Những ai có dịp đến UBND xã Chánh Phú Hòa liên hệ công tác, làm việc đều có thể nhìn thấy tượng đài - công viên Đoàn Thị Liên được xây dựng ngay sát bên cạnh. Công trình này do đoàn viên thanh niên tỉnh nhà đóng góp cùng ngân sách tỉnh xây dựng, khánh thành đưa vào phục vụ nhân dân từ tháng 7/2010. Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, công trình này có ý nghĩa vô cùng quan trọng về lịch sử, chính trị; là địa điểm giáo dục truyền thống, học tập, sinh hoạt góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của các thể hệ thanh thiếu nhi và Nhân dân địa phương. Mỗi người dân khi đến đây tìm hiểu về lịch sử, về tấm gương nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Đoàn Thị Liên, sẽ càng hiểu hơn về truyền thống hào hùng của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh nhà, để từ đó có sự phấn đấu trong học tập, rèn luyện để xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước.
Bà Đoàn Thị Liên sinh ra tại xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên. Gia đình chị có đến 10 người con và chị là con gái thứ bảy. Do chiến tranh, khoảng năm 1952-1953, gia đình bà dời từ Vĩnh Tân về xã Chánh Phú Hòa sống (ấp chiến lược Chánh Phú Hòa). Thế nên, vùng đất Chánh Phú Hòa được xem là “quê hương thứ hai” của nữ anh hùng Đoàn Thị Liên. Ngay từ những ngày còn nhỏ, sớm chứng kiến cảnh quê hương, làng xóm mình bị giặc đánh phá nên tinh thần cách mạng trong con người chị đã sớm hun đúc và được nuôi dưỡng ngày một lớn lên, trở thành một cô gái hết sức gan dạ.
Để hiểu hơn về người nữ anh hùng - liệt sĩ Đoàn Thị Liên, chúng tôi đã tìm gặp một số người thân của chị. Một trong những người mà chúng tôi từng có dịp trò chuyện là ông Đoàn Văn Bo, em trai út của chị Liên. Ông Bo chia sẻ khi chị Liên hy sinh anh còn rất nhỏ, nên hình ảnh và những kỷ niệm về chị gái của mình anh không nhớ hết. Khi lớn lên, qua kể lại của các anh chị trong gia đình, ông mới biết chị Liên là một cô gái rất nhanh nhẹn, hoạt bát, lại đẹp người, đẹp nết. Anh cũng tìm hiểu từ những người đồng đội của chị để biết thêm về quá trình tham gia cách mạng và hy sinh của chị Liên. Anh Bo là người đang nhang khói, thờ tự chị Đoàn Thị Liên cùng 3 anh, chị (cũng là liệt sĩ) và cha mẹ mình tại nhà. Ông cho biết ngoài liệt sĩ Đoàn Thị Liên (chị Bảy), gia đình anh còn có 3 liệt sĩ, đó là liệt sĩ Đoàn Văn Đúng (anh Tư), Đoàn Văn Ga (anh Năm) và Đoàn Thị Mỹ (chị Chín). Mẹ của ông cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng.
Là một gia đình có truyền thống cách mạng, nên từ nhỏ bà đã sớm ảnh hưởng bởi truyền thống gia đình mình. Để chung sức cùng quê hương đánh giặc, hai người anh (liệt sĩ Đoàn Văn Đúng và Đoàn Văn Ga) của bà sớm thoát ly gia đình tham gia hoạt động cách mạng địa phương. Thế nên gia đình bà thường bị bọn tề ấp kiếm cớ hoạnh họe, bắt bớ. Để tránh sự bắt bớ của chúng, gia đình bà phải di chuyển qua nhiều nơi. Sống trong cảnh gia đình bị chèn ép, quê hương bị đàn áp, ý chí cách mạng của bà Liên cũng dần được hun đúc. Cộng thêm đó là sự căm thù giặc sâu sắc, bà Liên sớm giác ngộ đi theo cách mạng. Những năm 1963-1964, cô gái Đoàn Thị Liên thoát ly gia đình tham gia hoạt động cách mạng vào đội du kích xã Chánh Phú Hòa. Sau đó không lâu, bà được cử làm xã đội phó. Đầu năm 1965, bà được giao nhiệm vụ chỉ huy một trung đội thanh niên dân công hỏa tuyến phục vụ đơn vị bộ đội chiến đấu tại tỉnh nhà. Theo chủ trương của trên, ngày 24-4-1965, bà chỉ huy một trung đội TNXP từ Thủ Dầu Một hành quân đến căn cứ R thành lập đội TNXP giải phóng miền Nam làm nhiệm vụ “5 xung phong”. Ngày 1-12-1965, Đoàn Thị Liên trở thành Trung đội trưởng, Đại đội 112 TNXP Thủ Dầu Một mang tên “Phú Lợi căm thù”.
