Năm 1965 là năm có rất nhiều mốc quan trọng: Là năm đế quốc Mỹ chính thức tiến hành cuộc chiến trang xâm lược nước ta, đưa quân đổ bộ Đà Nẵng: là năm tổng động viên cục bộ với phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”.
Cũng trong năm này, trong số 250 chàng trai gồm: bộ đội, học sinh, sinh viên được tuyển chọn đào tạo trở thành phi công chiến đấu, có 130 học viên được gửi sang học tại Liên Xô, 80 học viên học tại Trung Quốc và 40 học viên học tại trường Không quân Việt Nam (sơ tán sang Bằng Tường, Trung Quốc). Hơn 100 phi công tốt nghiệp, họ trở thành nòng cốt trong cuộc đối đầu giữa KQNDVN và Không lực Hoa Kỳ. Chàng trai học sinh Nguyễn Đức Soát là một trong số các phi công tốt nghiệp lớp này.
Chàng học trò vùng quê Xứ Đoài bắt đầu viết nhật ký sau khi sang Liên Xô học tập được 8 tháng, bắt đầu từ ngày 20/3/1966, viết đều từ khi học bay đến khi về nước tham gia chiến đấu. Cuốn nhật ký dừng lại ở ngày 31/12/1972, một ngày sau khi Mỹ bị thua đau, buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.
Cuốn nhật ký luôn được mang theo bên người phi công trẻ trong các chuyến bay chiến đấu, huấn luyện với ý nghĩ nếu chẳng may lâm nạn thì cuốn nhật ký mãi mãi đi theo.
Đã hơn nửa thế kỷ, từ ngày bắt đầu viết, cuốn nhật ký được ông cất kỹ, không đọc lại và không viết thêm. Trong một lần để tìm tư liệu, ông mở tập nhật ký. Ông như được sống lại cùng các đồng đội, những kỷ niệm, những khát vọng của tuổi trẻ trong thời khắc lịch sử đầy gian khó, thử thách nhưng rất hào hùng của dân tộc. Phi công Nguyễn Đức Soát quyết định công bố tập hồi ký của riêng mình với mong muốn nhiều thế hệ trẻ có thể hiểu thêm về cuộc đời của những người lính KQNDVN trẻ tuổi trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh.
“Nhật ký phi công tiêm kích” với 440 trang, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành là những trang nhật ký trải dài 7 năm mô tả một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thời chiến tranh về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh sống còn của dân tộc.
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Anh hùng LLVTND, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân đã viết: “Cuốn nhật ký của anh đã để lại cho đời, nhất là cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau một bài học quí”.