Các đại biểu tham gia Hội thảo 55 năm Chiến thắng Bình Giã.
Một là, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, đề ra kế hoạch đúng đắn, sáng tạo, thể hiện quyết tâm đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Sang năm 1964, cách mạng miền Nam có sự chuyển biến rõ rệt. Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam phát triển mạnh, đều khắp ở cả ba vùng chiến lược (nhất là trong các đô thị), đẩy chính quyền Sài Gòn lâm vào tình thế khó khăn nghiêm trọng. Đấu tranh vũ trang được đẩy mạnh, chiến tranh du kích phát triển sâu rộng, cường độ tiến công của Quân giải phóng tăng lên. Tháng 9/1964, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp thảo luận về cách mạng miền Nam, xác định phương hướng đấu tranh trong tình hình mới. Bộ Chính trị nhận định: “Lợi dụng tình thế khó khăn của Mỹ - ngụy, ta phải tập trung mọi khả năng và lực lượng, tranh thủ thời cơ để giành một bước thắng lợi quyết định trước khi quân Mỹ tăng cường lực lượng vào miền Nam”. Bộ Chính trị giao cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chuẩn bị kế hoạch chiến lược, trong đó chủ trương nhanh chóng tăng cường lực lượng vũ trang, thực hiện các trận đánh tiêu diệt làm tan rã một bộ phận chủ lực địch; tạo và tranh thủ thời cơ đánh bại quân đội Sài Gòn, hỗ trợ tích cực cho phong trào phá ấp chiến lược toàn Miền.
Quán triệt phương châm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đã chủ động giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, nêu cao vai trò nòng cốt của các đơn vị chủ lực; đoàn kết gắn bó với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Coi đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang đóng vai trò quyết định ngang nhau, nhưng đấu tranh vũ trang đóng vai trò quyết định trực tiếp và là quả đấm đủ mạnh để tạo ra cục diện mới cho cách mạng tiến lên giành thắng lợi quyết định. Trung ương Cục chỉ rõ: “Nhiệm vụ trước mắt của ta là chủ động đẩy mạnh tiến công chính trị, quân sự, binh vận đều khắp trên cả ba vùng, đặc biệt tập trung chống bình định, chống càn quét, chống lập ấp chiến lược. Trong thực hiện cần nắm vững phương châm dốc toàn lực, tiến công mạnh mẽ, liên tục dồn địch vào thế bị động, tan rã, phát huy cao độ khí thế quần chúng, mở rộng thế làm chủ của ta về mọi mặt”.
Cuối tháng 10/1964, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền vạch ra kế hoạch mùa khô 1964-1965, quyết định mở chiến dịch đầu tiên trên đất miền Đông Nam Bộ. Mục tiêu kế hoạch, nhằm tiêu diệt một bộ phận chủ lực địch, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho ta; hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp và phá ấp chiến lược, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, mở rộng vùng giải phóng. Địa bàn tác chiến gồm 4 tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa, Bình Thuận. Hướng chủ yếu của chiến dịch là Bà Rịa - Long Khánh. Hướng phối hợp là Nhơn Trạch - Long Thành (Biên Hòa) và Hoài Đức - Tánh Linh (Bình Thuận).
Để thực hiện kế hoạch trên, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch gồm các đồng chí: Trần Đình Xu - Chỉ huy trưởng; Lê Văn Tưởng - Chính ủy; Nguyễn Hòa - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng; Nguyễn Văn Bứa - Phó Chỉ huy trưởng; Lê Xuân Lựu - Phó Chính ủy. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 2 trung đoàn bộ binh (1 và 2), Đoàn 30 pháo binh Miền, 2 tiểu đoàn chủ lực Quân khu 7, 3 tiểu đoàn chủ lực Quân khu 6 và các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện, du kích các xã trên địa bàn chiến dịch.
