Triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới, ngày 21/03/2022, Tổng cục Thuế đã xây dựng và chính thức đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho NCCNN. Cổng thông tin điện tử đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho các NCCNN chủ động thực hiện quyền đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời đại kinh tế số.
Qua kênh này, NCCNN có thể truy cập từ bất cứ đâu trên thế giới để thực hiện đăng ký thuế, điều chỉnh thông tin đăng ký thuế, kê khai, nộp tờ khai, điều chỉnh thông tin kê khai; hỗ trợ tra cứu hồ sơ, tra cứu tình trạng khoản nộp và nộp thuế vào NSNN Việt Nam...
Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, đến nay, sau hơn 2 năm triển khai vận hành, tổng số NCCNN đã đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng TTĐT từ thời điểm triển khai vận hành là 116 NCCNN. Các NCCNN trên đến từ nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Ireland, Lithuania, Thụy Sĩ, Australia, Anh...
Bên cạnh đó, số liệu của Tổng cục Thuế cũng cho thấy, kể từ thời điểm triển khai vận hành Cổng điện tử, tổng số thu NSNN từ các NCCNN đã đạt 20.261 tỷ đồng. Trong đó, số thu năm 2022 là 3.478 tỷ đồng (bao gồm 1.850 tỷ đồng khai - nộp trực tiếp qua Cổng và 1.628 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay); số thu năm 2023 là 8.096 tỷ đồng (bao gồm 6.896 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua Cổng và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay); số nộp NSNN trực tiếp thông qua Cổng sau hơn 10 tháng đầu năm 2024 đạt 8.687 tỷ đồng.
Theo đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, qua thực tiễn triển khai, cơ quan thuế đang phát sinh một số khó khăn. Theo đó, về chính sách thuế, hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên biên giới là hoạt động mới, phát triển mạnh mẽ trong các năm gần đây, đối tượng là các NCCNN không hình thành pháp nhân tại Việt Nam. Điều này dẫn đến việc một số quy định không phù hợp với hoạt động này như hóa đơn của NCCNN, quy định về cơ sở thường trú của NCCNN...
do đặc thù các NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, việc thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra mức độ tuân thủ của NCCNN gặp nhiều khó khăn... Việc khối lượng khách hàng là tổ chức, cá nhân kê khai, nộp thuế thay cho các NCCNN lớn trải dài trên khắp cả nước, gây khó khăn trong việc rà soát tính chính xác.
Việc kết nối để xây dựng cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị liên quan với Tổng cục Thuế cũng còn nhiều khó khăn do: dữ liệu của các đơn vị liên quan (Bộ, ngành, ngân hàng thương mại,...) đang chưa có định dạng thống nhất, cách thức khai thác còn thủ công. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc phân tích và sử dụng dữ liệu phục vụ quản lý thuế.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên biên giới, bên cạnh các giải pháp được quản lý thuế đang thực hiện, đại diện Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, năm 2025, ngành Thuế sẽ tiếp tục hệ thống hóa các vấn đề lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế từ đó tham mưu, đề xuất các giải pháp xây dựng chính sách thuế, quản lý thuế và các luật liên quan đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam.
Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý phù hợp với với tinh thần đổi mới, sáng tạo trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Theo đó, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ các các ngân hàng, các ví điện tử, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, các tổ chức thẻ quốc tế, nghiên cứu áp dụng công nghệ (trong đó có AI) để nhận diện thanh toán của hoạt động TMĐT xuyên biên giới, từ đó làm cơ sở đối soát dữ liệu kê khai của người nộp thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào NSNN; đồng thời, nhận diện NCCNN có phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký thuế để đưa vào diện quản lý thuế.
Tổng cục Thuế cũng sẽ rà soát mô hình hoạt động của các tập đoàn công nghệ lớn để tham mưu báo cáo các cấp có thẩm quyền đàm phán để sửa đổi, bổ sung các hiệp định tránh đánh thuế hai lần, phù hợp với đặc điểm của các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh, công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phương Vũ