Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có một người dân bị tử vong do cây ngã đè trúng người trên đường Nguyễn Văn Linh - 9A, khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Mưa lớn kèm gió mạnh khiến nhiều cây xanh trên địa bàn thành phố bị đổ ngã. Nghiêm trọng nhất là trường hợp ông Nguyễn Văn Tân (58 tuổi, quê Đồng Tháp, tạm trú ở quận 7, TP.HCM) đi xe máy trên đường Nguyễn Văn Linh (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) thì bị một cây xanh đường kính 2,3 m đè trúng. Theo công an xã Bình Hưng, 14h15 nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng hơn 30 phút sau đã tử vong. Ngay sau sự việc, lực lượng chức năng tiến hành cưa cây, dọn dẹp trong mưa gió.
Trong sáng sau bão 26/11, TP.HCM vẫn còn mưa, nhiều nơi còn ngập nước, người dân di chuyển khó khăn. Khu vực Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh hiện đang bị ngập nhiều đoạn dài. Theo sở GTVT TP.HCM, đây là khu vực ngập nặng nhất sáng nay khiến nhiều xe chết máy, gây cản trở giao thông.
Quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Hàng Xanh kẹt cứng, ôtô không thể di chuyển, nhiều chiếc lùi quay đầu trở lại từ ngã tư Hành Xanh.
Trước đó, tại đường Duyên Hải đoạn qua khu phố Miễu Nhì, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, lúc 14h ngày 25/11, một cây phượng cao khoảng 10m trên bị bật gốc làm đứt đường dây điện khiến khu vực này bị mất điện.
Cây xanh đổ đè đứt dây điện khiến khu vực này mất điện, nhân viên điện lực phối hợp cùng các lực lượng liên quan khắc phục sự cố.
Hàng trăm chiến sĩ cảnh sát, bộ đội biên phòng vẫn đang nỗ lực khắc phục sự cố. Đến 16h30 cùng ngày, gió vẫn thổi mạnh tại huyện Cần Giờ.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, địa bàn của toàn bộ 10 đồn biên phòng đóng tại các địa phương ven biển của tỉnh đều an toàn; các ghe, tàu được tổ chức sắp xếp tốt từ trước nên đều được neo đậu chắc chắn tại các bến. Trước đó, thời điểm 3 giờ ngày 25/11, lực lượng bộ đội Biên phòng ở các đồn vẫn rà soát và cưỡng chế nhiều ngư dân ở trên tàu đưa lên bờ để đảm bảo an toàn.
Cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng Bến Đá, Phước Thuận và Chí Linh còn sắp xếp cho 250 người dân thuộc địa bàn đến ở tránh bão an toàn.
Liên quan đến tàu cá BV 97877 TS với 8 người trên tàu (trong đó có 3 cán bộ của Viện Hải Dương học Nha Trang) bị mất liên lạc từ ngày 24/11, hiện lực lượng chức năng đã liên lạc được và vẫn an toàn.
Theo báo cáo của tỉnh, chưa ghi nhận báo cáo thiệt hại về người, nhưng bão số 9 đã làm 50 căn nhà bị tốc mái, một dãy phòng học Trường Tiểu học Phước Thắng (thành phố Vũng Tàu), 3 lớp học ở Trường Tiểu học Sông Cầu (huyện Châu Đức) và 4 căn nhà tại thành phố Bà Rịa bị cháy do chập điện. Thiệt hại nhiều nhất là các huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc, mỗi địa phương có 15 căn nhà bị tốc mái, huyện Long Điền 12 căn. Trên địa bàn tỉnh có hơn 71ha hoa màu, cây ăn quả, cây lâu năm bị ảnh hưởng với mức độ không quá nghiêm trọng.
Đến thời điểm này, theo đại diện công ty CP Phát triển Công viên cây xanh và Đô thị Vũng Tàu, có khoảng 1000 cây xanh như: Sao, dầu, điệp,… bị đổ, gãy (cây gãy đổ có tuổi đời khoảng 8-10 năm, có 3 cây cổ thụ 50-100 tuổi cũng bị gãy đổ).
Cổ thụ hơn 100 tuổi bị bật gốc, đổ sập vào Công ty công trình giao thông Bà Rịa - Vũng Tàu trên đường Nguyễn Du.
Lực lượng chức năng thuộc Công ty phát triển công viên, cây xanh Vũng Tàu tổ chức cắt cây bị đổ, giải tỏa giao thông.
Trong khi đó, tại TP.Vũng Tàu có 3 căn bị tốc mái, 6 tàu cá loại nhỏ (dưới 20CV) neo đậu tại khu vực Bãi Trước bị chìm và 1 tàu đứt neo trôi chưa tìm được. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn đã kịp thời cứu được 5 ngư dân đưa về bờ an toàn vào sáng 26-11 khi họ cố cứu ghe bị chìm ở Bãi Trước, thành phố Vũng Tàu chiều tối 25-11.
Tỉnh Bình Thuận
Tại TP Phan Thiết, sóng lớn đã đánh sạt lở 2,5 km bờ biển tại phường Hàm Tiến, 33 thuyền máy bị chìm và hư hỏng (công suất dưới 20CV). Tại phường Thanh Hải có 8 ngôi nhà bị sập, hư hỏng do sạt lở bờ biển. Bộ đội biên phòng đã cử chiến sĩ phối hợp di dời người dân ở các khu vực này vào nơi an toàn.
Ghe thuyền bị sóng đánh vỡ tại KP 3, phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết
Tại huyện Phú Quý: hư hỏng 2 chiếc tàu (công suất 707 CV bị va đập và xuồng nhỏ dưới 20 CV bị chìm tại cảng).
Tàu bị hỏng do va đập ở cảng Phú Quý. Ảnh: Lê Huân
Còn ở huyện Tuy Phong do gió lớn làm 1 lồng bè có 8.000 con cá bị đứt neo trôi ra biển, ước tính thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng. Kè bảo vệ bờ biển Phước Thể bị sóng đánh sụp mặt kè làm sụp 25 m2.
Khoảng 180ha thanh long tại 4 thôn của xã Hàm Thạnh bị ngập và ngập sâu trong nước. Ảnh: TTXVN.
Tỉnh Lâm Đồng
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp suy yếu từ bão số 9, từ ngày 24 đến sáng 26-11, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có mưa lớn, kéo dài liên tục khiến mực nước trên nhiều sông, hồ, đập dâng cao.
Mưa lũ gây sạt lở nhiều đoạn trên đèo Hòn Giao thuộc Quốc lộ 27C, nối Đà Lạt - Nha Trang khiến giao thông bị ách tắc. Tại huyện Đơn Dương, mưa lớn khiến mực nước sông Đa Nhim dâng cao, nhấn chìm cầu Ông Thiều nối thị trấn Thạnh Mỹ với xã Tu Tra, lực lượng dân quân và công an xã Tu Tra phải túc trực, cắm biển, cấm người và phương tiện lưu thông qua cầu. Tất cả các phương tiện lưu thông phải đi vòng lên cầu Quảng Lập. Nhiều học sinh của xã Tu Tra muốn đến trường tại thị trấn Thạnh Mỹ phải đi xa hơn từ 10-15km.
Lũ dâng cao nhấn chìm cầu Ông Thiều (Đơn Dương)
H.Y (tổng hợp)