(QK7 Online) - Tôi có cảm giác rất lạ, mỗi khi đứng trước bức tường đá hoa cương khắc ghi danh tính của hơn 4.000 liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ trong khu Di tích lịch sử Quốc gia Long Khốt (Vĩnh Hưng-Long An), tôi như gặp đồng đội trở về. Hàn huyên, trò chuyện sau bao ngày xa cách, tôi đi tìm tên tôi trong hằng hà tên đồng đội, như tìm chỗ đứng của mình trong đội ngũ những người lính chiến.
Tôi nhớ cách đây không lâu, khi dự định làm sa bàn về trận đánh Chi khu Long Khốt, chúng tôi tìm gặp Thiếu tướng Vũ Viết Cam, nguyên Trung đoàn phó trực tiếp chỉ huy đánh Long Khốt nhiều lần, để ông lý giải vì sao cái căn cứ nhỏ nhoi này mà ta tổn thất nhiều thế. Vị tướng già bùi ngùi lấy khăn chấm mắt, bảo rằng: Do vị trí hiểm độc, nên địch xây dựng căn cứ này quá kiên cố. Hàng chục hàng rào, bãi mìn, lô cốt, giao thông hào. Lại nữa để bảo vệ chi khu này, địch đã tăng cường lực lượng tầm ngắn, tầm xa, cố thủ ngăn chặn đại quân ta tiến về đồng bằng.
À ra thế. Điều ấy có nghĩa là Chi khu Long Khốt nhỏ nhoi thôi, nhưng tuyến hành lang từ biên giới xuống mảnh đất chín rồng mới thật có ý nghĩa chiến lược. Và, vì thế, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, gốc cây, cụm lúa.
Cựu chiến binh Trình Tự Kha, năm 1973 đánh Long Khốt là khẩu đội trưởng ĐKZ kể lại, trong Chi khu Long Khốt có một bức tường. Trên bức tường ấy, cứ vài ngày lại xuất hiện những dòng chữ như trò chơi của trẻ chăn trâu. Bộ đội ta chiếm được thì ghi giờ này, ngày này chúng tao đã chiếm được Long Khốt. Địch phản công chiếm lại đồn, lại ghi: Long Khốt thuộc về chúng tao, giờ này, ngày này. Để ghi được những dòng chữ tưởng như đơn giản ấy, đã có biết bao người lính nằm xuống. Thân thể họ đã biến thành đất đai của Tổ quốc. Và, hồn họ đã bay lên hóa linh khí quốc gia.
Năm 2008, sau bao năm xa cách, tôi và Trình Tự Kha về thăm lại chiến trường xưa Vĩnh Hưng, Long Khốt. Đứng trước dòng sông, nơi có hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 174 (Đoàn Cao Bắc Lạng) nằm lại, mắt tôi nhòe đi. Tôi nghe văng vẳng trong đầu mình, như có ai đọc và tôi lấy bút ghi lại:
Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia.
Hai câu thơ, cặp vế đối này lần đầu tiên được khắc trên quả chuông đồng nặng gần 200kg đặt tại Đền thờ liệt sĩ Long Khốt. Và, bây giờ có hàng chục nơi khắc trên chuông đồng, hoành phi nơi thờ tự và ghi danh liệt sĩ.
HAI
Có lẽ thế, chúng tôi chưa có tên trong danh sách tại Đền thờ liệt sĩ Long Khốt bởi đồng đội cử chúng tôi ở lại. Sau chiến tranh có bao nhiêu việc phải làm, trong đó có việc tri ân và hỗ trợ gia đình liệt sĩ. Cũng vì thế, các thành viên Ban liên lạc truyền thống CCB Trung đoàn 174 – những người giải phóng Lộc Ninh, Long Khốt, Tân An…, chúng tôi đứng ra vận động thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM. Một trong những việc đầu tiên, chúng tôi thực hiện là trả lại tên cho liệt sĩ và hỗ trợ các mẹ liệt sĩ đang gặp khó khăn về đời sống.
Chia sẻ đồng hành với chúng tôi, những doanh nhân, doanh nghiệp thành đạt, nghĩa tình đã chung tay cùng biến ước mơ của các cựu chiến binh thành hiện thực. Cựu chiến binh Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch, Tổng giám đốc Liên minh HTX dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai (Donacoop) đảm nhận toàn bộ chi phí xây lại ngôi Đền thờ liệt sĩ tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt. Đó là một sự kiện diễn ra như trong mơ. Chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng, đền thờ liệt sĩ (mới) tại Long Khốt được xây dựng với quy mô nhất nhì khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, miền Tây Nam Bộ.
Đêm trước khánh thành đền, chúng tôi làm lễ thả hoa đăng. Tôi đi dọc bờ sông Long Khốt, theo ánh nến phập phồng như những cánh sen trôi trên dòng sông đã thắm máu biết bao đồng đội, lòng khôn xiết mừng vui. Mừng vì từ nay, linh hồn đồng đội thân yêu đã có ngôi nhà chung để hàn huyên, trò chuyện. Vui vì ước mơ của những người ở lại đã trở thành sự thật. Long Khốt nơi thắm máu của hàng ngàn đồng đội chúng tôi đã trở thành mảnh đất thiêng liêng – Di sản lịch sử Quốc gia như các vùng đất thiêng khác: Ngã ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị, Tàu Ô, Xóm Ruộng, Côn Đảo, Phú Quốc…