Bộ Chỉ huy chiến dịch họp thông qua quyết tâm chiến đấu, xác định tư tưởng chỉ đạo, phương châm tác chiến, ra nghị quyết lãnh đạo mọi mặt trong chiến dịch. Mọi lực lượng tham gia chiến dịch đều được phân công công việc cụ thể, từ khâu chuẩn bị chiến trường cho đến khi kết thúc chiến đấu, tổng kết chiến dịch. Các đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương tiến hành quán triệt nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy chiến dịch đến từng tổ chức, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nắm rõ mục đích, nhiệm vụ, ý nghĩa và yêu cầu cụ thể trong quá trình chiến đấu. Từ đó, mỗi đơn vị, tổ chức có kế hoạch hành động thiết thực, tác chiến sát với nhiệm vụ được giao, tiến hành thắng lợi quyết tâm chiến đấu. Cán bộ các cấp luôn hiểu rõ, thông suốt và nhất trí cao với nhiệm vụ, bàn bạc dân chủ, tìm những biện pháp tích cực nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị. Đồng thời, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch luôn củng cố xây dựng cho bộ đội ý chí quyết tâm chiến đấu cao, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ; thường xuyên nắm địch, xác định đúng các khu vực địch có thể dừng lại, co cụm để từ đó điều chỉnh đội hình chiến đấu cho phù hợp.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền “sử dụng bạo lực cách mạng tổng hợp bao gồm lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân... Đồng thời, biết tạo thời cơ, nắm vững thời cơ mở những cuộc tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh”. Trong chiến dịch, nhân tố chính trị - tinh thần đã quy tụ được toàn dân vào một mặt trận đoàn kết kháng chiến. Sự lãnh đạo của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đối với mọi hoạt động của chiến dịch đã khơi dậy được trí tuệ và trách nhiệm chính trị của tập thể, của từng người, tạo thành động lực chính trị tinh thần vô địch để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.
Trong Chiến dịch Bình Giã, ta đã xác định và chọn hướng chủ yếu là Bà Rịa - Long Khánh. Trước chiến dịch có nhiều ý kiến được đặt ra. Đó là, chọn hướng và địa bàn như trên, có tiêu diệt được chủ lực địch, có mở rộng được vùng giải phóng không? Ở địa bàn Bà Rịa - Long Khánh lương thực khó khăn, làm sao bảo đảm cho 7.000 quân hoạt động tác chiến dài ngày. Toàn bộ chủ lực Miền rời khỏi căn cứ đi hoạt động xa thì làm thế nào để bảo vệ được cơ quan đầu não của Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy Miền?.
Để thực hiện được yêu cầu, nhiệm vụ chiến lược, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền xác định 3 mục tiêu: Tiêu diệt gọn 1 bộ phận sinh lực, nhất là lực lượng tổng trù bị của địch; mở rộng vùng giải phóng ra sát biển; xây dựng bến tiếp nhận của Trung ương. Địa bàn Bà Rịa - Long Khánh - Bình Thuận đạt được cả 3 mục tiêu trên, vừa diệt được địch, vừa mở rộng được vùng giải phóng và quan trọng hơn cả là xây dựng được bến tiếp nhận chi viện của miền Bắc vào miền Nam bằng đường biển. Mặc dù, địa bàn có khó khăn về lương thực nhưng dựa vào nhân dân tại chỗ và huy động ở vùng địch tạm chiếm có thể khắc phục được. Đồng thời, ta cũng đã dự trữ được một khối lượng vũ khí, đạn dược bảo đảm cho chiến dịch.
Có thể thấy, đây là vùng rừng bằng, nhưng rất nhạy cảm đối với địch, là trung tâm của tiểu khu Phước Biên mà địch lập ra nhằm án ngữ phía Đông Sài Gòn, nối liền giữa cửa biển với Sài Gòn, nên địch không thể để mất khu vực này. Mục tiêu bị đánh chiếm, địch sẽ phải tung chủ lực ra để đối phó, ứng cứu, tạo cơ hội cho ta thực hiện phương châm chiến dịch. Đồng thời, phương pháp tác chiến chiến dịch phù hợp với khả năng của bộ đội ta lúc đó là đánh điểm, diệt viện. Mục đích ta đánh vào Bình Giã chủ yếu là thực hiện khêu ngòi, buộc địch phải tăng viện ứng cứu. Khi đó, ta sẽ diệt gọn từng tiểu đoàn địch trong công sự và các tiểu đoàn biệt động quân, chi đoàn thiết giáp cơ động ngoài công sự, lấy đánh địch ngoài công sự là chủ yếu. Mục tiêu đề ra là tiêu diệt 1 đến 2 tiểu đoàn lực lượng tổng trù bị của địch (gồm biệt động quân, thủy quân lục chiến và cơ giới).
