Theo đánh giá của Cục Hàng hải và Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện nay hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gồm các khu bến Tam Hiệp và Kỳ Hà. Trong đó, khu bến Tam Hiệp có 3 cầu cảng với tổng chiều dài 836m, có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn. Khu bến Kỳ Hà có 3 cầu cảng với tổng chiều dài 434m, bao gồm 2 cầu cảng tổng hợp tiếp nhận tàu đến 6.600 tấn và một cầu cảng hàng lỏng/khí (hiện đang tạm ngừng hoạt động).
Tính đến năm 2024, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển Quảng Nam đạt 4,07 triệu tấn, trong đó hàng container chiếm 0,94 triệu tấn (tương đương khoảng 180.000 TEU). Tốc độ tăng trưởng hàng hóa qua cảng trong giai đoạn 2020 – 2024 đạt mức ấn tượng 19,9% mỗi năm.
Cảng biển Quảng Nam có vị trí chiến lược khi kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông quốc gia như cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn và hệ thống đường thủy nội địa qua các tuyến sông lớn như Thu Bồn, Trường Giang, Vĩnh Điện và tuyến Hội An – Cù Lao Chàm.
Để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 nâng tổng sản lượng hàng hóa qua cảng lên từ 8,5 đến 10,3 triệu tấn; hàng container đạt từ 0,6 đến 0,8 triệu TEU. Bên cạnh đó, lượng hành khách trên tuyến Hội An – Cù Lao Chàm cũng được kỳ vọng đạt 34.000 – 54.000 lượt khách mỗi năm.
Về hạ tầng, tỉnh sẽ phát triển 6 bến cảng với tổng cộng 10 cầu cảng, tổng chiều dài cầu cảng đạt khoảng 2.283m. Việc đầu tư sẽ tập trung tại các khu bến trọng điểm như Tam Hiệp và Tam Hòa, hướng tới phục vụ đa dạng các loại hàng hóa và nâng cao năng lực tiếp nhận tàu lớn.
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân từ 4,5 – 5,5%/năm và hành khách khoảng 1,7 – 1,8%/năm. Toàn bộ hệ thống cảng sẽ được hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại, đóng vai trò đầu mối quan trọng trong phát triển kinh tế vùng duyên hải miền Trung và khu vực Nam Trung Bộ.
Việc đầu tư phát triển hệ thống cảng biển không chỉ giúp giảm áp lực cho các cảng lớn tại khu vực lân cận như Đà Nẵng mà còn góp phần đưa Quảng Nam trở thành trung tâm logistics, thương mại – dịch vụ biển quan trọng của khu vực trong những năm tới.
Mới đây, Cục Hàng hải và Đường thủy VN cũng vừa trình Bộ Xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Ngãi dự kiến cần hơn 10.800 tỷ đồng để phát triển hệ thống cảng biển. Mục tiêu đến năm 2030, cảng biển Quảng Ngãi sẽ đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua từ 47,20 - 48,20 triệu tấn (chưa bao gồm hàng của các dự án mở rộng/xây mới Khu liên hợp sản xuất gang thép) và phục vụ từ 1,13 - 1,26 triệu hành khách.
Phong Vân