Huy động toàn dân chống dịch
Chiều 12-3, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì buổi giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP với thường trực các quận, huyện ủy.
Cùng tham dự có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy.
Hội nghị trực tuyến được tổ chức tại 26 điểm cầu, trong đó có 2 điểm cầu tại TP và 24 quận huyện.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến
Một trong những nội dung được nhấn mạnh tại hội nghị là công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng chí Lê Thanh Liêm thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy trình bày nội dung Chỉ thị 26, ban hành ngày 12-3 về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xác định ở giai đoạn hiện nay, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất, là tiền đề để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và tiến hành Đại hội Đảng các cấp. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch bệnh tại từng đơn vị, địa phương. Huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và toàn dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Quyết tâm kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan, vượt quá khả năng phòng, chống dịch của ngành y tế các quận, huyện và thành phố, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố giao Ban Cán sự Đảng UBND chỉ đạo UBND TP chuẩn bị các kịch bản, phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh bùng phát ở nhiều quy mô khác nhau, đối tượng khác nhau, môi trường khác nhau ở cấp thành phố, hướng dẫn ủy ban nhân dân các quận, huyện xác định các nhiệm vụ tại chỗ và phương án tại chỗ của mình trong các tình huống dịch bệnh khác nhau. Phát huy hiệu quả phương châm 5 tại chỗ, hết sức chủ động, bình tĩnh ứng phó mọi tình huống.
Thực hiện truyền thông kịp thời, chính xác trên diện rộng để mọi người dân, người nước ngoài đang sinh sống tại thành phố nâng cao ý thức tự phòng chống dịch bệnh, tích cực tham gia vào hoạt động bảo vệ sức khoẻ cho cá nhân và cộng đồng. Phát hiện sớm những trường hợp nghi vấn, báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để giám sát, khoanh vùng kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Xem việc tự cách ly và thông báo cho chính quyền địa phương, gia đình, bạn bè, người thân về nguy cơ nhiễm dịch bệnh Covid-19 là trách nhiệm, quy tắc sống cần tuân thủ.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam cả ba con đường: hàng không, đường bộ, đường thủy; trọng tâm là người đến từ vùng có dịch.
Phóng viên tác nghiệp tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chỉ đạo Sở Tài chính đảm bảo kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh, cách ly và kinh phí trang bị khẩu trang miễn phí cho học sinh phổ thông và giáo dục thường xuyên; Sở Công thương làm việc với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, dung dịch rửa tay kháng khuẩn, xà phòng diệt khuẩn đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu của học sinh, cán bộ, công chức và nhân dân thành phố. Tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, tăng giá. Không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, thực hiện bình ổn giá để phục vụ nhân dân.
Bộ Tư lệnh thành phố có phương án triển khai các khu cách ly tập trung, phối hợp Công an thành phố huy động toàn lực lượng, tập huấn, xây dựng các phương án ứng phó với dịch bệnh trong phương án của toàn thành phố khi dịch bệnh lan rộng. Trong trường hợp dịch bệnh được khoanh vùng một địa bàn cụ thể, huy động Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố phối hợp lực lượng vũ trang thành phố kiểm soát địa bàn, khoanh vùng chống dịch, hỗ trợ đảm bảo cuộc sống bình thường của người dân.
Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và truyền thông tập trung chỉ đạo các cơ quan báo chí thành phố tăng cường tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh. Phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Quản lý chặt chẽ mức độ, liều lượng thông tin tuyên truyền, không gây tâm lý “hoang mang" nhưng cũng không tạo tâm lý chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng định hướng. Xử lý nghiêm các hành vi tung tin, bịa đặt gây ảnh hưởng tiêu cực trong phòng, chống dịch bệnh.
Ban Thường vụ Thành Đoàn phát huy tinh thần xung kích, theo sự hướng dẫn của Sở Y tế chủ động xây dựng kế hoạch huy động lực lượng sinh viên năm cuối của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và đội ngũ y, bác sĩ trẻ tuổi của Hội Thầy thuốc trẻ thành phố sẵn sàng tham gia tình nguyện phòng, chống dịch bệnh khi có yêu cầu.
