Trước tình trạng cúm gia cầm đang xảy ra tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước, các địa phương khu vực phía Nam cũng đã có nhiều biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Tại tỉnh Đồng Nai, hiện tổng đàn gia cầm của địa phương này là trên 25 triệu con, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên địa bàn là rất cao. Điều đáng lo ngại là giá gà công nghiệp hiện chỉ còn từ 10 nghìn đồng đến 12 nghìn đồng/kg, thấp bằng một nửa giá thành sản xuất. Đây có thể là nguyên nhân khiến người chăn nuôi lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Hiện ngành nông nghiệp nói chung, các địa phương của Đồng Nai nói riêng đều đang tích cực triển khai hàng loạt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là công tác tiêm phòng để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Do công tác thống kê đàn gia cầm trước khi tiêm phòng chưa được thực hiện tốt đã ảnh hưởng đến việc đăng ký vaccine, nhưng hiện Chi cục Chăn nuôi - Thú y còn dự phòng 1 triệu liều vaccine phòng dịch cúm gia cầm, đảm bảo nguồn cung cho người chăn nuôi.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh yêu cầu các địa phương tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch. Ngành nông nghiệp tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo các địa phương trong công tác này. Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân ý thức trong phòng, chống dịch. Các huyện cần rà soát lại, tập trung cho công tác chỉ đạo; kiện toàn, củng cố các đội phản ứng nhanh tại các xã để luôn chủ động ứng phó với dịch bệnh; tăng cường giám sát các khu vực có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao; đảm bảo nguồn vaccine phòng, chống dịch…
Xây dựng những vùng, các chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh sẽ giúp cho việc phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm hiệu quả. Ảnh: K.V
Ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Cần Đước, tỉnh Long An cho biết, huyện Cần Đước hiện có 1,2 triệu gia cầm, trên 2.000 gia súc và 2.250 vật nuôi khác. Để chủ động, kịp thời ngăn chặn virus cúm A/H5N1, virus cúm A/H5N6 hoặc chủng virus cúm có khả năng lây bênh trên gia cầm làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân, các hộ chăn nuôi, ngành chức năng huyện đã phối hợp với các địa phương thống kê, tổng hợp tổng đàn gia cầm từng địa phương, khẩn trương chỉ đạo lực lượng tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng và triển khai tiêm phòng theo kế hoạch.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Ngoài ra, ngành chức năng huyện Cần Đước cũng tăng cường tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ, nhân dân địa phương về lợi ích của công tác tiêu độc, khử trùng và lịch phun thuốc sát trùng cụ thể cho từng ấp, khu phố để người dân chủ động dọn dẹp vệ sinh trước khi phun xịt thuốc, chủ động lập dự trù kinh phí để bảo đảm ứng phó dịch bệnh kịp thời, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn huyện, đặc biệt là các điểm nhỏ lẻ, kiên quyết không cho giết mổ nếu cơ sở hoạt động không phép hoặc không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, môi trường.
Trước diễn biến thời tiết hiện nay rất bất lợi, ngày nắng nóng đêm sương lạnh nên nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan là rất cao. Đồng thời, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và ở người, Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang đã yêu cầu các huyện, thị xã và thành phố, các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và ở người trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định. Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, các địa phương cũng cần rà soát, thống kê, tổ chức triển khai tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm hiện có trên địa bàn và đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 80% trên tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng.
Các địa phương có đường biên giới giáp Campuchia cần tích cực phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch động vật nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ biên giới vào tỉnh An Giang. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cùng các đơn vị chuyên môn tăng cường phòng, chống dịch, sớm phát hiện các ổ dịch cúm gia cầm để xử lý triệt để, triển khai công tác lấy mẫu giám sát chủ động virus cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, đề xuất sử dụng vaccine phòng bệnh phù hợp. Đồng thời, thực hiện đồng loạt chương trình tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu cũng đang cấp tốc triển khai thực hiện nhiều phương án phòng chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; chủ động ngăn chặn, phòng chống, không để dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra và lây lan, cũng như giám sát, khống chế, dập tắt dịch bệnh ngay khi còn ở diện hẹp. Qua đó tạo điều kiện xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh.
Các vùng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đặc biệt chú trọng phòng dịch gồm: huyện Hồng Dân, huyện Phước Long, huyện Hòa Bình, TP. Bạc Liêu, TX. Giá Rai, đây là những vùng nguy cơ cao có 2 lần xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm trong 5 năm (2014 - 2018); huyện Vĩnh Lợi, huyện Đông Hải là vùng nguy cơ thấp có không quá 1 lần xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm trong 5 năm (2014 - 2018). Đồng thời chủ động giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện, không để lây lan ra diện rộng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 3 triệu con, trong đó tập trung nhiều ở các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân… ông Nguyễn Duy Hưng, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu cho hay, hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tăng cường giám sát, phòng bệnh; trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tiêm phòng vaccine, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại; vận động người dân kê khai gia cầm nuôi mới, báo ngay cho ngành chức năng khi phát hiện bệnh cúm gia cầm...
Tuy nhiên, phần lớn đàn gia cầm nuôi phân tán, nhỏ lẻ theo hộ gia đình; quy trình, chuồng trại, kỹ thuật nuôi chưa tốt nên gây nhiều khó khăn trong việc phòng chống dịch bệnh ở địa phương. Ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung kiểm soát tình hình để hạn chế dịch bệnh trên gia súc, gia cầm giúp bà con yên tâm chăn nuôi, sản xuất..
K.V
Nguồn: dangcongsan.vn