Căn cứ quân sự của Mỹ tại sân bay Tân Sơn Nhất
Ảnh: CTV
Sau khi tiếp quản hệ thống sân bay, ngày 18-11-1955, Nha Công tác phi trường đệ trình lên Chính quyền Sài Gòn “Chương trình hoạt động 5 năm” với nội dung “Thiết lập một hệ thống phi trường trên lãnh thổ Việt Nam liên hệ với nhau và bổ túc lẫn nhau để thỏa mãn rộng rãi nhu cầu mới”. Theo đó, chương trình gồm: “1-Phát triển phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất đủ đặc tính phi trường hạng A. 2- Bổ túc phi trường quốc nội để có đủ đặc tính dân sự của hạng tương hạp. 3-Tại một ít địa điểm, tạo lập phi trường mới để dùng vào sự liên lạc hành chính đúng theo chỉ thị của thượng cấp”, với tổng ngân sách là 1.441,5 triệu đồng.
Ngày 3-4-1956, Sở Công chính và giao thông ban hành nghị định thành lập Nha Hàng không dân sự Việt Nam. Từ cuối năm 1956, chính quyền Sài Gòn bắt đầu đầu tư cho ngành hàng không (đến năm 1962, vốn điều lệ của công ty tăng từ 18.000.000đ lên 48.000.000đ). Công ty Air được Việt Nam hóa, phi công, kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật nước ngoài dần được thay thế bằng người Việt Nam, phần hùn của các cổ đông Pháp từ 50% giảm chỉ còn lại 25% (năm 1959).
Dựa vào viện trợ của Mỹ, sân bay Tân Sơn Nhất được đầu tư nâng cấp. Năm 1956, đường hạ cất cánh mở rộng hơn, trải nhựa thay cho đất đỏ cũ, đoạn đầu và cuối được đổ bê tông cốt sắt với tổng kinh phí 19 triệu đồng (chính quyền Sài Gòn chi 8 triệu đồng, Mỹ viện trợ 11 triệu đồng). Theo Leland Barrows - Trưởng phái đoàn ngoại viện Mỹ tại Việt Nam - “Đây chỉ là một trong nhiều kế hoạch mà hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ đã trù liệu để làm cho phi trường Tân Sơn Nhứt trở thành một trong những phi trường tốt nhứt ở Đông Nam Á. Chương trình do chính phủ Việt Nam thảo ra và đã được chúng tôi cam kết giúp đỡ gồm có ba phần chính: xây cất sân bay và những cơ sở hàng không tối tân; mua và thiết lập những cơ sở điện tử và viễn thông tối tân nhứt; huấn luyện nhân viên Việt Nam trong các ngành kiểm soát sự giao thông bằng hàng không”.
Với phi đội gồm 11 máy bay (2 chiếc DC.6, 1 chiếc DC.4, 5 chiếc DC.3, 3 chiếc Cessna), từ sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty Air Việt Nam mở các đường bay trong nước đến Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Kon Tum, Ban Ma Thuột, Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết, Rạch Giá, Côn Đảo, Phú Quốc, Cần Thơ, Cà Mau; và các đường bay ngoài nước đến Hong Kong, Bangkok, Phnompenh, Vientiane, Singapore, Manille. Do đường bay trong nước bị giảm (giới hạn trong phạm vi nam vĩ tuyến 17), công ty mở thêm cơ xưởng sửa chữa máy bay để nhận thêm việc ngoài và tăng dịch vụ tiếp trợ cho phi cơ các công ty ngoại quốc ghé bến Sài Gòn.
Từ năm 1961, trước tình hình nhu cầu vận chuyển hàng không nhiều hơn, chính quyền Sài Gòn đầu tư kinh phí nâng cấp và mở rộng sân bay. Năm 1963, hoàn thành việc nâng cấp đường hạ cất cánh dài 3.036m; đồng thời chuẩn bị xây dựng thêm đường hạ cất cánh dài 1.200m (sau đó nối dài 3.000m) cùng hệ thống đường lăn, sân đậu. Năm 1964, mua thêm đất mở rộng sân bay. Tổng trưởng Nội vụ - Thiếu tướng Lâm Văn Phát - ký ban hành Nghị định điều tra hành chính để trưng thu đất thiết lập đài vô tuyến dẫn lộ trung biên (middle marker) nằm sát sân bay thuộc xã Hạnh Thông (quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định) cho phi trường Tân Sơn Nhứt”; Thủ tướng Chính phủ, Trung tướng Nguyễn Khánh - ký ban hành Nghị định “cho phép mua cho quốc gia Việt Nam (Bộ Công Chánh) để nới rộng phi trường Tân Sơn Nhứt những ruộng đất của các sở hữu, diện tích chung là 116.255 thước vuông, tọa lạc tại các xã Tân Sơn Hòa, Tân Sơn Nhì, Hạnh Thông Tây và Hạnh Thông Xã tỉnh Gia Định, với giá 3.487.650đ”. Năm 1965, Bộ Công chánh và giao thông cùng với Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha kiến thiết và tỉnh Gia Định họp thống nhất quy hoạch hệ thống đường bay và sân đậu tương lai, đường giao thông nối từ sân bay vào nội thành, xác định ranh giới khu vực quân sự với dân sự, truất hữu đất đai để nới rộng phạm vi sân bay và quy định chiều cao các công trình xây dựng khu vực kế cận.
Sân bay Tân Sơn Nhất dần trở thành căn cứ quân sự của quân đội Việt Nam cộng hòa, nơi đặt Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Không quân, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 Không quân, Bộ Tư lệnh quân dù. Tần suất hoạt động của máy bay quân sự các loại ngày càng dày đặc. Tuy nhiên, bên hàng không dân dụng, do phải liên tục đầu tư tu bổ và mở rộng, nên từ năm 1963 mới bắt đầu có lãi.
Năm 1973, sau khi buộc phải rút hết quân chiến đấu và quân đội các nước đồng minh về nước sau Hiệp định Paris, Mỹ giao lại cho chính quyền và quân đội Sài Gòn các cơ sở trang bị tại sân bay và toàn bộ máy bay quân sự các loại. Do nguồn viện trợ của Mỹ giảm sút, chính quyền Sài Gòn buộc phải cắt giảm nhiều khoản chi, hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng kinh phí để duy trì hoạt động điều khiển việc cất cánh, hạ cánh của hàng triệu lượt máy bay trên các không lộ trong và ngoài nước; điều hành hàng trăm ngàn phi vụ hành quân của máy bay quân sự làm nhiệm vụ do thám chỉ điểm, ném bom oanh tạc, chở quân chiến đấu, rải chất độc hóa học, tiếp tế lương thực thực phẩm, thuốc men và trang bị phương tiện chiến tranh; duy tu bảo quản các cơ sở kỹ thuật như đường băng, hệ thống đèn phù tiêu, đường lăn sân đỗ, trung tâm truyền tin và kiểm soát không lưu, trung tâm thu thanh phát thanh vô tuyến và hữu tuyến tại sân bay Tân Sơn Nhất. Kinh phí dự chi hàng năm của Nha Hàng không dân sự bao gồm lương và phụ cấp nhân viên, vật liệu và dịch vụ tiến hành, đầu tư trực tiếp trong năm 1973 giảm còn 338.104.000 đồng, năm 1974 là 347.000.000 đồng và năm 1975 là 350.000.000 đồng.
(Còn nữa)