Trước khi mở màn chiến dịch, Bộ Chỉ huy Miền đã chỉ đạo toàn chiến trường miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ đẩy mạnh tiến công địch nhằm nghi binh và căng kéo lực lượng địch. Điển hình như: Trận tập kích bằng pháo binh đêm 31/10/1964; trận phục kích của Tiểu đoàn 800 Quân khu 7 (ngày 15/11/1964), tiêu diệt đoàn xe địch trên đường số 15; tiến công một loạt “ấp chiến lược” ở Hoài Đức... Các trận đánh cách xa địa bàn mở chiến dịch nên đã căng kéo, đánh lạc hướng và làm cho địch phán đoán sai ý định của ta, giữ được bí mật, bất ngờ, chủ động cho hướng chủ yếu của Chiến dịch. Để thực hiện kế hoạch trên, Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã phát huy khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương tại chỗ; phối hợp với lực lượng chiến dịch hình thành thế trận tiến công có lợi cho cả khêu ngòi và đánh địch tăng viện, ứng cứu. Cụ thể, ta sử dụng dân quân và bộ đội địa phương, phối hợp với đấu tranh chính trị của quần chúng tiến công địch trên diện rộng, phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, buộc địch phải phân tán đối phó; tạo thuận lợi cho Chiến dịch tập trung lực lượng, tiến hành các trận đánh then chốt quyết định. Điển hình như: Trận tiêu diệt địch ứng cứu, giải tỏa bằng đường bộ của Trung đoàn 762, tiêu diệt gọn Chi đoàn 3 thiết giáp của địch. Trên hướng phối hợp ở Hoài Đức, Tánh Linh, Tiểu đoàn 186 Quân khu 6 đánh vào ấp chiến lược Mê Pu, gây thiệt hại nặng 1 đại đội bảo an... Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, tập trung sức mạnh tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, lần đầu tiên ta tiêu diệt gọn tiểu đoàn, chi đoàn thiết giáp tinh nhuệ nhất của địch.
Thứ ba, lãnh đạo các đơn vị chủ động nắm vững quy luật hoạt động của địch, vận dụng chiến thuật linh hoạt, tiến công liên tục, tiêu diệt gọn mọi lực lượng địch.
Để chuẩn bị phương án tác chiến, Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền đã cử đoàn cán bộ do đồng chí Trần Đông Hưng (Vũ Ba) làm Trưởng đoàn xuống Bà Rịa - Long Khánh cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch nghiên cứu xây dựng phương án tác chiến. Tại đây, địch có 4 chi khu quân sự. Căn cứ vào ý định của cấp trên, hướng tập trung chủ yếu là Xuyên Mộc và chi khu quân sự Xuyên Mộc. Nhưng trong quá trình nghiên cứu, ta thấy chi khu này rất kiên cố, đánh không chắc thắng, trong khi chi khu Đất Đỏ phù hợp với khả năng đánh công kiên của bộ đội ta lúc bấy giờ. Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền quyết định xây dựng phương án đánh chi khu Đất Đỏ trước để nghi binh, mục tiêu chính là Xuyên Mộc, thực hiện “đánh điểm, diệt viện”. Tuy nhiên, khi trao đổi với lực lượng vũ trang địa phương, Bộ Chỉ huy được biết một hiện tượng đáng chú ý ở Bình Giã là địch tập trung cứu viện mỗi lần ta đánh vào đây. Từ tình hình thực địa và quy luật hoạt động của địch, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã quyết định chọn ấp chiến lược Bình Giã (thuộc chi khu Đức Thạnh) làm điểm khơi ngòi chiến dịch. Đây là một vị trí quan trọng của địch cả về quân sự và chính trị. Bình Giã bị tiêu diệt, chi khu Đức Thạnh, đường số 2 bị uy hiếp, Bà Rịa bị chia cắt khỏi Long Khánh và đường số 1, khu vực phòng ngự có tầm chiến lược của chúng sẽ mất hiệu lực. Bình Giã còn là khu gia binh của lực lượng thủy quân lục chiến và lính biệt động ngụy, là “ấp kiểu mẫu”, đánh vào đây buộc địch phải phản ứng nhanh bằng đường bộ, đường không, ta có điều kiện “đánh điểm, diệt viện” ngoài công sự.
Sau khi ổn định tổ chức, đội hình chiến dịch. Theo sự chỉ đạo của Trung ương Cục, đêm 2/12/1964, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định đánh thử vào Bình Giã để nắm hình hình và phản ứng của địch trước khi ta tiến công mở màn chiến dịch. Trên cơ sở đó, ta dự kiến những vị trí, khu vực mà địch phải dừng lại khi tiến công; chọn khu vực tác chiến chính, tạo thế, tổ chức phục kích tiêu diệt địch. Trận đánh ngày 28 và 29/12/1964, địch đổ quân từ xa rồi tiến dần vào đều bị diệt, buộc chúng phải lùi ra củng cố, chờ tăng thêm lực lượng tiến công tiếp. Ngày 30/12/1964, địch đổ Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến xuống ấp La Vân và bàu Cà Mun. Chúng vừa đổ quân xuống, ta tổ chức tiến công ngay.
