Văn hóa - Kinh tế - Xã hội

Văn hóa
Next
Prev
Thứ bảy, 30/09/2017, 15:41 (GMT+7)
1988 lượt xem

Nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật truyền thống

Không ngẫu nhiên mà UNESCO đề ra danh hiệu “Báu vật nhân văn sống” (Living Human Treasures) dành tặng những nghệ nhân văn hóa có công lưu giữ, bảo tồn, phát huy và trao truyền những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc. Họ chính là linh hồn, là lý do tồn tại những di sản độc đáo của một cộng đồng, một dân tộc.

Thiếu những “báu vật nhân văn sống”, giá trị văn hóa, nghệ thuật quý, hiếm của quốc gia sẽ khó có thể trường tồn, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.


Sưu tầm, lưu giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu.Ảnh: langvietonline.vn


Theo tiến trình phát triển của lịch sử loài người nói chung, của mỗi dân tộc nói riêng, khi những cái mới ra đời ngày càng nhiều thì nguy cơ cái cũ bị thu hẹp lại, thậm chí mất dần đi khó có thể tránh khỏi. Điều này dễ thấy nhất trong lĩnh vực văn hóa truyền thống của một dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, trước sự giao lưu, xâm nhập của các luồng, các loại hình văn hóa của các dân tộc diễn ra ngày càng mạnh mẽ, thì việc lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của quốc gia càng phải được quan tâm coi trọng. Bất cứ sự sao nhãng, thờ ơ nào đối với di sản tốt đẹp của tổ tiên, ông cha để lại, không chỉ có lỗi với các bậc tiền nhân, mà còn có lỗi với cả nền văn hóa hiện tại và tương lai của nước nhà.

 

Việt Nam tự hào là một trong những nước có nền văn hóa độc đáo, phong phú, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu mà khi tập hợp lại, cả dân tộc Việt là một “vườn hoa” đầy hương sắc. Tuy vậy, theo nhận định của Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), những năm gần đây, nhiều ngành học nghệ thuật truyền thống, như: Chèo, tuồng, cải lương, ca kịch Huế, múa dân gian và một số ngành văn hóa đặc thù của các dân tộc thiểu số ở nước ta đang rất khó tuyển sinh. Dù đây là những ngành không “hot”, nhu cầu của xã hội không cao, nhưng không thể không duy trì tuyển sinh, đào tạo vì sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc. Hay nói cách khác, nếu để những ngành này “tự bơi” trong điều kiện cơ chế thị trường hiện nay thì nguy cơ “chết đuối” là khó tránh.
 

Với mong muốn vực dậy những loại hình nghệ thuật truyền thống quý, hiếm của dân tộc, mới đây Chính phủ giao cho các trường văn hóa-nghệ thuật đào tạo 300 chỉ tiêu thuộc các chuyên ngành biểu diễn múa dân gian, biểu diễn chèo, tuồng, cải lương, ca kịch Huế, cùng một số ngành khác có quy trình, yêu cầu đào tạo khắt khe như sáng tác âm nhạc, lý thuyết âm nhạc, chỉ huy hợp xướng, xiếc và tạp kỹ… Như vậy, tương lai của những ngành học này tuy chưa xán lạn, song cũng đủ để những người theo đuổi niềm đam mê những môn nghệ thuật quý, hiếm này thêm “nhẹ nhõm” vì được Nhà nước hỗ trợ, quan tâm bằng cơ chế, chính sách thuận lợi hơn.
 

“Bấp bênh như chèo, nghèo như cải lương, đoạn trường như tuồng, buông lơi như xiếc”. Đấy là nỗi niềm của những người gắn bó lâu năm với những bộ môn nghệ thuật này. Dăm bảy năm miệt mài “kinh sử” trong nhà trường, hàng chục năm “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trên sàn diễn, tự mình hóa thân hỉ, nộ, ái, ố cùng nhân vật, nhất là phải lao tâm khổ tứ lắm mới luyện tập và giữ gìn được “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” để tồn tại được với nghề, nhưng có một thực tế là phần lớn các nghệ sĩ, diễn viên sân khấu truyền thống, nhất là ở khối các đơn vị nghệ thuật địa phương, đang phải vật lộn với nỗi lo “cơm áo gạo tiền”.
 

Nhắc lại điều đó để thấy, những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống vẫn đang gặp khó bởi phải “sống” cùng “cơn bão” phim bom tấn đang “bùng nổ” tại các rạp chiếu phim hiện đại, các chương trình ca nhạc “dư âm thanh chói tai, thừa ánh sáng lòe loẹt” ở đô thị và các chương trình giải trí, gameshow thực tế “thừa lời, thiếu chất".
 

Tất nhiên, như người ta thường nói, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng để những tinh túy, hồn cốt đã làm nên giá trị văn hóa Việt qua mấy thiên niên kỷ không bị hòa tan trong thế giới hội nhập, thì việc "truyền lửa" và nuôi dưỡng niềm đam mê, nhiệt huyết cho các em học sinh, sinh viên theo đuổi các loại hình nghệ thuật truyền thống quý, hiếm của dân tộc, chính là một cách giữ lại “sợi dây” tinh thần nối liền giữa tiền nhân với thế hệ hôm nay và mai sau.

Nguồn: qdnd.vn

TIN MỚI NHẤT

DƯ LUẬN QUAN TÂM

BẢN TIN TRUYỀN HÌNH QUÂN KHU 7

PHÓNG SỰ ẢNH

ĐỌC BÁO IN

BẠN CẦN BIẾT

DỰ BÁO THỜI TIẾT

Thiết kế phần mềm Công ty phần mềm GSOT GROUP