Thà hy sinh...
Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng bà Liên cùng đồng đội luôn có mặt trên chiến trường để phục vụ kịp thời cho cách mạng. Nhiệm vụ của TNXP luôn đối mặt với vô vàn khó khăn, gian khổ, nhưng với ý chí kiên cường, tinh thần gan dạ và sức chịu đựng bền bỉ, bà Liên luôn cùng đồng đội khắc phục khó khăn, sát cánh bên nhau để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong mỗi trận đánh.
Để kịp thời tiếp lương, tiếp đạn, cứu chữa cho thương binh, trong mỗi trận đánh, các chiến sĩ TNXP luôn phải bám sát chiến trường. Không cầm súng chiến đấu trực tiếp nhưng họ cũng phải băng mình qua mưa bom, bão đạn mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những lúc đó, bà Liên luôn suy nghĩ và động viên đồng đội mình: “Chiến trường còn thương binh thì TNXP chưa rời trận”. Bản thân bà luôn là người tiên phong, gương mẫu đi đầu. Trong trận chống càn ở phía Bắc Sông Bé, nơi đóng quân của đơn vị bị pháo địch bắn tới tấp. Bất chấp hiểm nguy, bà tìm cách lao ra khỏi hầm để chuẩn bị cơm nước phục vụ cho đơn vị hành quân. Không may, một chiến sĩ bị trúng đạn giặc ngã xuống cách công sự của bà Liên khoảng 50m. Lúc đó, trong đầu bà nhanh chóng nghĩ ngay: “Phải cứu chiến sĩ ta, không pháo địch dập tới mất”. Bà nhanh chóng lao ra khỏi công sự để cõng chiến sĩ bị thương đó, rồi phối hợp cùng các đồng đội chuyển gấp chiến sĩ bị thương ấy về tuyến sau để được cứu chữa kịp thời.
Vào mùa mưa năm 1966, Sư đoàn 9 phối hợp với Trung đoàn 6 tiến hành trận giao thông chiến chặn đánh tiêu diệt xe cơ giới Mỹ trên đường 13 tại cầu Cần Lê (đoạn từ An Lộc đi Lộc Ninh). Lúc đơn vị chuẩn bị xuất quân thì bà bị sốt nặng. Do đó, đơn vị phân công chị ở lại, nhưng bà vẫn nhất quyết đòi ra trận bằng được. Cuối cùng, bà cũng có mặt trong đội hình xuất phát. Trận đánh diễn ra rất ác liệt, xe tăng địch được sự yểm trợ của máy bay phản lực, trực thăng vũ trang và pháo tầm xa đã phản kích quyết liệt. Trên chiến trường, nhiều chiến sĩ của ta đã bị thương. Không ngại hiểm nguy, bà Đoàn Thị Liên cùng đồng đội bò dưới làn đạn pháo địch tìm kiếm thương binh. Sau khi cõng được 2 thương binh về hầm trú ẩn của mình, do hầm chật nên chị tạm núp sau gò mối để chuẩn bị trở lại trận địa tìm thương binh. Bất ngờ, một quả đạn pháo nổ vang, bà Liên bị một mảnh đạn ghim vào lưng. Trong tiếng gầm thét của máy bay phản lực, tiếng nổ xé trời của bom đạn, đồng đội vẫn nghe tiếng chị la lớn: “Chị em xông ra trận địa cõng thương binh về hầm, nhanh lên!”. Nén lại nỗi đau, bà trườn về phía hầm trú ẩn, rồi kêu gọi đồng đội: “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai”. Vừa dứt lời, một chiếc máy bay nhào xuống thả bom ở khu vực gần công sự. Bà Liên lao tới, dùng thân hình bé nhỏ của mình che kín miệng hầm trú ẩn. Một quả bom nổ ngay miệng hầm, bà Liên trúng thêm nhiều mảnh đạn và lịm đi. Hai chiến sĩ bị thương đang trú ẩn dưới hầm không bị thương tích gì thêm, nhưng đã chứng kiến cảnh một cô gái TNXP bé nhỏ đã anh dũng hy sinh để che đạn cho mình. Đó là gần trưa ngày 10-7-1966.
Hành động gan dạ, anh hùng của người nữ TNXP Đoàn Thị Liên và câu nói trước lúc chị ngã xuống: “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai” đã nhanh chóng lan khắp chiến trường ngày ấy. Hành động và sự hy sinh anh dũng của bà đã tiếp thêm sức mạnh, động lực tiến lên cho lực lượng TNXP trên các chiến trận. Câu nói của bà đã trở thành lời thề và truyền thống của lực lượng TNXP giải phóng miền Nam.