Mặc dù ta đã dự kiến được những phương án đánh địch, khu vực diệt địch, nhưng mới chỉ là phán đoán. Chỉ đến khi địch xuất hiện, ta mới có điều kiện nắm chính xác để bổ sung điều chỉnh phương án cho phù hợp, tạo thế lừa địch vào khu dự kiến để tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt. Vì vậy, việc vận dụng hình thức chiến thuật cho cả trận đánh hoặc cho từng tình huống cụ thể phải linh hoạt, khéo léo, nhanh chóng xoay chuyển tình thế cho hợp lý, hình thành thế bao vây, chia cắt địch ngay từ đầu. Ta triển khai lực lượng tiếp cận mục tiêu từ nhiều hướng, hình thành thế chặn, bao vây, chia cắt và cô lập các cụm quân địch để tiêu diệt. Trong quá trình chiến đấu, Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo các lực lượng phải tiến công liên tục, không cho chúng co cụm, dựa vào nhau để chống cự. Ta bao vây tiến công địch liên tục ở mặt đất, đồng thời khống chế việc tiếp tế bằng đường không, kìm chế các trận địa pháo yểm trợ của địch; làm cho địch ở mặt đất bị bao vây, chia cắt hoàn toàn, không cho chúng chi viện hỗ trợ nhau.
Như vậy, một trong những nhân tố quyết định làm nên chiến thắng Bình Giã, đó là sự lãnh đạo của Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền và Bộ Chỉ huy chiến dịch, đã vận dụng linh hoạt hình thức chiến thuật, có cách đánh sáng tạo và phù hợp; nắm chắc thời cơ, bao vây, chia cắt địch thành từng mảng, từng cụm, tiến công tiêu diệt địch. Điểm sáng tạo trong chiến dịch là ta đã chọn điểm khêu ngòi không đánh vào chi khu quân sự mà đánh vào “ấp chiến lược” - nơi chúng cho là “quốc sách”. Do bị bất ngờ, Mỹ - ngụy phải điều quân đến cứu viện nhiều lần, tạo cơ hội cho ta tiến công tiêu diệt một số tiểu đoàn quân chủ lực ngụy, làm chủ chiến trường.
Thứ tư, chủ động hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng; xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm hậu cần - kỹ thuật, tạo thế liên hoàn vững chắc cho toàn chiến dịch.
Trước, trong và sau Chiến dịch Bình Giã, Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền luôn xác định: Xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa cấp ủy với bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương là một yếu tố quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Đồng thời xác định, chiến dịch sẽ tác động rất lớn đến phong trào đấu tranh chính trị trong các thị xã, thị trấn và ngay cả giữa trung tâm đầu não của địch. Vì thế, khi thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, ngoài những đồng chí ở đơn vị chủ lực còn có các đồng chí ở địa phương tham gia như: Nguyễn Văn Chí - Thường vụ Khu ủy Khu 7; Lê Minh Hà - Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa.
