Hình minh họa
Đề xuất nới cửa vay vốn cho người mua nhà lần đầu, kể cả ở tuổi 60
Các chuyên gia kiến nghị mở rộng chính sách hỗ trợ, không giới hạn độ tuổi mà tập trung vào nhu cầu thực tế là người mua căn nhà đầu tiên.
Theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu triển khai các gói tín dụng ưu đãi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế và cho người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở.
Tại tọa đàm mới đây, ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá cao gói hỗ trợ cho người trẻ vay mua nhà. Tuy vậy, để các gói hỗ trợ đi vào cuộc sống, ông Châu kiến nghị bổ sung vào về giới hạn độ tuổi được vay và có thêm chính sách hỗ trợ cả người mua nhà lần đầu.
Theo ông Châu, Chỉ thị 05 có đề cập là người trẻ là từ 35 tuổi xuống thì quá trẻ. Vì vậy Hiệp hội đề nghị là người trẻ nên tính tới mức độ là 45 tuổi trở xuống là hợp lý. Ông Châu cũng cho biết, nhu cầu nhà ở của người trẻ hiện nay với mức giá khoảng 3 tỷ đồng/căn là rất lớn. Tuy nhiên, thị trường lại đang khan hiếm nguồn cung phù hợp. Do đó, ông kỳ vọng sẽ có cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy phát triển phân khúc này.
Giảm một nửa xã, phường tại Hà Nội
Tại Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP. Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý I/2025, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh đã công bố lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, theo đó, Hà Nội sẽ còn khoảng 50% số đơn vị hành chính sau khi thực hiện sáp nhập.
Dự thảo phương án sắp xếp được Sở Nội vụ Hà Nội xây dựng trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND TP Hà Nội. Phương án này đặt ra nguyên tắc đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đồng thời không làm gián đoạn công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, các đơn vị hành chính cấp xã có vị trí liền kề, có định hướng phát triển tương đồng sẽ được sắp xếp để hỗ trợ lẫn nhau, tạo động lực kinh tế. Việc điều chỉnh này sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, tinh giản bộ máy và tăng hiệu quả quản lý nhà nước.
Hai trường hợp không bắt buộc phải sắp xếp gồm: Đơn vị hành chính có vị trí biệt lập, khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các khu vực lân cận và những đơn vị có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh.
Mỹ áp thuế Việt Nam 46%, nhà đầu tư bất động sản có rơi vào thế “phòng thủ”?
Quyết định bất ngờ của Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam sẽ tác động lớn đến Việt Nam. Đối với thị trường bất động sản, vấn đề thuế quan có thể sẽ tạo nên tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư.
Tại tọa đàm “Bất động sản 2025 - Nhà ở cho người trẻ”, ông Võ Hồng Thắng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng DKRA Consulting nhận định, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng đối với nhiều quốc gia, trong đó có mức thuế lên tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, đang tạo ra những biến số lớn cho nền kinh tế.
Theo ông, các kịch bản dự báo thị trường Bất động sản trong thời gian tới buộc phải điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế, khi môi trường vĩ mô quốc tế đang tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.
Ông Thắng cho biết, trong kịch bản có thể đàm phán được vấn đề thuế quan, nền kinh tế trong nước tiếp tục duy trì đà phát triển như trong quý 1/2025, kết hợp với định hướng của Chính phủ cùng những thành quả kinh tế đạt được trong thời gian qua thì thị trường Bất động sản vẫn có cơ hội tăng trưởng.
Hơn 340 dự án nhà ở thương mại tại TP.HCM đón tin vui
Theo thống kê, trên địa bàn Thành phố có 343 dự án nhà ở thương mại dưới 20 ha mà không có đất ở. Việc thí điểm mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại đã mở ra một nguồn lực rất lớn cho Thành phố.
Phát biểu tại Phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội quý 1 và nhiệm vụ, giải pháp quý 2/2025 trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết ngày 1/4, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định quan trọng, giúp TP.HCM khơi thông được nguồn lực đất đai, giải quyết các dự án tồn đọng.
Đầu tiên là Nghị định số 75/2025 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 171 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Theo đó, nhà đầu tư được thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp (đất thương mại dịch vụ) không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại. UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, cấp phép cho tổ chức kinh doanh Bất động sản nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Hai thế hệ chiếm gần một nửa dân số thế giới sẽ định hình lại thị trường bất động sản
Chiếm gần một nửa dân số thế giới, thế hệ Millennial và gen Z chiếm 44% dân số Việt Nam; khoảng 70% trong số đó là người mua, người thuê nhà và nhà đầu tư bất động sản tiềm năng.
Trong cập nhật “Thế hệ mới thay đổi cuộc chơi Bất động sản” mới đây, Avison Young Việt Nam đánh giá thế hệ millennial (hay gen Y, sinh từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990) và thế hệ Z (gen Z, sinh từ cuối thập niên 1990 đến cuối thập niên 2000) với quy mô đạt gần một nửa dân số thế giới sẽ sớm trở thành nhóm người có sức ảnh hưởng lớn nhất trong thị trường Bất động sản.
Không giống các thế hệ trước, gen Y và gen Z bước vào thị trường Bất động sản với tâm thế và nhu cầu hoàn toàn khác biệt. Thay vì coi sở hữu nhà là mục tiêu hàng đầu, người trẻ ngày nay có xu hướng lựa chọn hình thức thuê, thuê-mua hoặc sống chung để thích ứng với chi phí nhà ở tăng nhanh hơn thu nhập.
Điểm chung nổi bật của thế hệ này là khả năng tiếp cận công nghệ vượt trội. Với họ, công nghệ trong nhà ở không còn là điều xa xỉ mà trở thành nhu cầu thiết yếu. Họ tìm kiếm những ngôi nhà tích hợp công nghệ với các tính năng như hệ thống an ninh hiện đại, trợ lý ảo, thiết bị tiết kiệm năng lượng và điều khiển nhiệt độ phòng từ xa.
Hà Nội thu gần 7.000 tỷ từ đấu giá đất trong 90 ngày
Ngay trong 3 tháng đầu năm 2025, Hà Nội đã thu về khoảng 6.860 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất – tương đương 34% chỉ tiêu cả năm. Thông tin này được đưa ra tại hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý 1/2025 diễn ra chiều 3/4.
Đây được xem là tín hiệu khởi đầu tích cực trong bối cảnh thành phố đang thúc đẩy hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng và chuẩn bị cho quá trình sáp nhập đơn vị hành chính.
Theo Kế hoạch 21, giai đoạn 2024–2025, Hà Nội dự kiến tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cho 735 dự án (trong đó có 284 dự án chuyển tiếp) với tổng diện tích lên tới 555,21 ha. Chỉ riêng trong năm 2024, theo Quyết định 6336, thành phố đặt mục tiêu thu ngân sách từ đấu giá đất là 25.105 tỷ đồng. Kết thúc năm, con số đạt được là 18.599 tỷ đồng (tương đương 74%), và đến quý I/2025, đã tiếp tục tiến thêm một bước dài với gần 7.000 tỷ đồng thu về.
Hoàng An