(QK7 Online) - Năm 2020, tiếp tục làm tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, Quân khu 7 có chất lượng thanh niên trúng tuyển đáp ứng yêu cầu cao về chính trị, đạo đức, sức khỏe, trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật. Sức khỏe loại 1, loại 2 chiếm trên 63% (tăng gần 4% so với năm 2019). Trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp, cao đẳng, đại học chiếm trên 21% (tăng 0,64% so với năm 2019). Đảng viên 503 đồng chí, đạt 3,15%. Có thể nói đó là sự nỗ lực rất lớn và sự đồng thuận cao của các lượng lượng trên địa bàn Quân khu 7.
Tiễn các anh lên đường nhập ngũ.
Điều đáng ghi nhận, khi có mặt trong lễ giao nhận quân vừa rồi của các địa phương thuộc Quân khu 7, chứng kiến những nghi thức trang trọng, những hoạt động vui tươi, sôi nổi mới thấy hết sự quan tâm, chu đáo, đầy trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể đối với thanh niên nhập ngũ.
Tôi cũng chứng kiến những cảnh chia tay đầy lưu luyến, bịn rịn của những gia đình có con em nhập ngũ; những vòng tay tha thiết và cả những nụ hôn thắm nồng của những bạn gái, trao vội cho bạn trai trước giờ xe chuyển bánh về đơn vị. Tôi cũng đã chứng kiến sự chia tay đầy cảm xúc của gia đình anh Nguyễn Công Tấn, nhà ở quận 4, thành phố Hồ Chí Minh, với con trai tân binh Nguyễn Công Tạ. Hay chị Nguyễn Thị Đẹp (45 tuổi, huyện Bình Chánh) có con trai nhập ngũ Tô Đức Vinh, hoặc anh Nguyễn Văn Quang ở Lâm Hà, Lâm Đồng có con gái là tân binh Nguyễn Trúc Sơn... Họ đều có chung niềm cảm xúc: Mừng cho con trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, là dịp để rèn luyện trưởng thành, nhưng cũng rất lo...
Lưu luyến lúc chia tay.
Những nụ cười và những giọt nước mắt. Nụ cười tươi của những thanh niên, nụ cười hãnh diện, đầy vinh dự, khi được khoác lên mình bộ quân phục, khoác lên mình trọng trách thiêng liêng với quê hương đất nước. Và những giọt nước: Có cả giọt nước mắt long lanh của những đôi trái gái yêu nhau, và cả giọt nước mắt của những bậc sinh thành - lo lắng cho những người con thân yêu của mình, sẽ ra sao khi rời xa vòng tay gia đình.
Âu đó cũng lẽ thường tình. Bởi lẽ, hàng ngàn thanh niên nhập ngũ chính là những “cậu ấm”, “cục cưng”, “cục vàng”… của các gia đình. Những cậu con trai, con gái bao năm được bao bọc, chiều chuộng, bây giờ bước vào cuộc sống quân ngũ, sẽ là một thách thức không hề nhỏ. Do thế, đưa con em mình vào môi trường Quân đội - một trường học lớn để rèn luyện thanh niên, là bao hi vọng, tin tưởng, gửi gắm của từng gia đình vào sự trưởng thành của con em mình. Đó cũng chính là niềm tin chính đáng của các bậc sinh thành đối với các đơn vị tiếp nhận.
Đón tân binh về đơn vị.
Vì vậy, để những tân binh này nhanh chóng hòa nhập môi trường mới; từng đơn vị không chỉ chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất; doanh trại, nơi ăn chốn ở khang trang, sạch đẹp; tổ chức huấn luyện chặt chẽ, đúng kế hoạch… mà còn hết sức chú trọng quân tâm chăm lo, giáo dục chiến sĩ mới, tạo sự yên tâm, tin tưởng ngay từ những ngày đầu về đơn vị và coi đơn vị như chính ngôi nhà gia đình. Từng đơn vị không chỉ đào luyện họ về kỹ năng người lính mà còn về kỹ năng sống, ứng xử, giao tiếp… và trên hết đó là nhân cách của một thanh niên, biết yêu thương, cống hiến, biết dấn thân để rèn luyện trưởng thành, trở thành một con người có ích cho xã hội, gia đình.
Đội ngũ cán bộ mà nhất là cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội phải thực sự mẫu mực, thực sự chăm lo cho chiến sĩ; bằng cả tình thương và trách nhiệm, bằng cả sự tận tình và nghiêm khắc để tiếp cận, cảm hóa, truyền lửa cho tân binh ngay từ những ngày đầu về đơn vị, để họ ý thức sâu sắc và làm tròn trách nhiệm của người lính trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Nguyễn Bắc