Để huy động sức mạnh tổng hợp, Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo Bộ Chỉ huy Chiến dịch sử dụng lực lượng vũ trang tại chỗ làm nhiệm vụ nhổ đồn bót, phá ấp chiến lược; phát triển chiến tranh du kích, mở rộng phạm vi hoạt động, phối hợp chặt chẽ với các đòn tiến công của bộ đội chủ lực. Song song với các hoạt động đấu tranh vũ trang, Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo các lực lượng tích cực phát động quần chúng nhân dân đấu tranh chính trị. Trên cơ sở của khẩu hiệu đấu tranh chung do Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam đề ra, căn cứ vào nguyện vọng của từng đồng bào, Trung ương Cục đã nêu ra những khẩu hiệu cụ thể phù hợp với từng tầng lớp nhân dân. Nếu khẩu hiệu của nhân dân đô thị là hòa bình, chủ quyền, dân sinh, dân chủ thì đối với đông đảo quần chúng nông dân là cải cách ruộng đất, giảm tô, giảm tức… nhằm mục tiêu phát triển phong trào đấu tranh chính trị rộng rãi trong nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp tiến công địch trên mọi phương diện.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, nhân dân các ấp dọc tỉnh lộ 2 tập trung hàng trăm người kéo lên quận lỵ Đức Thạnh biểu tình chống địch bắn pháo, ném bom bừa bãi; tạo sức ép tâm lý, gây hoang mang tinh thần địch. Nhân dân Bà Rịa - Long khánh hăng hái tham gia Chiến dịch. Các má, các chị mang từng bát cơm, chiếc bánh ra tận chiến hào cho bộ đội. Hội Phụ nữ lo mai táng các chiến sĩ hy sinh, đội dân công tải đạn kịp thời cho Chiến dịch... Trong khoảng thời gian 4 tháng, các lực lượng và nhân dân địa phương đã bảo đảm cho chiến dịch khoảng 500 tấn lương thực, hơn 500 tấn vũ khí, đạn dược; triển khai hai bệnh viện dã chiến (300 giường), bảo đảm đủ thuốc quân y cho 600 thương binh. Trong suốt thời gian tiến hành Chiến dịch, ta đã huy động được hàng trăm xe bò, xe lam để vận tải gạo, tải thương... Các bệnh xá, kho tàng của địa phương đều trở thành cơ sở vật chất, kỹ thuật; góp phần tạo nên mạng lưới hậu cần hoàn chỉnh trong phạm vi không gian khoảng 500km2 của địa bàn Chiến dịch.
Bước vào đợt hai, Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền quyết định sử dụng lực lượng tập trung trên khu vực ấp Bình Giã, chi khu Đức Thạnh và tỉnh lộ 2. Lực lượng gồm: 2 đại đội của Trung đoàn 761 phối hợp với Đại đội 445 của tỉnh Bà Rịa, cùng hỏa lực trợ chiến, đánh chiếm và trụ lại Bình Giã; kết hợp với pháo kích chi khu Đức Thạnh, tạo áp lực mạnh buộc địch phải tiếp viện ứng cứu. Lực lượng còn lại của Trung đoàn 761 và toàn bộ Trung đoàn 762 làm nhiệm vụ đánh địch tiếp viện bằng đường bộ và đường không. Nhân cơ hội địch trên toàn khu vực đang hoang mang, Trung đoàn 762 cử một bộ phận phối hợp cùng địa phương phá tung ấp chiến lược Bình Giã, Đức Mỹ, An Phú, làm tan rã lực lượng dân vệ. Biệt động của ta ở thị xã Bà Rịa đứng chân tại chùa Rạch Váng, đêm đêm xuống lộ 15 tổ chức các hoạt động tuyên truyền, diệt ác, phá tề. Đến ngày 3/1/1965, Chiến dịch kết thúc thắng lợi.
Với tư tưởng chỉ đạo “tất cả vì chiến trường” của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đã tạo nên sự hiệp đồng chặt chẽ, gắn bó giữa các lực lượng, phát triển được khối đại đoàn kết toàn dân. Mỗi đơn vị, mỗi lực lượng, mỗi tổ chức đều có trách nhiệm giúp đỡ nhau, liên kết với nhau để tạo thành sức mạnh tổng hợp, bảo đảm cho chiến dịch càng đánh càng mạnh.
*
Nửa thế kỉ đã qua đi, nhưng độ lùi thời gian ấy càng làm cho chúng ta nhìn nhận, đánh giá khách quan, sâu sắc và toàn diện hơn vị thế của chiến thắng Bình Giã trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Chiến thắng Bình Giã là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử như một mắt xích quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, buộc đế quốc Mỹ phải chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”.
Sự kiện Bình Giã mãi mãi là trang sử oanh liệt của quân và dân ta, ghi dấu ấn trong lịch sử dân tộc bằng chiến thắng vẻ vang với vai trò lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền và Bộ Chỉ huy chiến dịch. Trong chiến dịch Bình Giã, thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đã có sự chuẩn bị trước một bước về tư tưởng và tổ chức để chủ động đối phó với những tình huống phức tạp của Chiến dịch; xây dựng quyết tâm chiến đấu, đề ra đường lối chỉ đạo và tổ chức thực hành chiến dịch, vượt qua những khó khăn, gian khổ tiến lên giành thắng lợi. Đúng như Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã đánh giá: “... một chiến dịch quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa chiến lược, mở đầu thời kỳ mới của chiến tranh cách mạng ở miền Nam, kết hợp tiến công với nổi dậy, chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy”. Ngày nay, những thành công và bài học kinh nghiệm trong Chiến dịch Bĩnh Giã vẫn còn nguyên giá trị. Những kinh nghiệm ấy rất cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.