![](/fileman/Uploads/tbNews/11487/thumb/campuchia_kienthuc17nasg.jpg)
Đáp lại lời kêu cứu của nhân dân Campuchia và lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam đã giúp dân tộc Campuchia giải phóng khỏi ách thống trị của tập đoàn Pol Pot. Đã 40 năm trôi qua, nhưng việc vun đắp hơn nữa cho mối quan hệ Việt Nam – Campuchia phát triển tốt đẹp, bền vững muôn đời theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” luôn là trách nhiệm của nhân dân hai nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai.
Việt Nam trước sau như một
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt – Miên – Lào, ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã thống nhất và phối hợp chặt chẽ với nhau trong mọi chủ trương, hành động chiến lược và trên mọi mặt, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp đánh bại kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào đoàn kết chặt chẽ nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng”. Người căn dặn bộ đội Việt Nam trước khi lên đường sang giúp nước bạn: “Các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”.
Với việc ký kết Hiệp định Genève 1954, cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia bước vào thời kỳ mới. Song, đế quốc Mỹ vẫn nuôi tham vọng xâm lược, ra sức can thiệp vào miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia và mở rộng chiến tranh đến miền Bắc Việt Nam. Vì vậy, nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia tiếp tục phối hợp đấu tranh để bảo vệ thành quả cách mạng.
Dù Việt Nam không tiếc của cải, phương tiện và xương máu giúp Khmer Đỏ giải phóng Phnom Penh, giải phóng Campuchia. Nhưng ngay sau thắng lợi này, chúng đã lập tức phản bội, quay súng bắn thẳng vào các đồng chí Việt Nam thủy chung, thân thiết từng sát cánh với chúng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trên cõi Đông Dương. Khmer Đỏ đã xua quân đánh chiếm đảo Phú Quốc vào ngày 3-5-1975, đảo Thổ Chu ngày 10-5-1975, xâm phạm nhiều vùng lãnh thổ nước ta dọc biên giới từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Sang năm 1977, tập đoàn Pol Pot bên trong thì đẩy mạnh thanh trừng nội bộ, bên ngoài thì hô hào kích động hằn thù dân tộc với Việt Nam, tăng cường lấn chiếm lãnh thổ nước ta. Trước các khiêu khích của quân Khmer Đỏ, Việt Nam đã rất kiềm chế và tỏ rõ tinh thần thiện chí, hợp tác hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Nhưng bản chất của bè lũ Khmer Đỏ là không thay đổi. Cuối năm 1978 chúng liều lĩnh huy động tới 23 sư đoàn tấn công đại quy mô vào Việt Nam. Sau khi thực hiện quyền phòng vệ chính đáng, đáp lại lời kêu cứu của nhân dân Campuchia và lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam đã tiến vào Campuchia để giải phóng nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng. Vào ngày 7-1-1979, với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam, dân tộc Campuchia đã được giải phóng khỏi ách thống trị của tập đoàn Pol Pot, những kẻ đã cướp đi sinh mạng của gần 1/4 dân số Campuchia lúc đó.
Với những đóng góp đó, Quân tình nguyện Việt Nam được nhân dân Campuchia gọi là “đội quân nhà Phật”.
Vun đắp mối quan hệ
Trong các chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Campuchia Hun Sen luôn bày tỏ tình cảm sâu sắc về sự ủng hộ giúp đỡ to lớn, quý báu, vô tư, trong sáng, kịp thời có hiệu quả mà Việt Nam đã dành cho Campuchia trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cứu đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại cũng như trong sự nghiệp hòa hợp dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Ông khẳng định dù tình hình thế giới có thay đổi thế nào thì quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam cũng không thể thay đổi.
Đối với Việt Nam, việc tôn vinh, tri ân công lao, cống hiến to lớn của quân và dân ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và sự giúp đỡ vô tư, chí nghĩa, chí tình đối với nhân dân Campuchia, đồng thời với việc đấu tranh phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận sự hy sinh, giúp đỡ to lớn và trong sáng của nhân dân ta đối với nhân dân Campuchia đang được chú trọng, đẩy mạnh.
Do đó, thúc đẩy quan hệ hai nước theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” không chỉ là cam kết giữa lãnh đạo hai nước mà còn là vai trò, trách nhiệm của nhân dân hai nước, nhất là đối với thế hệ trẻ. Đó là, phải vun đắp hơn nữa cho mối quan hệ này phát triển tốt đẹp, bền vững muôn đời, vì lợi ích của nhân dân Campuchia và Việt Nam, xứng đáng với máu xương của biết bao thế hệ người Việt Nam và Campuchia đi trước.
Về kinh tế, Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ ba và đứng thứ năm trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Campuchia. Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia đã có bước tiến lớn, ước đạt 4,5 tỉ USD. Việt Nam tiếp tục thuộc top 10 nước có vốn đầu tư lớn nhất vào Campuchia với hơn 200 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 3 tỉ USD. Đặc biệt, hai nước đang phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt 5 tỷ USD trong thời gian tới.
Quan hệ Việt Nam và Campuchia đang tăng cường, cả hai nước đã hợp tác chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia. Việt Nam và Campuchia cũng khẳng định quyết tâm sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Hai nước cũng nhất trí thực hiện việc đảm bảo các quyền chính đáng của kiều dân hai nước được làm ăn, sinh sống bình thường như các kiều dân khác tại mỗi nước…