… Anh đưa em về thăm quê anh xứ Lệ/ Nơi giọng hò ru anh thời thơ trẻ/ Em hỏi anh hoài sông chảy từ đâu/ Mà Kiến Giang xanh như dải lụa màu/Mà Kiến Giang xanh, xanh mãi một màu.…Đó là lời bài hát "Đưa em về Kiến Giang", lời ca thấm đượm tình quê Lệ Thủy, Quảng Bình. Nhưng ít ai biết rằng, bài hát trên được xuất xứ từ tình cảm của phu nhân Đặng Bích Hà và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dòng sông miên man chảy, tuổi thơ đại tướng thường ra ngồi đọc sách. Sông hát ru thời thơ trẻ, sông tiễn Đại tướng lên đường cứu nước, để rồi ngày ra đi không hẹn, ngày về vinh quang rạng rỡ những chiến công...
Địa linh nhân kiệt
Ngày kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam đang đến gần, nhân dân khắp nơi đang có nhiều hoạt động hướng về một sự kiện lớn của dân tộc. Trong niềm vui và lòng tự hào bất tận về đội quân cách mạng đã từng lập nên những chiến công lẫy lừng, lòng người càng bồi hồi nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người Anh Cả của quân đội ta. Tháng 12, tiết trời bắt đầu se lạnh, hòa chung trong dòng người về thăm quê Đại tướng, tôi lại nhớ những câu chuyện về cuộc đời của người con kiệt xuất bên dòng Kiến Giang năm xưa…
Một đoạn dòng sông Kiến Giang chảy qua nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: X.P
Sau ngày đất nước thống nhất, huyện Lệ Thủy quê tôi nhận được tin vui Đại tướng và phu nhân sẽ về thăm quê. Lớp trẻ chúng tôi lúc đó đang học tiểu học càng náo nức khi được nhà trường cho đi bộ 4km ra tận Quốc lộ 1 cùng đón chào Đại tướng. Sau này, đọc qua sách vở, tôi mới biết bài hát "Đưa em về Kiến Giang" được nhạc sĩ "thai nghén" trong lần đầu Đại tướng đưa phu nhân về thăm quê. Hôm đó, khi gần vào đến trung tâm huyện Lệ Thủy, Đại tướng và phu nhân cùng xuống đi bộ với nhân dân và học sinh trong niềm vui khôn tả đón người con ưu tú về thăm quê. Nhìn dòng sông xanh đang chảy, bất giác phu nhân Đặng Bích Hà hỏi Đại tướng: Con sông Kiến Giang chảy từ đâu mà nước trong xanh đẹp quá vậy anh! Đi phía sau hai người là nhạc sĩ Xuân Đồng (hiện công tác ở Hà Nội) nghe hỏi vậy khiến tâm hồn của người nhạc sĩ xúc cảm. Và chỉ vài ngày sau, bài hát "Đưa em về Kiến Giang" đã vang lên trên loa phát thanh huyện nhà, được nhân dân rất ngưỡng mộ. Sau này "Đưa em về Kiến Giang" đã trở thành bài ca truyền thống của huyện Lệ Thủy. Cứ mỗi dịp đua thuyền kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9, hay sinh nhật Đại tướng… lời ca lại vang lên.
Dòng Kiến Giang bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, qua vùng núi An Mã, chở nặng phù sa cho đồng bằng hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh vốn nổi tiếng lúa vàng trĩu hạt, đã một thời đi vào thơ ca "Nhất Đồng Nai nhì hai huyện". Cuối dòng Kiến Giang, sông nhập vào phá Hạc Hải rồi đổ ra cửa sông Nhật Lệ xuôi về biển Đông. Con sông bên lở bên bồi, vẫn bến cũ con đò đã đi vào ký ức của bao lớp người con xứ Lệ. Nhà Đại tướng nằm phía hữu ngạn thuộc bên bồi, xưa gọi là làng An Xá, nay thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Người dân nơi đây kể rằng, khi hoàng hôn buông xuống, ngọn núi Đầu Mâu rọi bóng xuống phá Hạc Hải trông như ngòi bút, nghiên mực. Từ nhà đại tướng đưa tầm mắt ra xa là phá Hạc Hải, vùng đất linh thiêng, sông nước hữu tình đã sinh ra nhiều anh hùng. Xưa có Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Tiến sĩ Dương Văn An - tác giả tập "Ô Châu Cận Lục" nổi tiếng…và nay có Đại tướng Võ Nguyên Giáp uy danh lừng lẫy năm châu.
