắng đầy đủ.
Việc "khử khuẩn" phải được chú ý ở từng vị trí cần được làm sạch. Vệ sinh tay được yêu cầu thường xuyên và sau mỗi động tác có nguy cơ nhiễm bẩn bằng việc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay nhanh hoặc nước sạch với xà phòng. Các vị trí mặt bàn, ghế, tay nắm cửa hoặc các vật dụng khác thường xuyên phải cầm nắm hàng ngày, cần được lau sạch bằng dung dịch khử khuẩn. Vấn đề khử khuẩn môi trường bằng dung dịch cloramin B hiện nay không được khuyến khích, tuy nhiên nếu trong các không gian kín có người nhiễm SARS-CoV2 cần được phun khử khuẩn 1 lần trước khi sử dụng lại.
![](/fileman/Uploads/vwtbNews_QuanLyTin/24627/thumb/bac-si-theo-doi-than-nhiet-benh-nhan.jpg)
Theo dõi sức khỏe bệnh nhân nhiễm Covid-19
"Không tập trung", là không được tụ tập đông người trong một không gian đặc biệt là không gian kín, càng đông người thì nguy cơ lây nhiễm cộng đồng càng cao, tùy theo mức độ dịch, các cấp có thẩm quyền sẽ qui định không tụ tập quá 30 người, 20 người, 10 người hay chỉ 2 người...
"Khai báo y tế" là công việc thường xuyên hàng ngày cần phải được chú ý mỗi tối trước khi nghỉ ngơi, để rà soát lại xem ngày hôm đó mình đã đi đâu, làm gì và gặp gỡ ai. tất cả những dữ kiện đó sẽ giúp cho việc phát hiện kịp thời nguy cơ lây nhiễm bệnh và quá trình truy vết nhanh chóng, chính xác nhằm hạn chế tối đa dịch lây lan trong cộng đồng.
Ngoài thông điệp "5K", khi dịch bệnh bùng phát, tất cả chúng ta cần bình tĩnh, tự tin, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", không hoang mang dao động, không nôn nóng và duy ý chí, cần phải linh hoạt, mềm dẻo tùy theo tình hình dịch bệnh trên cơ sở "khoa học quân sự" để có những quyết định nhanh chóng và chính xác, cấp độ cần cao hơn một mức để dự phòng các tình huống chúng ta chưa kiểm soát chặt chẽ.
Để nhanh chóng kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh tiến tới dập dịch trong khoảng thời gian sớm nhất, cần thực hiện đồng bộ, khẩn trương và liên tục 6 bước như sau:
- Bước 1: Phát hiện kịp thời, sớm các trường hợp nghi nhiễm và các nguy cơ nhiễm bệnh, dựa vào: kiểm soát khai báo y tế; theo dõi, giám sát sức khỏe hàng ngày của cán bộ, chiến sỹ, nhân viên.
- Bước 2: Truy vết thần tốc. Căn cứ vào tờ khai báo y tế, vào sự đánh giá tình hình, các dữ liệu hiện có để tìm ra những cá nhân liên quan nhân quả với nhau để xác định rõ F1, F2, F3 trong thời gian nhanh nhất có thể.
- Bước 3: Đồng thời với việc truy vết, cần tiến hành "khoanh vùng chính xác" để kiểm soát mọi hoạt động trong khu vực nguy cơ, thực hiện ngay việc giãn cách hay phong tỏa tùy theo mức độ.
- Bước 4: "Cách ly nghiêm ngặt" là công việc đòi hỏi ý thức của cộng đồng, khi đã được thông báo thuộc diện cách ly, thì phải đảm bảo người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, tổ cách ly với tổ, phường cách ly với phường... Có như vậy mới không làm dịch bệnh tiếp tục lây lan.
Bước 5: "Xét nghiệm phù hợp". Cần phải có tư duy thật khoa học và áp dụng nghệ thuật quân sự vào các quyết định xét nghiệm, đâu là du kích?, đâu là tổng lực?, đâu là tấn công?, đâu là phòng ngự? đâu là test nhanh?, đâu là test Realtime-PCR?,đối tượng xét nghiệm (XN) mẫu đơn, mẫu gộp? phương án giải gộp? và khoảng cách giữa các lần xét nhiệm là bao lâu?...Tất cả đều phải phù hợp với sự khảo sát, đánh giá tình hình thật chi tiết, nguồn lực tại chỗ và nguồn lực hỗ trợ, nhằm tránh hao tổn quá nhiều nguồn lực và đôi lúc làm nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh chóng khó kiểm soát. Do việc xét nghiệm diện rộng, không có trọng tâm, trọng điểm phù hợp, sẽ có thể dẫn đến kéo dài thời gian có kết quả xét nghiệm, làm giảm ý nghĩa phát hiện sớm F0 của XN và chậm thời cơ, hạn chế hiệu quả trong khoanh vùng, dập dịch.
Bước 6: "Kiểm soát chặt chẽ". Sau 5 bước đã triển khai thì việc kiểm soát chặt chẽ công tác khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm cũng như sự tuân thủ của từng cá nhân là vô cùng quan trọng. Nếu tất cả các biện pháp đã triển khai không được tuân thủ tốt sẽ làm cho dịch bệnh âm ỉ, kéo dài và khó kiểm soát.
Trong quá trình kiểm soát chặt chẽ sẽ tiếp tục phát hiện kịp thời các cá nhân và yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, như thế sẽ tiếp tục các bước khác như là một chuỗi hành động liên tục xoay vòng tạo nên một vòng tròn bao quanh khu vực có dịch bệnh, khống chế và dập dịch hiệu quả.
Giám đốc Bệnh viện 7A Quân khu 7