Ai có thể bị ngừng giao dịch ngân hàng khi không làm lại Căn cước?
Thẻ Căn cước của công dân được xem là hết hiệu lực khi công dân đã được cấp thẻ căn cước nhưng đến độ tuổi phải thực hiện cấp đổi nhưng không thực hiện việc cấp đổi thì thẻ căn cước đó bị hết hiệu lực
Độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước được quy định khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Trường hợp thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi tiếp theo.
Do đó, năm 2025 các đối tượng có độ tuổi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi phải làm thủ tục cấp đổi thẻ căn cước gồm các đối tượng có năm sinh: 2011; 2000; 1985; 1965
Bên cạnh đó, căn cứ tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 17/2024/TT-NHNN thì cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng bao gồm:
- Người từ đủ 15 tuổi trở lên không bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định
- Người chưa đủ 15 tuổi, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện
- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ
Như vậy, kể từ năm 2025 những người sinh năm 2000; 1985; 1965 có thể bị ngừng giao dịch ngân hàng nếu không làm lại thẻ căn cước thuộc trường hợp phải cấp đổi thẻ Căn cước do thuộc độ tuổi phải cấp đổi thẻ Căn cước.
Ngoài ra, hết năm 2024, những ai sinh năm 1999, 1984 và 1964 có CCCD được cấp từ trước thời điểm năm 2022 thì phải thực hiện thủ tục đổi thẻ mới (Nếu đã đổi thẻ từ năm 2022 trở về sau thì vẫn được tiếp tục sử dụng thẻ này đến mốc tuổi phải đổi thẻ tiếp theo).
Phí làm lại thẻ căn cước
Thông tư số 73/2024/TT-BTC quy định mức thu, miễn, chế độ thu, nộp lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước như sau:
- Cấp đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 70/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước: 30.000 đồng/thẻ căn cước;
- Cấp đổi thẻ căn cước đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước: 50.000 đồng/thẻ căn cước;
- Cấp lại thẻ căn cước đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Căn cước: 70.000 đồng/thẻ căn cước.
*Kể từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 31/12/2025, mức thu lệ phí khi công dân nộp hồ sơ cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo hình thức trực tuyến bằng 50% mức thu lệ phí quy định nêu trên.
Kể từ ngày 01/01/2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí theo quy định nêu trên.
Điều 24 Luật Căn cước quy định các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước 1. Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm: a) Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. b) Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; c) Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật; d) Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước; đ) Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính; e) Xác lập lại số định danh cá nhân; g) Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu. 2. Các trường hợp cấp lại thẻ căn cước bao gồm: a) Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại Điều 21 của Luật này; b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam. |
Phương Vũ