Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc xanh bao phủ thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày hôm qua (10/2). Thị trường năng lượng và kim loại thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư. Kết phiên, chỉ số MXV-Index tăng hơn 1% lên mức 2.342 điểm - mức cao nhất trong vòng hơn 8 tháng qua.
Phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng kiến sắc xanh phủ kín hầu hết các mặt hàng kim loại sau những thông tin mới nhất về chính sách thuế quan của Mỹ và triển vọng tiêu thụ lạc quan.
Thị trường chứng kiến sắc xanh phủ kín hầu hết các mặt hàng kim loại sau những thông tin mới nhất về chính sách thuế quan của Mỹ
Chốt phiên, giá bạc tăng nhẹ 0,15% lên 32,5 USD/ounce, trong khi bạch kim ghi nhận mức tăng 1,13% lên 1.032 USD/ounce.
Nhóm kim loại cơ bản cũng khởi sắc với đồng COMEX bật lên 2,57%, chạm mức 4,7 USD/pound (tương đương 10.377 USD/tấn). Giá nhôm trên sàn LME tăng 1,16% lên 2.658 USD/tấn, trong khi quặng sắt nhích 0,58%, đạt 107,3 USD/tấn.
Những lo ngại về lạm phát gia tăng tại Mỹ cùng với nguy cơ căng thẳng thương mại leo thang đã khiến nhà đầu tư tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn, từ đây hỗ trợ giá bạc và bạch kim trong phiên giao dịch hôm qua.
Bên cạnh đó, thị trường kim loại cơ bản cũng được hưởng lợi khi quyết định áp thuế 25% lên thép và nhôm nhập khẩu của ông Trump, được công bố vào cuối tuần trước, chính thức có hiệu lực vào ngày 10/2.
Động thái này làm dấy lên lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung tại Mỹ, qua đó đẩy giá nhiều mặt hàng kim loại đi lên. Việc chi phí nhập khẩu tăng buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm nguồn cung trong nước hoặc từ các thị trường khác với mức giá cao hơn, khiến chi phí sản xuất leo thang.
Giá đồng bật tăng nhờ dự báo nhu cầu tích cực trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt. Theo tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới BHP, đến năm 2050, nhu cầu đồng toàn cầu ước tính tăng 70%, đạt 50 triệu tấn/năm. Trong đó, nhu cầu đồng từ ngành chuyển đổi năng lượng sẽ chiếm 23%, tăng từ mức 7% hiện nay, trong khi nhu cầu từ lĩnh vực kỹ thuật số như trung tâm dữ liệu, 5G, AI sẽ tăng từ 1% lên 6%.
Ngoài ra, giá quặng sắt còn được hỗ trợ nhờ dữ liệu về nhu cầu khôi phục sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc.
Các nhà sản xuất dầu Trung Đông đồng loạt điều chỉnh giá dầu
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/2, có tới 4/5 mặt hàng năng lượng đồng loạt tăng giá. Trong đó, giá dầu thế giới bật tăng sau quyết định điều chỉnh giá của các nhà sản xuất Trung Đông.
Theo ghi nhận, giá dầu tăng gần 2% lên mức 72,32 USD/thùng đối với dầu WTI và 75,87 USD/thùng đối với dầu Brent, chấm dứt chuỗi giảm giá kéo dài ba tuần liên tiếp. Động thái này cho thấy thị trường dầu mỏ đã phần nào bỏ qua những lo ngại về tác động từ tuyên bố áp thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Động thái này diễn ra một tuần sau khi ông Trump công bố kế hoạch áp thuế với Canada, Mexico và Trung Quốc, mặc dù sau đó đã tạm hoãn thực thi đối với các nước láng giềng. Chính sách thuế quan mới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng.
Trong khi đó, kể từ ngày 10/2, các biện pháp thuế quan mới của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ đã chính thức có hiệu lực, trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào về vấn đề này.
Các nhà kinh doanh dầu khí đang tìm kiếm sự miễn trừ từ Bắc Kinh đối với việc nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ.
Các nhà sản xuất dầu lớn tại Trung Đông đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá. Cụ thể, Saudi Arabia, Iraq và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã nâng giá bán dầu thô cho khách hàng châu Á trong tháng 3.
Thiên An