Không để nhân viên y tế và người nhà bị lây nhiễm Covid-19
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho hay, công tác chống dịch Covid-19 ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới khó lường, với nguy cơ cao lây lan trong cộng đồng. Tại TPHCM hiện có 4 ca dương tính, đều là xâm nhập từ bên ngoài, trong đó có 3 ca đã được chữa trị thành công. Trong thời gian qua TP đã thực hiện tốt phương châm 5 tại chỗ, tập trung truyền thông trong cộng đồng, triển khai giám sát, cách ly, điều trị hiệu quả.
TP đã ban hành gần 50 văn bản chỉ đạo, họp thường ngày và khẩn cấp trong những tình huống cần thiết; phát hành 5 triệu cẩm nang hỏi đáp, tờ rơi có cả tiếng Anh, tiếng Hoa phát tận tay hộ dân, triển khai cam kết phòng chống dịch. Nhìn chung qua hoạt động truyền thông, đại bộ phận người dân TP đã nắm được tình hình và hiểu biết phòng chống dịch bệnh.
Đại diện Sở Y tế báo cáo về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tính đến ngày 12-3, TPHCM đã đưa vào hoạt động 30 khu cách ly tập trung với tổng 3.251 giường. Trong đó cấp TP có 6 khu, 2.478 giường, cấp quận huyện có 24 khu, 773 giường. TP cũng dự kiến bổ sung khu cách ly trong giai đoạn tiếp theo, tổng quy mô dự kiến gần 24.000 giường. Đến nay cũng còn 594 trường hợp tiếp tục cách ly tại nhà, nơi cư trú.
Về xét nghiệm tầm soát các trường hợp nghi ngờ, trước đây chỉ Viện Pasteur, nay có thêm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được thực hiện xét nghiệm sàng lọc.
Đồng chí Lê Thanh Liêm đánh giá ưu điểm trong công tác phòng chống dịch ở TP thời gian qua là sự chỉ đạo điều hành rất quyết liệt từ TP đến phường xã thị trấn. HĐND, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể tích cực triển khai các hoạt động giám sát cộng đồng, thông tin tuyên truyền đa dạng, đồng bộ liên tục giúp người dân nắm bắt về dịch bệnh. Công tác giám sát cách ly được thực hiện kịp thời.
Tuy nhiên, thách thức hiện nay là hoạt động giao thương đi lại nhiều giữa TP và các nước, các tỉnh thành dẫn đến nguy cơ xâm nhập từ vùng dịch. TP có dân số, mật độ dân cư cao, học sinh nhiều nên việc kiểm soát khó khăn. Lực lượng lao động, nhập cư từ các tỉnh thành về TP cao, khả năng kiểm dịch từ nội địa rất khó khăn, có thể không đủ triệu chứng, thời gian ủ bệnh dài.
Thời gian tới, TPHCM nhận định tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp. Đáng chú ý, đồng chí Lê Thanh Liêm nhấn mạnh tuyệt đối không để lây nhiễm cho nhân viên y tế trong quá trình chống dịch cũng như người nhà của nhân viên y tế.
Tại hội nghị, các địa phương cũng chia sẻ thêm về một số giải pháp phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt, Bí thư Quận ủy Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường thông tin về kế hoạch quận đang thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội nhằm chia sẻ khó khăn với công nhân, người lao động trên địa bàn trong đợt phòng, chống dịch Covid-19. Trong khi đó, đồng chí Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy quận 1, đề xuất tạm ngưng hoạt động các quán bar, vũ trường và chỉ cho hoạt động trở lại sau khi dịch Covid-19 khả quan hơn.
Đồng chí Trần Văn Thuận, Bí thư Quận ủy quận 2 cho biết, quận đang cách ly 82 trường hợp, trong đó có 41 trường hợp là người nước ngoài. Những trường hợp không hợp tác, quận rất kiên quyết, có thể cưỡng chế cách ly sau khi vận động thuyết phục không được.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện nay tiền ăn của một người cách ly ở TP thực tế chi là 74.000 đồng/người/ngày. Có trường hợp lại yêu cầu thêm cà phê, sữa… thì lên tới gần 100.000 đồng. Nhưng Sở Tài chính chỉ duyệt theo quy định là 57.000 đồng/người/ngày. “Chúng tôi nhận thức rõ quá trình điều hành có những chuyện phải giải quyết mang tính cấp bách, làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho công tác phòng chống dịch”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nói. Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh: Không để nhân viên y tế và các lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19 bị lây nhiễm. Không để nhân viên y tế phải làm việc quá 12 giờ/ngày. |
KIỀU PHONG - MAI HOA
Nguồn: sggp.org.vn