"Người Pháp có giỏi thì đi tìm nó..."
Từ nhỏ sống trong một không gian thấm đẫm nghĩa khí anh hùng xả thân cứu nước của những bậc tiền bối cộng với truyền thống nho học của gia đình đã góp phần tạo nên những tố chất của nhà hoạt động chính trị - quân sự cách mạng Võ Nguyên Giáp sau này.
Thân phụ của Đại tướng là ông Võ Quang Nghiêm và mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên. Ông bà sinh hạ được 7 người con, đại tướng là người con thứ năm. Trong cuốn sách viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ, trung tướng Hồng Cư nói về ông thân sinh của Đại tướng: Ông Nghiêm học tài thi phận. Ông đã nhiều lần thi hương cho tới khóa Mậu Ngọ (1918). Hồi ấy, các thí sinh phải đem lều chõng vào trường thi, dựng tại chỗ trên bãi đất trống dành cho mình để có nơi ngồi làm bài. Khác với Võ Nguyên Giáp sau này nhiều lần đỗ Thủ khoa, ông Nghiêm lều chõng bao lần thi không đậu. Tuy không đỗ đạt nhưng ông Nghiêm là một nhà nho có uy tín trong vùng. Ông vừa dạy học vừa bốc thuốc, được người dân kính trọng. Khi tế ở ngoài đình, mọi người thường mời ông chủ tế. Cậu bé Giáp mỗi lần thấy cha tắm nước lá bưởi, mặc áo dài là biết ông đi làm chủ tế. Ông giàu lòng thương người. Đêm hôm có ai mời đi thăm bệnh cũng đi. Ông Nghiêm sống một cuộc đời giản dị, thanh bạch, có nề nếp. Ông dạy chữ Nho cho trẻ trong làng và dạy cả chữ Quốc ngữ. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu, gia đình đi tản cư, ông còn đang thu xếp một vài việc chưa kịp đi thì giặc Pháp ập tới. Ông bị giặc bắt tra tấn dã man. Có người thấy ông bị chúng buộc tay vào sau xe Jeep kéo lê. Mãi về sau, Đại tướng mới có tin là ông đã mất trong nhà tù ở Huế. Sau ngày thống nhất nước nhà, con cháu đi tìm mộ ông và năm 1979 đưa hài cốt về chôn cất tại nghĩa trang huyện Lệ Thủy.
Chuyện kể rằng: Khi quân Pháp bắt được ông Nghiêm đưa về giam ở Huế, tra hỏi nơi Võ Nguyên Giáp đang ở. Bị chúng hạch hỏi, ông khẳng khái trả lời: Con tôi nó làm gì là theo đầu óc nó, tôi đâu dạy được? Bây giờ người Pháp có giỏi thì đi tìm nó, đưa về đây cho tôi thử dạy nó xem có được không… Chính vì câu trả lời hiên ngang, ngạo nghễ của ông Nghiêm nên giặc Pháp đã sát hại ông vì chúng biết không thể khuất phục được.
Người dân làng An Xá kể rằng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp giống cha ở khuôn mặt vuông vức, vầng trán và gò má cao; giống mẹ ở tầm vóc thấp, có đôi mắt vừa hồn nhiên nhân hậu vừa long lanh sắc sảo. Đôi mắt mà một nữ ký giả phương Tây - bà Oriana Fallaci, khi đến phỏng vấn đại tướng đã nhận xét là "Đôi mắt thông minh nhất mà tôi từng thấy".
Dòng Kiến Giang miên man chảy mãi. Con sông lịch sử đã bao lần chứng kiến những chiến công oanh liệt của cha ông đánh giặc giữ nước. Và cũng chính từ dòng sông này, Đại tướng đã tạm biệt quê hương lên đường tham gia cách mạng cứu nước, cứu dân để rồi hôm nay khi đại tướng đã yên giấc ngàn thu, đồng bào vẫn luôn nhớ mãi về Người- vị Tổng Tư lệnh lừng danh văn võ song toàn của dân tộc Việt Nam.
KIẾN GIANG