Thời gian qua, trên mạng internet và một số trang mạng giải trí, nhiều video, clip có nội dung xấu, độc hại, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam được đăng tải và trong các video này được chèn quảng cáo sản phẩm khiến các đơn vị, doanh nghiệp mua quảng cáo bị ảnh hưởng. Trước tình hình này, nhiều người cho rằng các cơ quan liên quan cần nhanh chóng tìm ra “liều thuốc đặc trị” để môi trường giải trí trên mạng được trong sạch.
Những nguy hại
Thời đại kỹ thuật số bùng nổ và phát triển không ngừng như hiện nay đã đem đến nhiều tiện ích cho con người, trong việc giải trí dễ dàng nhận thấy trên mạng có rất nhiều kênh, trang thông tin để mọi người lựa chọn. Nổi bật và được truy cập, sử dụng nhiều nhất chính là kênh giải trí YouTube khi chúng ta có thể trực tiếp đăng tải clip, video lên kênh này để chia sẻ với mọi người và ngược lại.
Tuy nhiên, trên nền tảng nhanh, tiện lợi và có tính chia sẻ, tương tác cao như vậy nên YouTube cũng tồn tại những mặt trái và sự nguy hại. Theo thống kê của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin & Truyền thông), tính đến ngày 15/3, cơ quan này đã phát hiện 8.000 clip có nội dung xấu, độc, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam phát trên kênh YouTube. Điều đáng lo ngại hơn, các clip có nội dung xấu, độc trên YouTube lại xuất hiện quảng cáo của các nhãn hàng đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam, như sản phẩm Vaseline, Pampers, Vinhomes, Sendo, Samsung Việt Nam, Yamaha...
Mặc dù Google, YouTube đã hợp tác với cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam nhưng mới chỉ ngăn chặn được 42/8.000 clip xấu, độc hại vi phạm pháp luật.
Ngăn chặn bằng cách nào?
Ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều đang phải đối mặt với vấn đề thông tin trên internet sai sự thật, nội dung không lành mạnh, phản giáo dục, ảnh hưởng tới người sử dụng, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, thiếu nhi. Mỗi quốc gia đều phải có những biện pháp để hạn chế và kiểm soát các nội dung này và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Mới đây Bộ Thông tin & Truyền thông đã có cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp, thương hiệu lớn đang có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo trên mạng và công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo từng có quảng cáo bị chèn trên kênh YouTube cũng như nhiều trang giải trí đăng tải clip phản cảm, độc hại vi phạm pháp luật Việt Nam. Theo đó, Bộ Thông tin &Truyền thông đã có văn bản gửi các doanh nghiệp về việc nhiều quảng cáo, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp được gắn trong các video có nội dung xấu, độc hại, vi phạm pháp luật Việt Nam. Nhận thức được nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn và uy tín của thương hiệu, các doanh nghiệp và đại lý quảng cáo cho biết rằng đã tạm dừng sử dụng dịch vụ quảng cáo trên Google và YouTube.
Các chuyên gia cho biết, dịch vụ quảng cáo của Google, YouTube đang áp dụng chế độ quảng cáo tự động bằng các thuật toán, do đó cũng không kiểm soát hết được các trường hợp nằm ngoài thuật toán. Chính vì lý do này, Bộ Thông tin & Truyền thông đề nghị các doanh nghiệp cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện quảng cáo đúng quy định pháp luật của Việt Nam. Trong khi đó, Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có các biện pháp ngăn chặn, xử lý các tình trạng quảng cáo vi phạm trên các kênh thông tin giải trí cũng như Youtube. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, trong khi chờ đợi biện pháp kỹ thuật, sửa đổi, khắc phục của YouTube, Google về các video, clip phản cảm và độc hại thì doanh nghiệp nên tạm dừng quảng cáo để tránh các vi phạm về quảng cáo, thuần phong mỹ tục... theo quy định pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông kêu gọi cộng đồng sử dụng internet ở Việt Nam cùng chung tay, chủ động tránh xa và ngăn chặn các nội dung xấu độc, các tin giả mạo, thất thiệt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật của Việt Nam trên môi trường mạng.
(SKĐS)